Tại sao các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát?
Thế giới đang đối mặt với một giai đoạn tăng giá gần như toàn diện, từ điện, dầu diesel, thực phẩm, phí Internet, vé máy bay, và bây giờ là lãi suất.
Cuộc chiến ở Ukraine (U-crai-na), tình trạng đóng cửa phòng dịch liên tục ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng và chuỗi sản xuất bị gián đoạn dai dẳng diễn ra cùng thời điểm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ gia tăng. Những diễn biến đó đã làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giữa cung và cầu, khiến giá cả tăng cao kỷ lục.
Gần như cùng một lúc, các ngân hàng trung ương khắp nơi trên thế giới đang gấp rút tăng lãi suất chủ chốt nhằm kiềm chế lạm phát phi mã - vốn vẫn liên tiếp thiết lập kỷ lục mới hàng tháng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trở thành một trong những cái tên mới nhất điều chỉnh chính sách tiền tệ, khép lại giai đoạn lãi suất âm kéo dài kể từ những năm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ quốc gia của Liên minh châu Âu (EU).
Các ngân hàng trung ương khác ở Thụy Điển, Na Uy, Mỹ, Canada (Ca-na-đa), Hàn Quốc và Australia (Ôx-trây-li-a) đều đã tiến hành các biện pháp tương tự trong những tháng gần đây, như một cách phản ứng với các chỉ số lạm phát đáng lo ngại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức lớn nhất kể từ năm 1994 - tới hai lần trong các cuộc họp tháng Sáu và tháng Bảy. Tương tự, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) gần đây cũng đã tăng lãi suất với mức lớn nhất trong hơn 27 năm.
Nhưng lý do chính xác đằng sau những động thái đó là gì?
* Vai trò của ngân hàng trung ương
Các ngân hàng trung ương là tổ chức công có bản chất rất khác biệt: chúng là các thực thể độc lập, phi thương mại được giao nhiệm vụ quản lý tiền tệ của một quốc gia - trong trường hợp của ECB là một nhóm các quốc gia. Họ được độc quyền phát hành tiền giấy và tiền xu, kiểm soát dự trữ ngoại hối, hoạt động như những bên cho vay khẩn cấp và đảm bảo hệ thống tài chính luôn có “sức khỏe tốt”.
Nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng trung ương là đảm bảo ổn định giá cả. Điều này có nghĩa là họ cần kiểm soát cả lạm phát (khi giá tăng) và giảm phát (khi giá suy giảm).
Giảm phát thường làm suy yếu nền kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Do đó, mọi ngân hàng trung ương đều đặt mục tiêu lạm phát ở mức dương và vừa phải - thường là khoảng 2% - để khuyến khích tăng trưởng ổn định.
Nhưng khi lạm phát bắt đầu tăng vọt, các ngân hàng trung ương sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Lạm phát quá mức có thể nhanh chóng phá vỡ lợi ích thu được trong những năm kinh tế phát triển thịnh vượng trước đây, làm xói mòn giá trị của các khoản tiết kiệm tư nhân và ăn mòn lợi nhuận của các công ty. Chi phí trở nên đắt đỏ hơn đối với tất cả mọi người: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ đều phải chật vật để đảm bảo các mục tiêu kinh tế.
Và đó là thời điểm ngân hàng trung ương phát triển khai các chính sách tiền tệ gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
* Cảm nhận tác động chính sách
Các ngân hàng thương mại - những ngân hàng mà người dân tìm đến khi họ cần mở tài khoản hoặc đi vay - vay tiền trực tiếp từ ngân hàng trung ương để trang trải những nhu cầu tài chính cần thiết nhất của họ.
Các ngân hàng thương mại phải xuất trình một tài sản có giá trị - được gọi là tài sản thế chấp - nhằm đảm bảo rằng họ sẽ trả lại khoản tiền này. Trái phiếu công, nợ do chính phủ phát hành, là một trong những hình thức thế chấp phổ biến nhất.
Nói cách khác, một ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay tiền, trong khi các ngân hàng thương mại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay tiền.
Khi một ngân hàng thương mại trả lại những gì họ đã vay từ ngân hàng trung ương, ngân hàng đó cũng phải trả một khoản lãi suất. Ngân hàng trung ương có quyền thiết lập lãi suất của riêng mình; đây chính là lãi suất chuẩn mà họ đang điều chỉnh để kiềm chế lạm phát.
Nếu ngân hàng trung ương tính lãi suất cao hơn đối với các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất áp lên các khoản vay cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp có nhu cầu.
Do đó, các khoản nợ cá nhân, vay mua ô tô, thẻ tín dụng và các khoản thế chấp trở nên đắt hơn. Người dân khi đó đều trở nên miễn cưỡng hơn khi yêu cầu các dịch vụ tài chính này. Phía các doanh nghiệp, vốn thường xuyên cần các khoản tín dụng để đầu tư, cũng sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đi vay.
* Hiện thực không như lý thuyết
Điều kiện tài chính thắt chặt hơn chắc chắn khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu ở hầu hết hoặc tất cả các lĩnh vực kinh tế. Khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm, giá của chúng cũng có xu hướng giảm.
Đây chính là điều mà các ngân hàng trung ương hiện mong muốn: Kiềm chế chi tiêu để kiềm chế lạm phát.
Nhưng tác động của chính sách tiền tệ có thể mất đến vài năm để hiện thực hóa. Do đó, chúng khó có thể đưa ra giải pháp tức thời cho những thách thức cấp bách nhất.
Bên cạnh đó, càng làm vấn đề thêm phức tạp khi nguồn cung năng lượng hiện là động lực chính đằng sau lạm phát. Trong khi đó, năng lượng lại bị chi phối mạnh mẽ bởi một yếu tố dường như "không liên quan" đến nền kinh tế, đó là xung đột giữa Nga và Ukraine.
Xăng và điện là những mặt hàng mà mọi người đều phải sử dụng bất kể chúng có giá bao nhiêu. Vì vậy, chờ đợi nhu cầu giảm nhanh chóng để hạ nhiệt giá không thể xảy ra trong trường hợp này.
Điều này giải thích tại sao các ngân hàng trung ương như Fed đang thực hiện những động thái mạnh mẽ như vậy, ngay cả khi chúng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Chính sách tiền tệ “diều hâu” là lựa chọn chênh vênh và nhiều khó khăn: Làm cho các khoản vay đắt hơn có thể hạn chế lạm phát, nhưng đồng thời làm chậm tăng trưởng, làm suy yếu tiền lương và gia tăng thất nghiệp.