Dân Đức chuyển sang máy sưởi điện vì thiếu khí đốt, nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa
Số liệu bán lẻ cho thấy nhiều hộ gia đình Đức đang tích trữ quạt sưởi, trong đó có cả các thiết bị cầm tay, giữa những lo ngại Nga có thể cắt hoàn toàn hoặc giảm hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt sau xung đột với Ukraine.
Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường GfK, người dân Đức đã mua 600.000 thiết bị sưởi điện trong nửa đầu năm nay, tăng gần 35% so với một năm trước đó.
Bà Kerstin Andreae, Giám đốc điều hành hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng và tiện ích của Đức (BDEW), lưu ý khách hàng có thể phải trả hóa điện đắt đỏ hơn nếu họ không sử dụng một cách tiết kiệm các thiết bị sưởi.
Bà Andreae nhấn mạnh các thiết bị trên có thể làm quá tải lưới điện, khi nhiều hộ gia đình trong một khu vực cùng bật quạt sưởi trong một đêm mùa đông lạnh giá. Bà cho biết bà hiểu nỗi sợ hãi của người dân về sự lạnh lẽo của những ngôi nhà, nhưng một số biện pháp ứng phó có thể phản tác dụng.
Trả lời phỏng vấn tờ Tagesspiegel, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Năng lượng Đức (BNA), ông Klaus Mueller cũng cảnh báo nhu cầu sử dụng quạt sưởi tăng cao sẽ dẫn tới tình trạng mất điện cục bộ.
Theo ông Mueller, ngay cả khi giá khí đốt ở mức rất cao, việc sử dụng máy sưởi điện sẽ gây tốn kém hơn cho người dùng so với hệ thống sưởi trung tâm vận hành bằng khí đốt, hình thức sưởi ấm phổ biến nhất tại Đức.
Giống như các nước Liên minh châu Âu khác, Đức đang nỗ lực hỗ trợ hộ gia đình cũng như ngành công nghiệp chịu sức ép nặng nề do đà tăng vọt của giá năng lượng, sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống Nord Stream 1.
BNA ước tính Đức sẽ phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt 20% để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong mùa đông này, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong một thế hệ tại châu Âu.
Theo ông Müller, về dài hạn, “cái giá phải trả” để chấm dứt sự phụ thuộc của Đức vào Nga sẽ là giá khí đốt ở mức rất cao và điều này sẽ gây ra hậu quả lớn cho hoạt động kinh doanh. Ông lưu ý một số ngành sản xuất có thể phải “chia tay” nước Đức do giá khí đốt quá đắt đỏ.
Berlin đang trong giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp gồm ba giai đoạn. Bước vào giai đoạn thứ ba, BNA sẽ phải đưa ra quyết định về những doanh nghiệp không còn nhận được nguồn cung khí đốt đầy đủ.