|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạn hán lịch sử đe dọa hoạt động thương mại ở châu Âu

02:00 | 16/08/2022
Chia sẻ
Hạn hán lịch sử khiến những dòng sông tại châu Âu cạn trơ đáy, gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển hàng hàng hóa trong khu vực.

Sông Rhine, dòng sông có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế Đức, Hà Lan và Thụy Sỹ trong nhiều thế kỷ, đang trong tình trạng gần như không thể qua lại, gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển dầu diesel và than. Trong khi đó, sông Danube với chiều dài 2.850 km từ Trung Âu đến Biển Đen cũng bị bồi lấp, cản trở hoạt động buôn bán ngũ cốc và các hàng hóa khác.

Trên khắp châu Âu, giao thông chỉ là một trong những yếu tố của hoạt động thương mại bằng đường thủy vốn đã bị đảo lộn do biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng điện ở Pháp đã trở nên nghiêm trọng hơn do sông Rhone và Garonne quá ấm để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân và mức nước sông Po của Italy (I-ta-li-a) quá thấp để có thể tưới tiêu cho các cánh đồng lúa và duy trì lượng nghêu cho món mỳ Ý.

Trong khi sự gián đoạn của hoạt động giao thông đường thủy là một thách thức lớn ngay cả khi mọi thứ thuận lớn nhất, khu vực này đang đối mặt với một cuộc suy thoái khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na), khiến lạm phát tăng, do nguồn cung lương thực và năng lượng bị thắt chặt.

Tình hình hiện nay diễn ra chỉ bốn năm sau khi hoạt động vận tải qua sông Rhine bị đình trệ chưa từng có đã khiến những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tăng cường sự ổn định của hoạt động giao thông thủy nội địa trở nên cấp bách hơn.

Theo các tính toán dựa trên số liệu của Cơ quan Thống kê EU, các con sông và kênh rạch ở châu Âu là tuyến vận chuyển hơn 1 tấn hàng hóa mỗi năm cho mỗi công dân EU và đóng góp khoảng 80 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, tác động từ việc các dòng sông khô cạn đang gia tăng. 

Giám đốc Cơ quan vận tải đường thủy của Pháp, Cecile Azevard, cho rằng vấn đề không chỉ là ở giao thông đường thủy mà còn là việc làm mát, tưới tiêu và nhiều vấn đề khác. 

Theo nhà kinh tế tại ABN Amro Bank NV, Albert Jan Swart, các điều kiện bất lợi được cho sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế khu vực lớn hơn nhiều so với con số 5 tỷ euro (5,1 tỷ USD) do các vấn đề của sông Rhine vào năm 2018. Công suất vận tải thủy nội địa sẽ bị hạn chế nghiêm trọng nếu lượng mưa trong khu vực vẫn thấp. Giá điện cao tại Đức sẽ gây ra thiệt hại hàng tỷ euro.

Sông Rhine, dòng sông quan trọng nhất châu Âu, đóng vai trò chính yếu trong việc tăng cường vận chuyển than tới các nhà máy điện tại Đức để góp phần hạn chế tác động từ việc Nga giảm nguồn cung khí đốt.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz quan ngại những gián đoạn trong giao thông đường thủy có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch khôi phục một số nhà máy đã bị dừng hoạt động.

Pháp, nước xuất khẩu điện, có thể không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng do chỉ khoảng một nửa các lò phản ứng hạt nhân của nước này đang hoạt động, do các nhà máy khác đang bảo dưỡng. Na Uy cũng đang hạn chế xuất khẩu điện khi ưu tiên việc làm đầy các hồ chứa có mức nước thấp hơn là sản xuất điện.

Sông Rhine là dòng chính trong mạng lưới giao thông đường thủy nội địa của châu Âu. Dòng sông này kết nối với sông Danube thông qua các kênh rạch, có khoảng 800 dặm (1.287 km) chảy qua các khu công nghiệp của Thụy Sỹ và Đức trước khi đổ vào Biển Bắc tại cảng đông đúc Rotterdam của Hà Lan.

Cùng với việc giá khí đốt tăng khi Đức dừng nhập khẩu từ Nga, các nhà máy nội địa như nhà máy Ludwigshafen của BASF SE đang gặp rủi ro. Nếu tình trạng các dòng sông cạn kiệt ngày càng khó lường, các nhà máy sẽ mất lợi thế cạnh tranh. 

Ít nhất, các nhà máy phải tăng dự trữ và tồi tệ nhất, hoạt động sản xuất sẽ được chuyển gần hơn đến các cảng biển, nơi mức nước cao cho hoạt động vận tải thủy và các cơ sở hạ tầng năng lượng như trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Các vấn đề liên quan đến sông Rhine bắt đầu gây tác động. Một nhà máy lọc dầu tại Đức cho biết đã sử dụng dầu sưởi và dầu diesel. Thụy Sỹ đang dùng đến nhiên liệu dự trữ. Các phà tại Hà Lan đã dừng hoạt động.

Lê Minh (Theo Bloomberg)