|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bí quyết của vùng đất bị lạm phát bỏ quên, giá cả nhích lên như rùa bò trong khi cả châu Âu phi mã

14:27 | 11/09/2022
Chia sẻ
Trong khi nhiều người hàng xóm châu Âu đang hứng chịu lạm phát hai con số, Thụy Sỹ vẫn ung dung với mức tăng giá cả chỉ bằng 1/3 do những sự khác biệt về giỏ hàng hóa, nguồn cung năng lượng, cách thức chi tiêu cũng như chi phí lao động.

Lạm phát hiện đang là vấn đề nhức nhối với đa số các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Tại EU, lạm phát đã lên tới gần 10%. Trong khi hàng loạt quốc gia đang đau đầu vì giá cả tăng phi mã, Thụy Sỹ vẫn ung ung với mức lạm phát chỉ hơn 3%.

Vậy bí mật của Thụy Sỹ là gì?

Lạm phát tại Thụy Sỹ là bao nhiêu?

Khi nền kinh tế toàn cầu chậm rãi hồi phục sau đại dịch COVID, nền kinh tế Thụy Sỹ trở lại nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nhiều nước khác.

Tuy nhiên, với việc nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng vẫn còn bị đứt gãy và không đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp thế giới, giá cả ở quốc gia này cũng như đa số các nước cũng đã bắt đầu tăng.

Đồng thời, cuộc xung đột Ukraine cũng đẩy giá cả một số sản phẩm nông nghiệp và năng lượng lên mức kỷ lục, tạo thêm áp lực lạm phát.

Lạm phát tại Thụy Sỹ tương đương với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi toàn châu Âu đang chịu mức lạm phát 9,8%, giá cả trung bình tại Thụy Sỹ chỉ tăng vỏn vẹn có 3,5%. Dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) thậm chí còn khả quan hơn, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thụy Sỹ chỉ tăng 3,3% vào tháng 7.

Theo Eurostat, lạm phát tại các nền kinh tế lớn của EU như Đức là 8,5%, Pháp là 6,8%, Áo là 9,4%, Italy là 8,4%.

Trong khi đó, giá cả của các nước thuộc vùng Baltic như Latvia, Litva (Lithuania) và Estonia đã tăng vượt quá 20%, có thể được coi là lạm phát phi mã. Ở phía bên kia đại dương, tỷ lệ lạm phát của Mỹ cũng đã lên tới 9,1% trong tháng 6 và 8,5% vào tháng 7. 

Tờ The Local cho biết, nhìn chung, so với những người hàng xóm cũng như nhiều nền kinh tế thế giới, lạm phát của Thụy Sỹ đang ở “mức hoàn toàn thoải mái”, theo nhà kinh tế học Matthias Geissbühler. Nhà kinh tế trưởng của chính phủ Eric Scheidegger cho rằng Thụy Sỹ là “một ốc đảo hạnh phúc” khi so với Mỹ.

Cách tính lạm phát

Một yếu tố cần lưu ý là lạm phát được tính theo giỏ hàng hóa của từng quốc gia. Người dân của mỗi quốc gia lại có xu hướng tiêu dùng khác nhau, do có giỏ hàng hóa khác nhau.

Bởi vậy, ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng có thể sẽ ít ảnh hưởng tới Thụy Sỹ hơn các nước khác. Tỷ trọng của một số mặt hàng trong giỏ hàng hóa giúp giải thích vì sao lạm phát tại Thụy Sỹ thấp như vậy.

 

Ví dụ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Thụy Sỹ do các công ty tư nhân cung cấp chiếm 17% trong chỉ số CPI, so với 7% ở Mỹ và 5% ở Đức, theo dữ liệu của OECD. Chính phủ Thụy Sỹ đã khuyến khích các công ty bảo hiểm y tế cắt giảm phí bảo hiểm.

Ông Hechler-Fayd'herbe tại ngân hàng Credit Suisse cho biết: “Do áp lực chính trị, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giúp kìm hãm lạm phát”. Kết quả là lạm phát do dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Thụy Sỹ cũng thấp hơn nhiều các nước ở châu Âu.

Tương tự, nhờ vào hệ thống sông, hồ và địa hình đồi núi, thủy điện chiếm khoảng 57% sản lượng điện năng của Thụy Sỹ, giúp hạn chế tác động của giá dầu và khí đốt leo thang.

Năng lượng cũng chỉ chiếm hơn 5% rổ hàng hóa của Thụy Sỹ, so với 7% của Mỹ và tới 10% của Đức, những nơi sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Đồng tiền mạnh mẽ

Trong cả thời kỳ khó khăn lẫn tươi đẹp, đồng franc Thụy Sỹ (CHF) vẫn luôn mạnh mẽ, thậm chí còn đã vượt qua giá của EUR trong những tháng gần đây. 

Từ lâu, CHF đã được coi như là kênh trú ẩn an toàn do sự ổn định của nền kinh tế và chính trị Thụy Sỹ cũng như tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến nhà đầu tư chuyển tài sản vào đồng CHF, khiến giá đồng nội tệ của Thụy Sỹ tăng.

