|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp ngoại từng hồ hởi đến Trung Quốc, nay thiểu não vì dân không chịu rút ví

06:42 | 01/08/2022
Chia sẻ
Nhiều công ty nước ngoài tại Trung Quốc đang chán chường vì nền kinh tế tỷ dân lộ dấu hiệu suy yếu và người tiêu dùng không còn mạnh tay mua sắm như xưa.

Quả ngọt của một doanh nghiệp ngoại

A.H. Beard - nhà sản xuất nệm cao cấp 123 năm tuổi có trụ sở tại Australia, bắt đầu để mắt tới Trung Quốc vào khoảng năm 2010. Thời điểm đó, công ty gia đình này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các loại nệm giá rẻ do nước ngoài sản xuất ngay tại thị trường nội địa.

Trung Quốc - với 1,4 tỷ người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng với sở thích mua sắm các thương hiệu cao cấp, dường như là một điểm đến lý tưởng để A.H. Beard mở rộng.

Hãng sản xuất nệm đã hái được quả ngọt.

Xưởng sản xuất nệm cao cấp của A.H. Beard. Dòng sản phẩm hàng đầu của hãng này có giá khoảng 75.000 USD.(Ảnh: New York Times).

A.H. Beard mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2013. Trước đại dịch COVID-19, doanh số bán hàng tại thị trường tỷ dân tăng hơn 30 năm mỗi năm. Hiện, hãng đã có 50 cửa hàng trên khắp Trung Quốc và dự định mở thêm 50 cửa hàng khác.

Tuy nhiên, giống hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc hiện nay, A.H. Beard đã bắt đầu cân nhắc kỹ càng hơn về chiến lược của mình, tờ New York Times cho hay.

Chính sách Zero COVID hà khắc của Bắc Kinh đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động kinh doanh. Xuất khẩu của A.H. Beard sang Trung Quốc không còn tăng đều đặn như trước kia.

Đầu tháng 7, Bắc Kinh thông báo nền kinh tế vừa tăng trưởng với tộc độ chậm nhất kể từ những ngày đầu đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp lên cao, thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng và người tiêu dùng lo lắng nguy cơ phong toả mà không chi tiêu.

Giờ đây, nền kinh tế từng trụ vững trong dịch bệnh đang lung lay và các công ty đổ xô đến Trung Quốc để tận hưởng thời kỳ kinh tế bùng nổ đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: tăng trưởng sẽ đi ngang ở nơi từng được coi là cơ hội làm giàu đáng tin cậy.

Chia sẻ với New York Times, ông Tony Pearson, Giám đốc điều hành của A.H. Beard, cho biết: “Tôi chắc rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng mà chúng ta từng thấy trước đây”.

Căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến một số lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc phải chịu thuế quan trừng phạt. Đại dịch tiếp tục gây cản trở dòng chảy hàng hoá, nâng giá của hầu hết sản phẩm và trì hoãn các chuyến hàng trong nhiều tháng.

Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, từ cách ly kéo dài đến phong toả diện rộng, khiến khách hàng phải ở yên trong nhà và không thể vung tay mua sắm như trước.

Ông Pearson hy vọng rằng tại đại hội đảng vào cuối năm nay, Bắc Kinh sẽ làm rõ “quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế” và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Ông bày tỏ: “Nền kinh tế này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, nhưng luôn có một mức độ rủi ro nhất định”.

Gió đã đổi chiều trên đất Trung Quốc

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi phần còn lại của thế giới chìm trong suy thoái, Trung Quốc đã lại tăng trưởng thần tốc và doanh nghiệp quốc tế ồ ạt kéo đến thị trường này để gặt hái lợi nhuận.

Các thương hiệu xa xỉ của châu Âu xây dựng cửa hàng ở khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, trong khi các công ty thực phẩm và hàng tiêu dùng chen lấn nhau để lấp đầy kệ hàng siêu thị.

Các hãng sản xuất xe hơi của Đức mở đại lý, còn các hãng chip của Hàn Quốc và Nhật Bản thì nỗ lực thu hút các công ty sản xuất điện tử của Trung Quốc. Thị trường xây dựng bùng nổ thúc đẩy nhu cầu quặng sắt từ Australia và Brazil.

Người tiêu dùng Trung Quốc đền đáp cho những khoản đầu tư đó bằng cách mở ví. Song, đại dịch đã làm lung lay niềm tin của nhiều người và giờ đây họ chỉ thấy mây mờ che trước mặt.

Fang Wei (34 tuổi) cho biết cô đã cắt giảm chi tiêu kể từ khi bỏ việc vào năm 2020. Trước đây, Fang dành phần lớn tiền lương cho các thương hiệu như Michael Kors, Coach và Valentina trong các chuyến mua sắm thường xuyên của mình.

Mặc dù đã đi làm trở lại tại một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh, giờ đây Fang phân bổ một phần tư tiền lương cho chi phí ăn uống, đi lại và các chi phí sinh hoạt khác. Cô giao phần còn lại cho mẹ mình để gửi tiền vào ngân hàng.

“Bởi vì lo lắng về khả năng bị cho nghỉ việc, tôi chuyển hầu hết tiền cho mẹ mỗi tháng. Chuyển từ một cuộc sống hưởng thụ sang chi tiêu tiết kiệm rất áp lực”, Fang cho hay.

Adidas dự đoán doanh thu tại Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. (Ảnh: New York Times).

Người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm hơn là một nỗi lo đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều trong số đó cung cấp các sản phẩm không phải là lựa chọn giá rẻ mà là hàng hoá cao cấp.

An Jun-Min - Giám đốc điều hành của công ty sản xuất các sản phẩm nhân sâm Ginseng by Pharm, cho biết ông cũng nhận thấy “ví tiền của người Trung Quốc đang ngày càng mỏng đi”.

Ông An cho biết doanh số cho sản phẩm chính của công ty - một loại nước uống nhân sân được bán với giá khoảng 18 USD/chai, đã đạt đỉnh trước đại dịch. Công ty Hàn Quốc này đã vận chuyển được 600.000 chai tới Trung Quốc và Hong Kong hồi năm 2019.

Doanh số bán hàng sụt giảm vào năm 2020 do hãng khó đưa sản phẩm vào Trung Quốc trong thời gian phong toả. Hoạt động kinh doanh gần như đã phục hồi trở lại, dù doanh số vẫn thấp hơn 10 - 20% so với mức đỉnh.

Câu chuyện với Adidas cũng tương tự. Năm 2016, khi Trung Quốc còn là thị trường phát triển nhanh và giàu lợi nhuận nhất của Adidas, CEO Kasper Rorsted tuyên bố rằng đất nước này là “ngôi sao may mắn của công ty”.

Adidas đã mạnh tay đầu tư để mở rộng chỗ đứng. Hãng thời trang thể thao tăng số lượng cửa hàng tại Trung Quốc từ 9.000 vào năm 2015 lên 12.000. Sau đó, mọi huyên náo bỗng dừng lại.

Ban đầu, Adidas dự đoán doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ tăng tốc trong năm nay. Song sau đó, hãng đã hạ thấp kỳ vọng vào tháng 5 khi các đợt phong toả kéo dài trên diện rộng. Adidas giờ dự đoán doanh thu tại Trung Quốc sẽ “giảm đáng kể” và khả năng phục hồi nhanh chóng là rất thấp.

Yên Khê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.