Châu Âu nhờ Ấn Độ và Trung Quốc giúp sức để cùng áp giá trần lên dầu Nga
Hôm 2/9, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển gọi tắt là G7 thông báo đã đồng ý áp dụng cơ chế giá trần đối với sản phẩm dầu thô do Nga xuất khẩu. Mục đích của biện pháp này là cắt giảm nguồn thu của Điện Kremlin và làm suy yếu khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Ngoài ra, G7 còn muốn hạ giá nhiên liệu để khống chế lạm phát và bảo vệ người tiêu dùng trong nước mình. Các quốc gia thành viên G7 bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Các bộ trưởng tài chính của nhóm G-7 ra thông cáo chung cho biết cơ chế giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp trừng phạt khác nằm trong gói cấm vận thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU). Để một biện pháp cấm vận được EU thông qua, tất cả 27 nước thành viên đều phải đồng ý.
Ngày 3/9, tại hội nghị bộ trưởng nhóm G-20 tổ chức tại Bali - Indonesia, đại diện Liên minh châu Âu đã hối thúc Trung Quốc và Ấn Độ tham gia cùng nhóm G-7 trong việc áp giá trần với dầu của Nga.
Các thông tin chi tiết về cơ chế giá trần này vẫn đang được hoàn thiện và chưa được tiết lộ. Nhưng các nhà phân tích năng lượng đã bày tỏ quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là liệu các nhà nhập khẩu dầu thô lớn như Ấn Độ và Trung Quốc có đồng ý áp giá trần hay không.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch BRICS: Nga và Ấn Độ không còn cần đến USD 26/08/2022 - 10:11
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị phương Tây cấm vận, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường nhập dầu thô của Nga với giá chiết khấu so với thị trường quốc tế, nhờ đó mà hưởng lợi lớn.
Khi được hỏi liệu EU có kỳ vọng hai nền kinh tế tỷ dân của châu Á áp giá trần hay không, Cao ủy phụ trách Năng lượng của EU, bà Kadri Simson, nói: “Tôi nghĩ là [Trung Quốc và Ấn Độ] nên ủng hộ giá trần”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC bên lề hội nghị G-20 ở Indonesia ngày 3/9, bà Simson cho biết Trung Quốc và Ấn Độ “sẵn sàng mua sản phẩm dầu mỏ của Nga với lý do đây là hoạt động quan trọng đối với an ninh nguồn cung năng lượng. Nhưng việc bơm cho Nga nguồn thu dồi dào là không công bằng”.
Tuần trước, Mỹ cho biết đã có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Ấn Độ về vấn đề giao dịch dầu thô của Nga, Reuters cho hay. Trong khi đó, Trung Quốc hồi tháng 7 nói rằng giá trần với dầu thô là “một vấn đề rất phức tập”.
Áp lực khổng lồ về thời gian
Cơ chế giá trần được kỳ vọng sẽ sẵn sàng để áp dụng trước tháng 12 khi các lệnh trừng phạt của EU đối với nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, các thành viên thị trường vẫn đang đợi thêm những thông tin chi tiết về mức giá trần cụ thể.
Thông cáo chung của nhóm G-7 có đoạn viết: “Mức giá trần ban đầu sẽ được xác định dựa vào một khoảng các thông số kỹ thuật và sẽ được quyết định bởi toàn bộ khối liên minh trước khi áp dụng. Mức giá trần sẽ được truyền thông một cách rõ ràng và minh bạch”.
Bà Kadri Simson, Cao ủy phụ trách Năng lượng của EU, không nói khi nào các thông tin chi tiết sẽ được công bố nhưng cho biết các tính toán kỹ thuật đang được thực hiện. “Chúng tôi đang chịu áp lực thời gian khổng lồ”.
Nga không nhượng bộ
Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất cứ quốc gia nào áp đặt giới hạn về giá.
“Những doanh nghiệp áp giá trần sẽ không được nhận dầu của Nga”, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 2/9. “Chúng tôi sẽ không hợp tác với ai theo những nguyên tắc phi thị trường”.
“Thị trường năng lượng đang lên cơn sốt. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở châu Âu, nơi mà các biện pháp bài xích Nga dẫn tới việc châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với giá cắt cổ - mức giá không tương xứng. Các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng giàu lên trong khi người dân đóng thuế ở châu Âu nghèo đi”, ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga đang đánh giá xem việc áp giá trần với dầu thô xuất khẩu sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế. “Một điều mà tôi có thể tự tin khẳng định là: Quyết định áp giá trần sẽ khiến cho các thị trường dầu mỏ hết sức bất ổn”.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, châu Âu mua khoảng một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mà Nga xuất khẩu, số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy.
Trong năm 2021, châu Âu nhập 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel từ Nga mỗi ngày. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những người mua lớn nhất.
Không chỉ đe dọa cắt dòng chảy dầu mỏ, Nga thực tế đã dừng hoàn toàn đường ống khí đốt Nord Stream 1 chạy qua biển Baltic đến Đức.
Nord Stream 1 ngừng hoạt động trong ba ngày để bảo dưỡng và lẽ ra đã được mở lại vào ngày 3/9 nhưng Nga lấy lý do trục trặc kỹ thuật để tiếp tục đóng cửa.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ăn hoặc sưởi ấm: Người dân châu Âu khốn đốn trước khủng hoảng năng lượng 03/09/2022 - 16:00
Động thái mới của Nga diễn ra trong lúc châu Âu đang xoay xở khắp nơi để tìm đủ nguồn cung năng lượng trong mùa đông lạnh giá sắp tới. Châu Âu cáo buộc Nga dùng khí đốt làm vũ khí chống lại châu Âu, Nga phủ nhận cáo buộc này.
Một số nhà phân tích thị trường tiếp tục đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả của chính sách giá trần trong việc cắt giảm nguồn thu từ dầu của Nga.
“Tác động chính của cơ chế giá trần mà G-7 đề xuất là khiến cho tính cạnh tranh kinh tế tiếp tục chuyển dịch từ châu Âu sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các nước châu Á khác”, CNBC dẫn lời ông Chris Weafer, Tổng giám đốc công ty phân tích Macro-Advisory, nhận định. “Nga sẽ không bán dầu cho những nước phương Tây không thân thiện nhưng vẫn sẽ cung cấp cho các nước châu Á với giá chiết khấu”.