Đồng nội tệ mạnh giúp giá hàng hóa nhập khẩu giảm xuống. Bởi Thụy Sỹ phụ thuộc lớn vào hàng hóa từ nước ngoài, chi phí nhập khẩu giảm sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát.

Tờ Neue Zürcher Zeitung cho biết: “Hàng hóa nhập khẩu là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, [đồng franc mạnh] đã khiến hàng nhập khẩu rẻ đi, giúp Thụy Sỹ có sức mua lớn hơn trên thị trường quốc tế”.

Ngoài ra, đồng nội tệ của Thụy Sỹ còn được bảo đảm bởi kho dự trữ vàng lớn thứ 8 thế giới, với hơn 1.000 tấn. Trước đây, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) từng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải nắm giữ 40% dự trữ bằng vàng, tuy nhiên quy định này đã bị dỡ bỏ từ năm 1999.

Giá năng lượng

Cuộ xung đột Ukraine, các biện pháp trừng phạt và hành động trả đũa của Nga đã đẩy giá năng lượng tăng cao và là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát tại các châu Âu. Giá khí đốt, điện tại đa số các nước đều tăng gấp nhiều lần chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, như đã nói thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu điện năng của Thụy Sỹ, và nhìn chung, tỷ lệ năng lượng trong giỏ hàng hóa cũng thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác.

Với sự trợ giúp của nhiều công nghệ khác nhau, Thụy Sỹ đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, cú sốc năng lượng trên thị trường thế giới không ảnh hưởng lớn tới Thụy Sỹ.

 

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chưa đến 1% lượng điện tiêu thụ ở Thụy Sỹ là từ dầu mỏ và khí đốt, trong khi 57% có nguồn gốc từ thủy điện và 34% từ năng lượng hạt nhân.

Tại Liên minh châu Âu (EU), hơn 1/5 lượng điện được được sản xuất bằng khí đốt và hơn 1/8 bằng than đá, hai loại hàng hóa có mức tăng giá chóng mặt trong những tháng qua.

Vốn đã đắt đỏ

Một yếu tố khác khiến cho lạm phát tại Thụy Sỹ thấp là do chi phí sinh hoạt tại đây vốn đã quá cao.

Reuters dẫn lời bà Nannette Hechler-Fayd'herbe, trưởng bộ phận kinh tế & nghiên cứu toàn cầu của Credit Suisse cho biết: “Một trong những đặc điểm của nền kinh tế Thụy Sỹ là giá cả của mọi thứ đều cao hơn so với những người láng giềng tại châu Âu".

Số liệu của World Bank cho thấy chi tiêu hộ gia đình tính theo đầu người của Thụy Sỹ cao gấp hơn hai lần so với khu vực đồng euro. 

Người Thụy Sỹ chi tiêu gấp hơn hai lần mức trung bình của khu vực đồng euro.

Chán ngán với mức chi tiêu đắt đỏ, các nhóm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng tại Thụy Sỹ đã vận động hành lang để thông qua hai điều luật giúp hộ gia đình có được giá tốt hơn.

Điều luật đầu tiên ngăn cản các doanh nghiệp tăng giá riêng với thị trường Thụy Sỹ. Điều luật thứ hai cấm hoạt động "chặn vùng địa lý", được các nhà bán lẻ sử dụng để ngăn người mua hàng trực tuyến mua các sản phẩm hoặc dịch vụ rẻ hơn từ nước ngoài. Các trang web nước ngoài khi phát hiện người mua tới từ Thụy Sỹ có thể tự động chuyển về phiên bản trong nước, với giá cả đắt đỏ hơn - tình trạng này hiện không còn nữa.

Chi phí lao động

Chi phí lao động cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng tới lạm phát tại Thụy Sỹ. Theo tờ The European Times, đa số giá cả của một các mặt hàng như lương thực tại Thụy Sỹ tới từ lao động chứ không phải nguyên vật liệu.

Lương tại Thụy Sỹ thuộc hàng cao nhất châu Âu. (Dữ liệu của Thụy Sỹ từ năm 2016, đã được quy đổi theo giá trị euro vào năm 2020).

Một ví dụ điển hình là bánh mì. Tại Thụy Sỹ, giá một kilogram bánh mì là 5,5 EUR, trong khi giá ở Đức chỉ là 2,4 EUR. Giả sử hai nước cùng nhập bột mỳ, trứng, sữa thì khi giá bột mỳ tăng thêm 0,1 EUR, bánh mì của Thụy Sỹ sẽ chỉ đắt hơn 2%, so với 4% ở Đức.

Nếu như so sánh với các quốc gia nghèo hơn ở châu Âu như Bulgaria, thì tỷ lệ tăng giá của bánh mỳ khi nguyên liệu tăng thêm 0,1 EUR sẽ còn lớn hơn nhiều.

Một điểm khác biệt nữa của Thụy Sỹ là sự chú trọng tới ngành sản xuất nội địa. Quốc gia này sẽ chỉ cho phép nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài nếu chúng không cạnh tranh trực tiếp với nền sản xuất trong nước.

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.