|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát toàn cầu hiện nay đã cao nhưng có thể sẽ còn đáng sợ hơn trong tương lai

21:47 | 29/08/2022
Chia sẻ
Trái ngược với những hy vọng của nhiều nhà hoạch định chính sách, vấn đề lạm phát có thể diễn biến tồi tệ hơn, khi các quốc gia “làm nóng” nền kinh tế để duy trì tăng trưởng và việc làm.

Trái ngược với những hy vọng của nhiều nhà hoạch định chính sách, vấn đề lạm phát có thể diễn biến tồi tệ hơn, khi các quốc gia “làm nóng” nền kinh tế để duy trì tăng trưởng và việc làm.

Trong bài viết đăng trên South China Morning Post (SCMP), nhà báo kỳ cựu chuyên viết về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á, ông Anthony Rowley, nhận định hầu hết mọi người đều nhận thấy lạm phát đã chạm mức “đáng sợ” và ngày càng ít người coi đây là một hiện tượng nhất thời.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là có khi nào “cơn ác mộng” mới chỉ bắt đầu và lạm phát có thể tăng cao hơn nữa trước khi những chính sách siết chặt phát huy hiệu quả?

Nghiên cứu được công bố tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) diễn ra vào cuối tuần trước cũng đã đưa ra kịch bản này, với những tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính, gánh nặng nợ, tỷ lệ thất nghiệp trong tương lai và tất nhiên là lạm phát tăng vọt.

Một số người vẫn giữ quan điểm rằng khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại trạng thái bình thường, lạm phát sẽ giảm còn một chữ số số và lãi suất sẽ hạ xuống. Xung đột tại Ukraine cũng sẽ chấm dứt và mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.

Tuy nhiên, ông Rowley lưu ý những “nút thắt” không thể dễ dàng được cởi bỏ như vậy. Dự báo lạc quan trên không phù hợp với một thế giới tồn tại sự đối đầu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, với hậu quả tiêu cực đối với giá năng lượng, hàng hóa và lương thực.

Theo ông Rowley, những cú sốc đối với hệ thống thương mại toàn cầu, do tình trạng gián đoạn cung ứng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng của xung đột Ukraine, có thể kéo dài nhiều năm thay vì nhiều tháng.

Nhà báo trên cho rằng quyết định làm nóng nền kinh tế của các ngân hàng trung ương với gói kích thích tài khóa đã khiến “con yêu tinh” lạm phát chui ra khỏi hang và việc chế ngự “con yêu tinh” này có thể gây đau đớn cho tất cả mọi người.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.

Trong phát biểu tại hội nghị ở Jackson Hole, bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thừa nhận ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển đã sai khi đánh giá một cách hời hợt đà tăng bất ngờ của lạm phát.

Các ngân hàng từng cho rằng với đà phục hồi sau đại dịch và xung đột Ukraine, chuỗi cung ứng sẽ trở lại bình thường, giá hàng hóa sẽ giảm và hành động mạnh mẽ như tăng lãi suất là không cần thiết. Các thị trường tài chính cũng đã nuôi dưỡng những ảo tưởng tương tự.

Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, dịch COVID-19 vẫn lây lan tại nhiều nước, chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, trong khi chiến sự tại Ukraine làm cho giá hàng hóa ngày càng tăng cao hơn. Lạm phát đang lan tràn và các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất dù gây tổn thương cho đà tăng trưởng.

Theo quan sát của bà Gopinath, tiền là gốc rễ của mọi mọi vấn đề. Từ khi cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan nới lỏng chính sách tiền tệ cách đây 20 năm để làm dịu bớt cú sốc từ sự bùng nổ của bong bóng dot-com cho đến biện pháp nới lỏng quy mô lớn hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 rồi gói kích thích “khủng” trong đại dịch COVID-19, đây là hoàn toàn là những chính sách một chiều.

Điều mà nhà hoạch định chính sách không lường trước được là khoản tiền được sử dụng để ngăn chặn suy thoái sẽ đi vào nhu cầu hàng hóa vật chất vì nhu cầu đối với dịch vụ và hoạt động giải trí bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch.

Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách đã thiếu tầm nhìn khi tình trạng gián đoạn sản xuất do đại dịch gây ra làm hao hụt nguồn cung hàng hóa. Trong khi đó, những gói kích thích tiền tệ lại thúc đẩy nhu cầu và khiến giá hàng hóa tăng vọt. Khi cung không thể khớp với cầu, lạm phát là điều không thể tránh khỏi.

Lạm phát lên cao tại nhiều nước trên thế giới.

Bà Gopinath dự báo lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác có thể ở mức trung bình 4-5% trong 5 năm tới, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2%. Do đó, nguy cơ xảy ra “thảm họa lạm phát” là khá cao.

Khi các nhà phân tích chứng khoán đề nghị những nhà giao dịch trên thị trường tài chính đánh giá về vấn đề lạm phát và các rủi ro khác, họ chỉ có thể nói rằng họ đang nhìn theo hướng khác thay vì “nhìn chằm chằm” vào vực thẳm có thể xảy ra.

Trà My