|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Gió đã đổi chiều: 'Nạn nhân' của đồng USD đắt đỏ không còn là các nền kinh tế mới nổi

16:23 | 08/09/2022
Chia sẻ
Đồng USD tăng phi mã đang gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế phát triển, tương tự như cách nó từng làm với các nền kinh tế thị trường mới nổi trong quá khứ.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).  

Do chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng USD đang đẩy các đồng tiền đối thủ xuống thấp hơn, qua đó làm tăng giá hàng hoá nhập khẩu, siết chặt các điều kiện tài chính và thổi bùng lạm phát ở các nền kinh tế khác.

Điều này đang làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương (NHTW) khác, buộc họ phải nâng lãi suất lên cao. Tuy nhiên, khả năng kiềm chế sức mạnh của đồng USD từ các NHTW này lại khá hạn chế.

Hiện, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và chứng kiến giá tiêu dùng leo thang theo thời gian. Cùng lúc, chi phí đi vay đắt đỏ hơn đang làm nguội lạnh thị trường nhà ở tại Australia, Canada và New Zealand.

Mặc dù ảnh hưởng từ các đợt tăng lãi suất của Fed lên nền kinh tế toàn cầu không phải là mới, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây sức mạnh của đồng USD lại vượt trội so với rổ tiền tệ của các quốc gia phát triển hơn là so với các nền kinh tế mới nổi.

 

Ông Maurice Obstfeld - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Đồng bạc xanh mạnh hơn thường đi kèm với việc lãi suất ngắn hạn và dài hạn tại Mỹ lên cao hơn, hoặc với việc thị trường toàn cầu bị kéo căng và nhà đầu tư đổ xô mua USD vì sự an toàn của nó”.

“Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ khiến các nền kinh tế phát triển ở khắp mọi nơi chững lại”, vị chuyên gia chia sẻ thêm với Bloomberg.

Chỉ số USD theo trọng số thương mại so với các nền kinh tế tiên tiến mà Fed tổng hợp đã tăng 10% trong năm nay lên mức cao nhất kể từ năm 2002, trong khi chỉ số tương tự với thị trường mới nổi chỉ nhích 3,7% và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi năm 2020.

Dù một số đồng tiền giao dịch kém nhất thế giới trong năm nay là của các nền kinh tế đang phát triển như Sri Lanka, thành tích của các đồng tiền được hỗ trợ bởi giá hàng hoá như real của Brazil và ruble của Nga đã củng cố cho nhóm thị trường mới nổi.

Sayuri Shirai - cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và hiện là giáo sư Đại học Keio, cho biết: “Chỉ bằng cách tăng lãi suất chính sách thì các quốc gia khác khó có thể ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ”.

Đó là bởi vì “sức mạnh của đồng USD không chỉ phản ánh kỳ vọng về việc lãi suất quỹ liên bang của Mỹ sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay…mà còn cho thấy rủi ro suy thoái toàn cầu phát sinh từ việc lãi suất tăng cao hơn so với dự kiến trên khắp thế giới”, bà tiếp tục.

Thế tiến thoái lưỡng nan đó sẽ được minh hoạ trong vài ngày tới khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cân nhắc mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 9, trong bối cảnh khối kinh tế chung phải đương đầu với lạm phát cao kỷ lục và đồng euro tụt xuống dưới mức ngang giá so với USD.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) dự kiến cũng sẽ nâng lãi suất với mức tương tự và Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) vừa thực hiện một đợt tăng 0,5 điểm % cách đây không lâu, Bloomberg thông tin.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể phải thắt chặt chính sách hơn nữa tại cuộc họp tháng này. Tâm lý nhà đầu tư suy sụp đã đẩy đồng bảng xuống ngấp nghé mức thấp nhất kể từ năm 1985.

Và, việc đồng yen tụt xuống mức đáy 25 năm đang khiến Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khó xử, bởi trước đó ông tuyên bố rằng ngân hàng trung ương cần phải duy trì các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, ngay cả khi giá cả lên cao.

