Chuyên gia: Mỹ không phải tất cả, chuỗi cung ứng công nghệ Đông Nam Á sẽ không bị bỏ ngỏ
Kể từ khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống vào tháng 11/2024, các thương hiệu điện tử lớn trên thế giới đã yêu cầu nhà cung cấp ở châu Á tăng sản lượng. Họ cũng muốn đẩy mạnh việc xuất khẩu điện thoại, laptop và máy chủ sang Mỹ.
Mục đích là để tránh các mức thuế có thể được áp dụng khi ông Trump chính thức nhậm chức. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên gấp rút và rối loạn hơn vào tuần trước. Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế “đối ứng” lên đến 50% đối với các đối tác thương mại.
Các công ty chỉ có vài ngày để phản ứng. Apple, Dell, Microsoft và Lenovo đã yêu cầu đối tác chuyển gấp nhiều thiết bị cao cấp sang Mỹ. Họ tập trung vào các sản phẩm trị giá trên 3.000 USD, đặc biệt là máy tính.

“Một số khách hàng đã gọi và yêu cầu sản xuất càng nhiều thiết bị điện tử càng tốt, vận chuyển càng nhiều bằng đường hàng không càng tốt”, một giám đốc của nhà cung cấp cho Apple, Microsoft và Google chia sẻ. “Nhưng vấn đề là chúng tôi không có đủ linh kiện và nguyên liệu trong kho. Còn chưa đến một tuần nữa là các mức thuế mới sẽ bắt đầu, nên chúng tôi cũng chỉ vận chuyển được một phần”.
Một quản lý tại công ty vận chuyển hàng không quốc tế cho biết, họ đang chạy đua với thời gian. “Tất cả các thủ tục hải quan phải hoàn tất trước nửa đêm ngày 8/4 theo giờ Mỹ. Chúng tôi liên tục nhận được các yêu cầu khẩn từ châu Á”, người này nói với Nikkei Asia.
Một số công ty bị bất ngờ và không biết nên phản ứng ra sao. HP ban đầu nói với nhà cung cấp rằng họ không thay đổi kế hoạch vận chuyển. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, họ đổi ý và yêu cầu chuyển càng nhiều thiết bị càng tốt trong vài ngày tới.
Một số công ty khác đang tìm giải pháp thay thế. Họ cân nhắc sử dụng các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi thuế để trung chuyển hàng. “Nhiều khách hàng trước đây chọn Việt Nam thay vì Philippines, giờ đã quay lại nhờ chúng tôi giúp đóng gói và vận chuyển hàng từ cơ sở tại Philippines. Vì mức thuế ở đây chỉ là 17%”, một giám đốc trong ngành công nghệ cho biết.
HP đang đề nghị các nhà cung cấp mở rộng sản xuất tại Mexico. Hiện tại, hàng hóa từ Mexico bị áp thuế thấp hơn so với từ Thái Lan và Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết HP cũng đang cân nhắc chuyển một phần hoạt động sản xuất về Mỹ.
Trong khi đó, Dell đang tìm cách làm việc với chính phủ Mỹ. Một số công ty khác thì chấp nhận chịu thiệt hại.
Samsung, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã thông báo với một số nhà cung cấp rằng họ sẽ giảm đơn hàng linh kiện trong quý II và quý III/2025. Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh tùy theo tình hình thị trường.
Nintendo thì vẫn đang chờ đợi. Công ty đã hoãn việc mở đặt trước tại Mỹ cho máy chơi game Switch 2. Họ nói cần thêm thời gian để đánh giá ảnh hưởng của thuế và biến động thị trường.

Dù các phản ứng hiện tại mang tính tạm thời, thuế quan và chính sách khó đoán từ Mỹ dưới thời ông Trump đang thúc đẩy những thay đổi lâu dài hơn. Trước đây, nhiều công ty chọn rời Trung Quốc để tránh thuế. Giờ đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách mở rộng sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
Lenovo, hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã yêu cầu đội ngũ tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước, các nước thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường có quan hệ chặt với Bắc Kinh, cũng như thị trường châu Âu nếu Mỹ tiếp tục áp thuế. Theo số liệu từ Canalys, Lenovo hiện là hãng máy tính lớn thứ ba tại Mỹ, chiếm khoảng 17% thị phần, sau HP và Dell.
Acer, nhà sản xuất máy tính lớn thứ 6 toàn cầu, cũng nói với các nhà cung cấp rằng họ sẽ ưu tiên các thị trường mới nổi, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu. Acer cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với khách hàng và chuỗi cung ứng để đưa ra những hành động phù hợp, dựa trên nhu cầu thị trường, sự cạnh tranh và danh mục sản phẩm”.
Asustek Computer (Asus), hãng đứng thứ 5, cho biết họ sẽ không thay đổi bất ngờ chiến lược sản xuất. Công ty đã dành nhiều năm để chuyển một phần dây chuyền sang Việt Nam và Thái Lan, theo Nikkei Asia.
Asus đã yêu cầu các nhà cung cấp tạm dừng giao hàng sang Mỹ do đã có lượng hàng tồn kho lớn ở đó. Thông tin này được hai nguồn tin quen thuộc xác nhận trong tuần qua. Asus từ chối xác nhận việc ngừng giao hàng nhưng nói rằng họ đã “chủ động dự trữ hàng hóa trong phạm vi hợp lý” để ứng phó với tình hình thuế quan.

Trong dài hạn, các nhà phân tích cho rằng chuỗi cung ứng công nghệ tại Đông Nam Á vẫn cần thiết với các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh: Đức Huy).
“Mọi thứ vẫn còn rất khó đoán. Rất khó để đưa ra quyết định rõ ràng lúc này. Bất kỳ quyết định nào cũng có thể chỉ kéo dài trong 24, 48 hoặc 72 tiếng rồi phải điều chỉnh lại”, một lãnh đạo tại đơn vị cung cấp linh kiện cho Lenovo, HP, Dell và Asus cho biết.
“Nhưng có một điều chắc chắn. Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng. Họ nói rằng năm nay sẽ tập trung vào các thị trường ngoài nước Mỹ, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Âu”, vị lãnh đạo này nói thêm.
Một lãnh đạo tại công ty cung cấp linh kiện cho Apple, Google và Microsoft cho biết khoảng 75% đến 80% thị trường điện tử tiêu dùng nằm ngoài nước Mỹ. Ông nói các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển hướng sang những thị trường này.
“Ngay cả với các công ty Mỹ như Apple, thị trường Mỹ cũng không phải là tất cả. Chuỗi cung ứng công nghệ đã mở rộng sang Ấn Độ, Đông Nam Á và Mexico từ nhiều năm nay. Những nỗ lực đó vẫn sẽ phát huy hiệu quả ở các thị trường khác ngoài Mỹ”, người này cho biết.
Jack Zhang, Phó Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Kansas, cũng đồng tình. Ông cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc giờ đã trở thành một cuộc chiến toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á hay Ấn Độ sẽ bị bỏ ngỏ trong thời gian tới.
“Các dự án đầu tư lớn như vậy cần rất nhiều thời gian để đi vào hoạt động. Họ có thể điều chỉnh tốc độ nhanh hơn hoặc chậm lại một chút, nhưng không thể thay đổi hướng đi trong một sớm một chiều”, ông Zhang nói.