|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ không nới lỏng quá sớm, cảnh báo ‘đau đớn’ trong nỗ lực chế ngự lạm phát

22:34 | 26/08/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 26/8 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong quá trình kiểm soát lạm phát, cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất và gây ra “đau đớn” cho nền kinh tế Mỹ để kìm hãm giá cả.

Chủ tịch Fed Jerome Powell năm 2020. (Ảnh: AP).

Quyết tâm ghìm cương lạm phát

Trong bài phát biểu rất được mong đợi tại hội nghị Jackson Hole ngày 26/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tái khẳng định rằng Fed “sẽ sử dụng các công cụ của mình một cách mạnh bạo” để kiềm chế lạm phát đang ở quanh vùng đỉnh 40 năm.

Từ tháng 3 đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã 4 lần tăng lãi suất liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 0 – 0,25% lên khoảng 2,25 – 2,5%. Tuy nhiên, ông Powell ngày 26/8 vẫn cho rằng hiện nay “vẫn chưa phải là lúc để dừng lại hay tạm nghỉ".

“Lãi suất lên cao hơn, tăng trưởng chậm lại và điều kiện thị trường lao động suy yếu sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng đồng thời sẽ gây ra những đau đớn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông Powell đọc trong bài phát biểu được chuẩn bị trước.

“Đây là những cái giá mà chúng ta không may sẽ phải trả để giảm lạm phát. Nếu thất bại trong việc lập lại sự ổn định của giá cả sẽ còn gây ra những nỗi đau khủng khiếp hơn nhiều”.

Fed đã nâng lãi suất 4 lần liên tiếp trong năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới đây.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực sau phát biểu của ông Powell. Tính đến 21h50 ngày 26/8 theo giờ Việt Nam, Dow Jones đang mất hơn 400 điểm, tương đương 1,22%, S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,51% và 1,9%.

Thị trường châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ, chỉ số DAX của Đức sụt 2%, FTSE của Anh và CAC của Pháp giảm tương ứng 0,75% và 1,51%. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 1,66%.

Mục tiêu lạm phát 2%

Theo CNBC, phát biểu của ông Powell được đưa ra trong lúc các dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ có thể đã đạt đỉnh nhưng vẫn chưa giảm đáng kể.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 không đổi so với tháng liền trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát 9,1% của tháng 6.

Tương tự, số liệu vừa được công bố ngày 26/8 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 giảm 0,1% so với tháng liền trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức tăng 6,8% trong tháng 6.

Chỉ số PCE lõi, tức là không bao gồm giá lương thực và thực phẩm, nhích lên 0,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với tháng 7/2021, cả hai đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.

PCE là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed và có khả năng tác động đáng kể tới chính sách tiền tệ tại Mỹ. Sở dĩ giá cả hạ nhiệt trong tháng 7 vừa qua là vì giá nhiên liệu đi xuống đáng kể.

Nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế cũng đang giảm tốc, trong đó thị trường nhà ở suy giảm tương đối nhanh.

Số liệu công bố ngày 23/8 cho thấy doanh số bán nhà mới xây giảm 12,6% trong tháng 7 xuống còn 511.000 căn, thấp hơn mức 574.000 mà các chuyên gia ước tính. Nguồn cung tăng lên thành 10,9 tháng, tức là với tốc độ giao dịch như hiện nay thì cần 10,9 tháng mới bán hết lượng tồn kho. Doanh số nhà bán lại tháng 7 cũng giảm 5,9%.

GDP của Mỹ đã giảm hai quý liên tiếp. Số liệu quý II được điều chỉnh từ giảm 0,9% còn giảm 0,6%.

Ông Powell ngày 26/8 lưu ý rằng trọng tâm của Fed tương đối rộng, không chỉ bao gồm số liệu trong một hay hai tháng, đồng thời tuyên bố Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ cho tới khi lạm phát xuống gần mức mục tiêu dài hạn 2%.

“Chúng tôi đang chủ định đưa lập trường chính sách về mức đủ thắt chặt để lạm phát quay lại ngưỡng 2%”, Chủ tịch Fed chia sẻ.

Nói về định hướng tương lai, ông Powell cho rằng “việc lập lại sự ổn định giá cả nhiều khả năng sẽ đòi hỏi phải duy trì chính sách thắt chặt trong một khoảng thời gian. Các bằng chứng lịch sử cho thấy việc nói lỏng chính sách quá sớm là điều rất không nên”.

Theo số liệu cập nhật mới công bố ngày 25/8, GDP quý II của Mỹ giảm 0,6%, khả quan hơn mức giảm 0,9% thông báo ban đầu nhưng vẫn là tín hiệu tiêu cực. Nền kinh tế Mỹ vừa trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nhưng Fed cũng như quan chức Nhà Trắng đều cho rằng nền kinh tế chưa suy thoái do vẫn còn nhiều dấu hiệu tươi sáng.

CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng công ty LPL Financial, nhận xét: “Về cơ bản, ông Powell đang nói rằng ngay lúc này, chống lạm phát quan trọng hơn hỗ trợ tăng trưởng”.

Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng đỉnh 40 năm nhưng tỷ lệ thất nghiệp đang ở vùng đáy lịch sử. Vì thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ nên Fed cho rằng nền kinh tế chưa rơi vào suy thoái, bất chấp việc GDP giảm hai quý liên tiếp.

Đức Quyền

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.