|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu sẽ còn gặp khó khăn gấp bội vào mùa đông năm sau

10:41 | 08/09/2022
Chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu khó kết thúc sớm và có thể sẽ kéo dài tới ít nhất là năm 2025.

Theo Bloomberg, các chính trị gia châu Âu đang tập trung vào việc sống sót qua mùa đông sắp tới, nhưng mùa đông năm sau có thể sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Việc Nga ngừng nguồn cung khí đốt sẽ khiến cho kho dự trữ bị cạn kiệt nhanh hơn khi nhiệt độ hạ thấp trong những tháng tới đây, đồng thời khiến quá trình chuẩn bị cho mùa sưởi ấm của năm 2023 càng trở nên khó khăn hơn.

 

Theo các nhà điều hành năng lượng, nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng, sự căng thẳng sẽ kéo dài đến ít nhất là năm 2025. “Châu Âu có thể sẽ đối mặt với vấn đề còn nghiêm trọng hơn vào mùa đông năm sau”, ông Niek Den Hollander, Giám đốc thương mại của tập đoàn năng lượng Uniper (Đức) cho biết.

“Các quốc gia có thể sẽ không lấp đầy các kho chứa khí đốt vào mùa hè năm sau như những gì đã làm được vào năm nay”, ông nói.

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 50 năm khi Nga cắt nguồn cung khí đốt nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt. Khi giá khí đốt tăng cao, việc Nga đóng van đang khiến khủng hoảng chi phí sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn và đẩy nhiều nền kinh tế châu  Âu đứng trước bờ vực suy thoái.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng xử lý những khó khăn trước mắt, và đã dành ra hơn 300 tỷ EUR (297 tỷ USD) nhằm giải quyết vấn đề chi phí năng lượng trong mùa đông này. Tuy nhiên, châu lục già sẽ đối mặt với viễn cảnh đáng sợ khi những biện pháp này hết hiệu lực và khủng hoảng vẫn không dịu bớt.

Ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citigroup, cho biết: “Phải đến giai đoạn từ 2025 đến 2027, giá cả ở châu Âu quay trở lại như đầu năm 2021”. Năng lực xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) “không tăng trưởng trong một sớm một chiều”.

Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Moscow, châu Âu hiện phải đối mặt với sự xáo trộn đau đớn, người tiêu dùng phải hạn chế sử dụng năng lượng và doanh nghiệp cắt giảm sản lượng.

Nhu cầu tiêu thụ khí đốt năm 2022 đã giảm, bất chấp tổng tiêu thụ năng lượng cao hơn.

Ông Charif Souki, Chủ tịch và đồng sáng lập của nhà công ty LNG Tellurian cho biết: “[Khủng hoảng năng lượng] lên đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến sự phá hủy nhu cầu”. 

“Mọi người sẽ phải thay đổi cách sống. Bạn sẽ ít lái xe hơn, ít bật máy sưởi hơn, ít bật đèn hơn và nền sản xuất công nghiệp sẽ bị hạn chế”, ông cảnh báo.

Khí đốt của Nga, vốn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU), không thể dễ dàng thay thế. Sau khi Gazprom cắt khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vào cuối tuần trước, dòng chảy quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Bà Laura Page, nhà phân tích LNG cấp cao tại Kpler, cho biết: “Nếu Điện Kremlin muốn cắt khí đốt tới Trung Âu, thì hoạt động vận chuyển qua Ukraine chắc chắn sẽ gặp rủi ro”.

EU dự kiến sẽ thảo luận về việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga, một phần trong kế hoạch chưa từng có để can thiệp vào thị trường năng lượng. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ không bán khí đốt nếu bị áp giá trần.

Nguồn cung từ các khu vực khác không thể bù đắp hoàn toàn cho dòng khí đốt của Nga.

Tình trạng bế tắc gây áp lực lên các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc đa dạng hóa nguồn cung. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, nhưng nước này không có khả năng bù đắp hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Các nhà cung cấp khác như Azerbaijan và Algeria cũng gặp phải một số tắc nghẽn tương tự.

LNG được vận chuyển bằng tàu biển từ các nhà sản xuất xa xôi như Mỹ và Qatar cũng là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Đức, một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất khi Nga đóng van, đang thúc đẩy việc mở cửa các bến tiếp nhận LNG nổi (FSRU) đầu tiên trong những tháng tới.

Tuy nhiên năng lực nhập khẩu chỉ là một phần của vấn đề. Theo ông Colin Parfitt, Phó Chủ tịch của Chevron, hoạt động sản xuất LNG trên toàn cầu đang bị hạn chế và việc tăng công suất sẽ phải mất ít nhất ba năm nữa. 

Trong khi chờ đợi, châu Âu sẽ phải tranh giành với châu Á để có được những lô hàng LNG đắt đỏ. Và khi châu Âu có ít lựa chọn hơn, thị trường vẫn sẽ căng thẳng trong tương lai gần.

Ông Helge Haugane, Phó Chủ tịch cấp cao tại công ty năng lượng Equinor nói: “Châu Âu sẽ quay lại trạng thái bình thường, nhưng sẽ tốn thời gian. Sự biến động về giá cả sẽ tồn tại lâu dài".

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.