Trong bối cảnh Fed vẫn chưa dừng tăng lãi suất, áp lực từ thị trường tiền tệ đối với các quan chức NHTW toàn cầu chưa thể dịu bớt, trừ khi các đồng nghiệp của họ tại Mỹ kiểm soát được lạm phát giá tiêu dùng.

Trong số 31 tỷ giá hối đoái chính mà Bloomberg theo dõi, có 4 đồng tiền thuộc các nền kinh tế phát triển đang nằm trong nhóm 10 tỷ giá giảm nhiều nhất. Chỉ duy nhất đồng CAD là nằm trong số 10 tỷ giá giao dịch tích cực nhất.

Euro là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất với đồng bạc xanh. Đối với các NHTW như ECB, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là lời nhắc nhở đặc biệt rõ ràng về vai trò “dẫn truyền” lạm phát của đồng euro - nhất là khi USD đang là đồng tiền chiếm ưu thế trong việc định giá hàng hoá toàn cầu.

Hồi tháng trước, bà Isabel Schnabel - thành viên ban điều hành của ECB, cho hay: “Theo tôi, khi xảy ra một cú sốc năng lượng, tỷ giá hối đoái có ý nghĩa rất lớn”. Đây là phản hồi của bà khi phóng viên của Reuters hỏi rằng nghiên cứu trước đó cho thấy tác động của tỷ giá tới lạm phát đã giảm bớt.

Nhật Bản - quốc gia có đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai với đồng USD, cũng đang cảm thấy gánh nặng. Đồng yen hiện không còn xa mốc 146 JPY/USD (tỷ giá càng cao thì đồng tiền càng tụt mạnh). Năm 1998, việc yen Nhật giảm sâu so với USD đã buộc Tokyo và Washington phải can thiệp để thúc đẩy đồng tiền này.

Tỷ giá biến động cũng khiến tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản vọt lên tới 3% - cao hơn nhiều so với ngưỡng mục tiêu 2% của Thống đốc Kuroda.

Mặc dù người đứng đầu BoJ khẳng định rằng sự gia tăng giá tiêu dùng sẽ không kéo dài, các hộ gia đình và doanh nghiệp đang ngày càng trở nên bồn chồn hơn khi đồng yen mất giá khiến chi phí năng lượng và nhập khẩu hàng hoá phi mã.

Mối lo ngại lớn hơn đối với nhiều quốc gia là việc tăng lãi suất trong nước có thể không giúp ích mấy cho đồng nội tệ của họ, vì nền kinh tế của các quốc gia này trông có vẻ còn mong manh hơn cả Mỹ.

Đồng bảng Anh đang trên đà tụt xuống dưới mức thấp nhất vào tháng 3/2020, bất chấp việc các nhà đầu tư kỳ vọng BoE sẽ vượt Fed trong cuộc đua tăng lãi suất. Thị trường tin tưởng lãi suất chuẩn của Anh sẽ chạm mức 4,25% trong vòng 6 tháng - cao hơn mức 4% của Mỹ.

Các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Mexico đã đi nhanh hơn Fed trong cuộc đua tăng lãi suất. 

Mặc dù nhiều nước đang phát triển đang phải chịu sức ép từ bộ đôi lãi suất và lạm phát giá tăng, nhìn chung họ vẫn chèo lái nền kinh tế tốt hơn trước kia, ít nhất cho đến nay là vậy. Một phần là nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào hơn cũng như các nước này đã nhanh tay nâng lãi suất trước Fed.

Một số nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Chile và Ấn Độ, còn can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ. Đối với các quốc gia phát triển, bước đi này có thể khó khăn hơn về mặt chính trị, Bloomberg nhận thấy.

Nếu nền kinh tế Mỹ giảm tốc, từ đó khiến Fed “hãm phanh” chu kỳ thắt chặt chính sách hiện tại và theo thời gian khiến đồng USD suy yếu, thì may ra các nền kinh tế tiên tiến mới được giải cứu.

Yên Khê