|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm sóng gió ập đến châu Âu khi Nga dừng hoàn toàn khí đốt qua Nord Stream 1

21:26 | 04/09/2022
Chia sẻ
Châu Âu trong mấy tháng qua đã phải chật vật vì giá khí đốt cao kỷ lục, nay có nguy cơ còn phải khổ sở hơn sau khi Nga thông báo ngừng hoạt động không thời hạn đối với Nord Stream 1 – đường ống dẫn khí quan trọng tới lục địa già.

Đường ống Nord Stream 1 trên đất liền tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters).

Khả năng giá khí đốt lại tăng vọt

Lượng khí đốt từ Nga tới châu Âu xuống thấp từ trước khi Moscow phát động tấn công quân sự Ukraine và càng suy giảm sau khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022. Diễn biến này đã đẩy giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng gần 400% trong 12 tháng qua và khiến cho giá điện nhảy vọt do châu Âu sử dụng nhiều nhà máy nhiệt điện khí.

Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng trong “cuộc chiến tranh kinh tế” với phương Tây xoay quanh xung đột Ukraine. Về phần mình, Moscow đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây và những vấn đề kỹ thuật đã gây ra gián đoạn nguồn cung.

Đường ống Nord Stream 1 chạy qua đáy biển Baltic đến Đức thường cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Nga bán cho châu Âu. Trước khi tạm dừng hoạt động để bảo trì trong tuần này, Nord Stream 1 cũng chỉ hoạt động với khoảng 20% công suất thiết kế.

Theo Reuters, châu Âu từng kỳ vọng tập đoàn khí đốt Gazprom của nhà nước Nga sẽ mở lại đường ống ở mức 20% công suất sau khi quá trình bảo dưỡng kết thúc. Hy vọng này đã khiến cho giá khí đốt Hà Lan TTF vào ngày 2/9 giảm gần 40% so với mức đỉnh lịch sử trong phiên 26/8, còn khoảng 215 euro/MWh.

Tuy nhiên vào hôm 3/9, Nga thông báo sẽ không mở lại Nord Stream 1 do vấn đề kỹ thuật mới được phát hiện trong quá trình bảo dưỡng. Các nhà phân tích cho rằng giá khí đốt nhiều khả năng sẽ tăng vọt khi thị trường mở cửa trở lại vào phiên đầu tuần 5/9.

“Hôm thứ Sáu (2/9), thị trường đã phản ánh vào giá kịch bản Nord Stream 1 hoạt động trở lại”, ông Leon Izbicki, nhà phân tích của Energy Aspects, nhận xét. “Hiện nay chúng tôi dự báo giá khí đốt TTF sẽ mở cửa tăng mạnh vào thứ Hai (5/9)".

Giá khí đốt TTF ở châu Âu giảm sau khi lập đỉnh vào ngày 26/8, nhưng có khả năng sẽ bật tăng vào phiên 5/9 sau khi Nga thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream 1.

Chính phủ giải cứu người dân

Giá điện cao vút do khí đốt đầu vào đắt đỏ đã buộc một số ngành sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất phân bón và nhôm phải giảm quy mô hoạt động. Các chính phủ châu Âu cũng đã phải bơm hàng tỷ euro ngân sách để hỗ trợ người dân.

Hôm 4/9, Đức thông báo sẽ áp thuế bạo lợi (windfall tax) đối với các doanh nghiệp sản xuất điện và dùng nguồn thu này để trang trải cho một gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro dành cho người dân đang phải chịu lạm phát cao và hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Nếu được triển khai, gói giải cứu mới này sẽ đưa tổng giá trị chương trình hỗ trợ người dân mà Đức tung ra kể từ khi Nga tấn công Ukraine lên mức 95 tỷ euro – một trong những con số lớn nhất trong nhóm các nước phát triển.

Phát biểu tại Berlin ngày 4/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ sẽ áp một mức trần lợi nhuận đối với các doanh nghiệp sản xuất năng lượng từ gió, mặt trời, sinh khối, than và hạt nhân nhưng không phải từ khí đốt.

Những doanh nghiệp này đang tạo ra lợi nhuận “vượt mức hợp lý” bởi vì giá điện trên thị trường được xác định theo giá của khí đốt. Nguồn thu từ sắc thuế này sẽ được dùng làm “chiếc phanh giá điện”, giúp cho các hộ gia đình được tiêu dùng một lượng điện cơ bản với giá thấp, ông Scholz nói.

“Nước Đức luôn đoàn kết trong thời kỳ khó khăn. Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau”, Financial Times dẫn lời Thủ tướng Đức nói.

Tác động của lần cắt giảm nguồn cung từ Nga này sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc thu hút các nguồn thay thế, ông Jacob Mandel, chuyên gia cao cấp về hàng hóa tại Aurora Energy Research, nhận định

“Nguồn cung rất khó kiếm và việc thay thế khí đốt của Nga ngày càng trở nên nan giải”, ông Mandel nói.

 

Nga dừng khí đốt hoàn toàn?

Hôm 4/9, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức đã chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn khí đốt.

Đức là nước tiêu thụ khí đốt nhiều nhất châu Âu và hiện đang ở trong giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp gồm 3 bước nhằm ứng phó với tình trạng thiếu cung năng lượng. Nếu Đức kích hoạt báo động cấp độ 3, một số ngành công nghiệp sẽ bị hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, châu Âu đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga như chuyển sang các nguồn cung cấp khí tự nhiên khác, tăng cường nguồn năng lượng tái tạo và các loại năng lượng khác.

Đức đã bắt đầu xây dựng các cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để tiếp nhận nhiên liệu từ các nhà sản xuất toàn cầu, bớt trông chờ vào Nga.

Tuy nhiên trong mùa đông năm nay, khí đốt của Nga vẫn sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc sưởi ấm cho từng gia đình và duy trì hoạt động của các ngành công nghiệp.

"Hiện nay, khả năng nhập khẩu LNG để thay cho khí đốt của Nga là khá rộng mở. Tuy vậy, khi thời tiết chuyển lạnh và nhu cầu tăng lên ở châu Âu cũng như châu Á, châu Âu sẽ không thể nhập khẩu đủ LNG”, Reuters dẫn lời nhà phân tích Jacob Mandel, nhận xét.

Hồi tháng 8, ông Klaus Mueller, Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Federal Network Agency, cho biết dù kho khí đốt dự trữ của Đức được lấp đầy 100% thì cũng sẽ cạn kiệt trong 2,5 tháng nếu như nguồn cung từ Nga ngừng hoàn toàn.

Đức Quyền