|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BlackRock: Fed sẽ phải sững sờ vì thiệt hại mà các đợt tăng lãi suất gây ra cho nền kinh tế

14:48 | 08/09/2022
Chia sẻ
BlackRock cho rằng chiến dịch hạ nhiệt lạm phát của Fed sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nhưng vẫn thất bại trong việc đưa lạm phát quay lại mức mục tiêu 2%.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: EPA). 

Theo các nhà phân tích tại Viện Đầu tư BlackRock, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang sắp sửa khiến bản thân họ phải bất ngờ với các vấn đề liên quan tới cổ phiếu và tài sản rủi ro.

BlackRock lập luận rằng một thể chế mới đang hình thành trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua một thời kỳ bất thường khi sản lượng và lạm phát đều biến động cực kỳ thấp. Đại dịch COVID-19 đã đảo lộn giai đoạn đó.

Và giờ đây, thị trường đang bước vào một môi trường biến động mạnh có nhiều điểm tương đồng với đầu thập niên 1980. Trong môi trường như vậy, các khối nợ kỷ lục đồng nghĩa rằng một sự thay đổi nhỏ của lãi suất sẽ tạo ra tác động khổng lồ lên chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trong lưu ý ngày 6/9, các nhà phân tích tại Viện Đầu tư BlackRock viết: “Tại hội nghị Jackson Hole, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu thừa nhận thực tế mà chúng tôi vừa chỉ ra. Nhưng chúng tôi cho rằng Fed không quan tâm nhiều đến hậu quả kinh tế mà nỗ lực giảm lạm phát gây ra.

Có vẻ như lúc này các nhà hoạch định chính sách không định kiềm chế cuộc đánh đổi lớn giữa lạm phát và tăng trưởng. Và đây là vấn đề đáng ngại. Chúng tôi cho rằng đưa lạm phát quay về mục tiêu của ngân hàng trung ương đồng nghĩa với việc vùi dập nhu cầu và gây ra suy thoái. Đó là tin xấu với các tài sản rủi ro trong ngắn hạn”.

Chủ tịch Jerome Powell đang báo hiệu rằng Fed không có ý định lùi bước trong việc tăng lãi suất. Nhưng các nhà phân tích của BlackRock cho rằng các đợt tăng này sẽ không giải quyết được rắc rối lớn nhất là năng lực sản xuất của nền kinh tế đang xuống thấp.

Tại hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Powell phát biểu rằng các nhà hoạch định chính sách quyết tâm kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng nỗ lực này rất có thể sẽ cần đến “một giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng lâu dài”, và khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp phải chịu "một số nỗi đau". 

 

Các nhà phân tích giải thích: “Cách duy nhất để Fed đưa lạm phát đi xuống nhanh chóng là buộc nhu cầu giảm khoảng 2% so với sản lượng mà nền kinh tế có thể dễ dàng tạo ra hiện nay. Như vậy, sản lượng sẽ xuống thấp hơn hẳn xu hướng tăng trưởng trước COVID-19.

Nhưng Fed vẫn chưa thừa nhận chi phí khổng lồ tới tăng trưởng hay bản chất bất thường của những hạn chế trên thị trường lao động kể từ sau đại dịch. Chúng tôi ước tính sẽ có thêm 3 triệu người thất nghiệp nếu nhu cầu giảm 2%.

Fed sẽ bị bất ngờ bởi thiệt hại mà quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ gây ra cho tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng khi Fed nhìn ra nỗi đau này thì họ sẽ ngừng tăng lãi suất.

Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn để Fed ngăn chặn đà suy yếu của nền kinh tế. Tuy vậy, sự sụt giảm này cũng sẽ không đủ lớn để đưa lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) xuống mục tiêu của Fed là 2%. Thay vào đó, chúng tôi dự kiến lạm phát sẽ duy trì ở tỷ lệ gần 3%”.

Những điều này có ý nghĩa gì với nhà đầu tư? Tóm lại, thể chế mới trên thị trường sẽ yêu cầu nhà đầu tư thường xuyên điều chỉnh danh mục hơn. Thời hạn đầu tư cũng sẽ đóng vai trò quan trọng tới lợi nhuận.

BlackRock cho biết: “Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu thị trường phát triển do triển vọng vĩ mô xấu đi. Các ngân hàng trung ương có vẻ chắc chắn sẽ thắt chặt chính sách quá đà và cản trở việc khởi động lại nền kinh tế. Các kịch bản suy thoái mà chúng tôi dự đoán vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó chúng tôi không bắt đáy lúc này”.

Trong dài hạn, các nhà phân tích đự dịnh tăng tỷ trọng cổ phiếu thị trường phát triển do loại tài sản này có tiềm năng sinh lời tốt hơn chứng khoán có thu nhập cố định. Hơn thế, các ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ những xu hướng dài hạn như chuyển dịch sang năng lượng sạch – ví dụ như lĩnh vực công nghệ - cũng có sự hiện diện tương đối lớn ở thị trường cổ phiếu của các nước phát triển.

Giang