Dow Jones rớt hơn 1.000 điểm sau tuyên bố của Chủ tịch Fed, chứng khoán Mỹ giảm hai tuần liên tiếp
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.008 điểm, tương đương 3,03%, và đóng cửa ở 32.283 điểm. Lực bán tháo mạnh dần về cuối phiên. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite diễn biến tiêu cực hơn khi mất lần lượt 3,37% và 3,94%.
Tính chung cả tuần qua, các chỉ số chính đều đi xuống, đánh dấu tuần tụt dốc thứ 2 liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Theo CNBC, Dow Jones mất 4,2%, S&P 500 và Nasdaq cũng sụt tương ứng 4% và 4,4%.
Trong bài phát biểu rất được mong đợi tại hội nghị Jackson Hole ngày 26/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm, đồng thời cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ phải chịu ‘đau đớn’ trong nỗ lực chế ngự lạm phát.
“Việc thiết lập lại sự ổn định giá cả nhiều khả năng sẽ đòi hỏi phải duy trì chính sách thắt chặt trong một khoảng thời gian. Các bằng chứng lịch sử cho thấy việc nói lỏng chính sách quá sớm là điều rất không nên”, ông Powell phát biểu sáng 26/8 (theo giờ Mỹ).
- TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ không nới lỏng quá sớm, cảnh báo ‘đau đớn’ trong nỗ lực chế ngự lạm phát 26/08/2022 - 22:34
CNBC dẫn lời ông Zach Hill, Giám đốc quản lý danh mục tại Horizon Investments, nhận định: “Chúng tôi tin vào Fed, chúng tôi tin rằng lãi suất sẽ lên cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn”.
Đà bán tháo phiên cuối tuần lan rộng ra toàn thị trường, trong 500 cổ phiếu thành viên của chỉ số S&P 500 chỉ có 5 mã đóng cửa trên tham chiếu.
Sau phiên giảm sâu 26/8, S&P 500 đã xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên 27/7. S&P 500 có lúc lập đỉnh ngắn hạn 4.305 điểm vào phiên 16/8 nhưng đã sụt gần 5,8% trong 10 ngày qua.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ phiên 26/8. Nhóm công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và viễn thông lao dốc mạnh nhất, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Cổ phiếu năng lượng giảm ít nhất.
Tính chung cả tuần qua, năng lượng là nhóm duy nhất giữ được đà tăng nhờ diễn biến tích cực của giá dầu thế giới.
Ông Tom Lee, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Fundstrat, tỏ ra lạc quan trên kênh CNBC về triển vọng vĩ mô: “Tôi nghĩ chúng ta đều đã thấy nhiều bằng chứng cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm”.
Ông Lee chỉ ra sự suy yếu trong tiêu dùng hàng hóa lâu bền, ví dụ như giá xe hơi cũ giảm xuống, cho thấy lạm phát đã chậm lại, qua đó giúp người tiêu dùng hưởng lợi. “Đây không phải là suy thoái mà chỉ là sự điều chỉnh nhu cầu”.
Vị Giám đốc nghiên cứu của Fundstrat nói thêm: “Tôi nghĩ có nhiều luồng thông tin trái chiều nhau nhưng các thị trường đã phản ánh nguy cơ suy thoái vào giá. Tôi cho rằng kịch bản hạ cánh mềm có khả năng xảy ra cao hơn”.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 8 do Đại học Michigan vừa công bố có thể đã giúp bù đắp một phần hiệu ứng tiêu cực từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole.
Chỉ số cuối cùng của tháng 8 đạt 58,2 điểm, tăng mạnh so với mức 51,5 điểm của tháng 7 và cao hơn mức 55,3 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones khảo sát.
Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới giảm từ mức 5,2% trong tháng 7 xuống còn 4,8% trong tháng 8, đánh dấu mức thấp nhất trong 8 tháng trở lại đây.
Số liệu vừa được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố ngày 26/8 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 giảm 0,1% so với tháng liền trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức tăng 6,8% trong tháng 6.
Chỉ số PCE lõi, tức là không bao gồm giá lương thực và thực phẩm, nhích lên 0,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với tháng 7/2021, cả hai đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.
PCE là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed và có khả năng tác động đáng kể tới chính sách tiền tệ tại Mỹ. Sở dĩ giá cả hạ nhiệt trong tháng 7 vừa qua là vì giá nhiên liệu đi xuống đáng kể.
Số liệu công bố hôm 10/8 cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 không đổi so với tháng liền trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát 9,1% của tháng 6.