Đức đã vượt kế hoạch dự trữ khí đốt, nhưng vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước
Theo CNBC, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã hoàn thành sớm mục tiêu lấp đầy 75% trong tháng này, nhanh hơn hai tuần so với kế hoạch.
Tính đến ngày 20/8, theo dữ liệu mới nhất được tổng hợp bởi Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu (GIE), kho chứa của Đức đã đầy 78,8%, trong khi toàn châu Âu là 76,5%. Ban đầu, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã lên kế hoạch đổ đầy 75% kho chứa khi đốt vào ngày 1/9. Các mốc tiếp theo do Berlin đặt ra là 85% vào 1/10 và 95% vào 1/11.
Nga đã giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong những tuần gần đây, với dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức hiện chỉ hoạt động ở mức 20% công suất đã thỏa thuận.
Phía Moscow đổ lỗi cho turbine hỏng hóc và chậm trễ trong việc vận chuyển thiết bị thay thế do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Đức coi việc cắt giảm nguồn cung là một động thái chính trị nhằm khiến châu Âu bất ổn và nâng giá năng lượng.
Mô hình kinh tế hết thời
“Đức đã phát triển một mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck tuyên bố hôm 15/8. "Mô hình này đã thất bại và sẽ không quay trở lại".
Bình luận của ông được đưa ra khi nhà điều hành thị trường khí đốt của Đức, Trading Hub Europe, thông báo rằng các hộ gia đình trên toàn quốc sẽ phải trả thêm gần 500 EUR mỗi năm cho khí đốt.
Mức thuế mới này được áp dụng nhằm giúp các doanh nghiệp điện lực trang trải chi phí thay thế nguồn cung cấp của Nga. Tuy nhiên, chính phủ Đức cũng đang phải đối mặt với những lời kêu cứu từ người dân.
“Không thể bàn cãi rằng các biện pháp đều có cái giá của nó”, ông Habeck nói. “Tất cả giải pháp đều có hậu quả, một vài trong số đó là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, kết quả sẽ là giúp [Đức] tự chủ năng lượng và bớt bị tống tiền bởi Nga”.
Ông Marcel Fratzscher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW ) nói: “Tôi nghĩ khả năng là Đức sẽ đạt 90% công suất lưu trữ vào đầu mùa đông, nhưng kết quả này vẫn chưa đủ để thực sự tránh được tình trạng thiếu khí đốt”.
“Ngay cả khi Đức vượt qua mùa đông, vấn đề có thể đến vào mùa xuân năm sau”, ông Fratzscher nói. “Sự không chắc chắn là liều thuốc độc cho nền kinh tế. Các công ty đầu tư ít hơn, người tiêu dùng tiêu thụ ít hơn, và kết quả là nền kinh tế Đức suy giảm nghiêm trọng”.
"Lưu trữ khi đốt là chưa đủ"
Giám đốc tài chính của RWE, ông Michael Muller cho biết đến ngày 11/8 mức lưu trữ khí đốt của công ty đã đạt hơn 85%. Ông Muller cho rằng RWE đã "đi đúng hướng" để đạt được mục tiêu của chính phủ vào tháng 11.
Đức có thể nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ trong vài tuần gần đây do một số yếu tố như nguồn cung mạnh mẽ từ Na Uy và các nước khác, nhu cầu giảm khi giá cao, doanh nghiệp chuyển từ khí đốt sang những loại nhiên liệu thay thế và chính phủ cấp hạn mức tín dụng hơn 15 tỷ EUR để bổ sung các cơ sở lưu trữ.
Ông Andreas Schroeder, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng của ICIS cho biết: “Nếu bạn chi nhiều tiền thì việc lấp đầy kho lưu trữ là tương đối đơn giản”.
Ông Schroeder nói thêm: “Nhưng Đức vẫn không thành công như Pháp hay Italy, những quốc gia đã làm đầy kho chứa mà không phải trả một khoản trợ cấp khổng lồ”.
Ông Schroeder cho biết, một lý do khiến Berlin tự nhận thấy mình có “bất lợi chiến lược” so với các nền kinh tế lớn ở châu Âu là do kho dự trữ của Đức trước đây thuộc sở hữu của Gazprom. Một ví dụ điển hình là cơ sở lưu trữ Rehden khổng lồ, địa điểm quan trọng đối với an ninh năng lượng của đầu tàu kinh tế EU.
“Các quốc gia khác, [chẳng hạn như] Pháp và Italy không gặp phải vấn đề này” ông Schroeder nói, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu Đức có thể đạt được mức lưu trữ 95% “khá tham vọng” hay không vào tháng 11.
“Kho lưu trữ khí đốt là không đủ. Bạn cũng cần phải giảm nhu cầu”, ông Schroeder nói.
Tháng trước, EU đã nhất trí giảm sử dụng khí đốt để bù đắp cho viễn cảnh Nga sẽ ngừng nguồn cung. Mặc dù việc cắt giảm là tự nguyên, nhưng trong trường hợp không đủ khí đốt, toàn bộ 27 thành viên trong khối sẽ bắt buộc phải hạn chế sử dụng khí đốt.
Những quốc gia EU khác
Ông Zongqiang Luo, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết vì Đức là quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu nên việc so sánh mức lưu trữ của Berlin với các quốc gia khác là tương đối khó khăn.
Ông Luo cho biết chỉ có Pháp, Tây Ban Nha và Italy là có thể so sánh được với Đức về quy mô tiêu thụ khí đốt.
Tuy nhiên, Pháp phụ thuộc phần lớn vào điện hạt nhân, Tây Ban Nha nhập khẩu khí đốt chủ yếu qua cảng LNG chứ không gắn liền với hệ thống truyền tải của châu Âu. Đồng thời, Italy và Tây Ban Nha đều mua khí đốt chủ yếu từ Algeria.
Theo GIE, tính đến hôm 20/8, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Pháp đã đạt mức 88,4%, trong khi dự trữ của Tây Ban Nha và Ý lần lượt ở mức 82% và 78,9%. “Vì vậy, nếu so kế hoạch lưu trữ của Đức với ba nước này, tôi nghĩ rằng cho đến nay Berlin đã làm rất tốt”, ông Luo nói.