|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế khó của Fed: Sẽ thế nào nếu các động lực thổi bùng lạm phát không thoái lui?

11:09 | 26/08/2022
Chia sẻ
Cuộc chiến của Fed có thể sẽ không suôn sẻ nếu các động lực khơi mào lạm phát không biến mất trong thời gian tới, mà ngược lại chúng trở thành một thực tế mới và kéo dài lâu hơn.

Một kỷ nguyên mới

Các ngân hàng trung ương (NHTW) đang lo lắng rằng sự gia tăng gần đây của lạm phát có thể không phải là một hiện tượng nhất thời, mà là quá trình chuyển đổi sang một thực tế mới và lâu dài hơn.

Để chống lại tác động của sự suy giảm thương mại và tình trạng thiếu hụt lao động, hàng hoá cũng như năng lượng dai dẳng, các NHTW có thể phải nâng lãi suất cao hơn và lâu hơn so với những thập kỷ gần đây.

Điều đó có thể khiến tăng trưởng kinh tế trở nên yếu ớt hơn, tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn và suy thoái xảy ra thường xuyên hơn, các nhà phân tích và hoạch định chính sách chia sẻ với Wall Street Journal (WSJ).

Nỗ lực của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ bị cản trở nếu các yếu tố thổi bùng lạm phát không phải là nhất thời. (Ảnh minh hoạ: Money/Getty Images). 

Các đợt tăng lãi suất hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mà các nhà kinh tế cho là đã đẩy siêu cường lớn nhất thế giới đến bờ vực suy thoái, có thể là một minh hoạ cho môi trường mới nói trên.

Ông Mark Carney - cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), từng nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một loạt biến chuyển lớn”.

“Kỷ nguyên lạm phát thấp, hoạt động kinh tế ít biến động và điều kiện tài chính lỏng lẻo kéo dài hàng chục năm qua đang khép lại”, ông nhấn mạnh tại một hội nghị kinh tế hồi tháng 3.

 

Các thách thức của giới hoạch định chính sách trong thời đại mới có thể sẽ là trọng tâm của hội nghị Jackson Hole (Wyoming, Mỹ) năm nay. Cuộc họp mặt của các NHTW toàn cầu này sẽ diễn ra trong giai đoạn 25 - 27/8.

Tại một cuộc thảo luận hồi tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói: “Kể từ sau đại dịch, chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền kinh tế bị đẩy đưa bởi các lực lượng rất khác nhau. Điều chúng tôi không biết là liệu chúng ta sẽ quay lại một thế giới tương tự như trước hay có chút thay đổi gì đó”.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phản hồi với một đánh giá bi quan hơn: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ quay trở lại môi trường lạm phát thấp đó”.

Vậy môi trường mới trông như thế nào? Theo lời WSJ, môi trường này có thể sẽ phản ánh sự đình trệ hoặc đảo ngược của ba lực lượng đã kéo lạm phát xuống mức thấp trong nhiều thập kỷ qua (bằng cách hạn chế năng lực đàm phán lương của người lao động và khả năng tăng giá của doanh nghiệp).

Lực lượng 1: Toàn cầu hoá

Dòng chảy thương mại, tiền tệ, con người và ý tưởng sáng tạo đã tăng tiến cùng với sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh và việc Trung Quốc gia nhập hệ thống thương mại quốc tế vào những năm 1990.

Các công ty đa quốc gia đã sử dụng nhiều công nghệ mới để xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ tập trung vào việc giảm chi phí bằng cách tìm kiếm địa điểm sản xuất và nhân công rẻ nhất. Đồng thời, xu hướng cạnh tranh trên toàn thế giới cũng góp phần giúp giá hàng hoá đi xuống.

 

Điều này đã giữ cho lạm phát của Mỹ ổn định. Trong 20 năm tính tới năm 2019, mỗi năm giá hàng hoá tại Mỹ tăng trung bình 0,4%, trong khi giá dịch vụ tăng 2,6%. Lạm phát lõi (không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động) đạt khoảng 1,7%.

Sau khi đại dịch và chiến sự Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã áp dụng các quy trình mới để nâng cao độ tin cậy của hệ thống, ngay cả khi chi phí đi lên. Chẳng hạn, họ quyết định chuyển dây chuyền về gần quê nhà hơn hoặc mua hàng từ nhiều nhà cung ứng hơn.

Ngoài ra, căng thẳng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng de-globalization (đảo ngược toàn cầu hoá) cũng như gia tăng chủ nghĩa bảo hộ (protectionism). Cả hai đều sẽ làm chi phí sản xuất phình to.

Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond - Tom Barkin, bày tỏ: “Nếu tất cả chuỗi cung ứng của bạn chỉ nằm ở một quốc gia, bạn phải tự hỏi mình tại sao lại chấp nhận rủi ro đó khi mà thế giới ngày nay có thể bùng phát dịch bệnh, hoặc mối quan hệ giữa các nước có thể xấu đi bất cứ lúc nào…”

Lực lượng 2: Thị trường lao động

Trong cuốn sách “The Great Demographic Reveral” (tạm dịch: sự đảo ngược nhân khẩu học vĩ đại) ra mắt năm 2020, cựu quan chức BoE Charles Goodhart và nhà kinh tế học Manoj Pradhan lập luận rằng lạm phát thấp kể từ thập niên 1990 ít liên quan tới chính sách tiền tệ của các NHTW.

Ngược lại, hai vị chuyên gia cho biết xu hướng đó bắt nguồn từ dòng người lao động nhập cư giá rẻ từ châu Á và Đông Âu. Họ đã giúp giảm chi phí lao động và giá hàng thành phẩm tới các quốc gia giàu có.

Theo WSJ, ông Goodhart viết rằng tình trạng dư thừa lao động toàn cầu năm xưa đang nhường chỗ cho thời đại thiếu hụt công nhân, và dĩ nhiên hệ quả là lạm phát sẽ lên cao hơn nữa.

Một số tính toán của nhà kinh tế Didem Tüzemen tại Fed chi nhánh Kansas cho thấy, lực lượng lao động tại Mỹ hiện thấp hơn trước khi đại dịch bắt đầu khoảng 2,5 triệu người.

Tăng trưởng lao động thực chất đã chững lại từ trước COVID-19, chứng tỏ dân số đang già hoá, tỷ lệ sinh giảm và dân nhập cư ngày càng ít. Tăng trưởng này chậm lại có thể khiến tiền lương tăng cao hơn, từ đó tạo thêm áp lực lạm phát.

Tiền lương trước mốc đại dịch tăng khoảng 3% mỗi năm. Trong vòng một năm tính đến tháng 7 năm nay, thu nhập trung bình hàng giờ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đi lên khoảng 5,2%.

 

Trong những năm sau cuộc suy thoái 2007 - 2009, khoảng 1 triệu người đã nhập cư vào Mỹ mỗi năm. Tốc độ đó bắt đầu giảm dần dưới thời chính quyền Tổng thống Trump và nhỏ giọt dầu sau khi COVID bùng phát.

Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Giovanni Peri tại Đại học California, nếu xu hướng nhập cư trước năm 2019 tiếp tục, thì lượng nhân công nước ngoài trong độ tuổi lao động tại Mỹ đang bị hụt hơn 1,8 triệu người.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5, Chủ tịch Fed Powell cho biết có khả năng sự suy giảm của lao động nhập cư đã tạo ra “sự mất cân bằng dai dẳng giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Nếu tăng trưởng thị trường lao động chững lại, nền kinh tế sẽ thu hẹp”.

Lực lượng 3: Giá năng lượng, hàng hoá

Các công ty năng lượng và hàng hoá đã không mạnh tay đầu tư vào công suất mới trong thập kỷ qua. Điều đó đang tạo ra nguy cơ thiếu hụt dai dẳng nguồn cung khi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.

Khi Fed ghìm cương lạm phát vào đầu những năm 1980, Chủ tịch Paul Volcker đã có chút thuận lợi khi các doanh nghiệp thời đó rất tích cực đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, dẫn đến nguồn cung không bị hạn chế như ngày nay.

Trước khi ba lực lượng lớn nói trên xuất hiện, Fed có thể tăng lãi suất với tốc độ nhàn nhã hơn cũng như theo đuổi nhiều chính sách để cùng lúc giữ tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức thấp.

Điều đó là khả thi khi mối đe doạ chính đối với nền kinh tế là các “cú sốc nhu cầu”, chẳng hạn như doanh nghiệp giảm tuyển dụng và đầu tư kinh doanh, người tiêu dùng bớt chi tiêu,…Các cú sốc này làm chậm cả lạm phát và tăng trưởng, như trong các cuộc suy thoái năm 2001 và 2007 - 2009.

Kinh nghiệm cũ đã định hình cho phản ứng của Fed trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020. Lo ngại về một thập kỷ tăng trưởng ì ạch và lạm phát quá thấp, Fed đã hạ lãi suất xuống gần mức 0, ngay cả khi Nhà Trắng và Quốc hội đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, thay vì làm giảm nhu cầu kinh tế, các lực lượng nổi lên trong đại dịch lại là các “cú sốc nguồn cung”. Chúng khiến nền kinh tế mất khả năng cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho người dân, qua đó làm tổn hại tăng trưởng và thổi bùng lạm phát.

Các đợt phong toả và nhu cầu hàng hoá mạnh hơn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Sau đó, chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống Nga càng làm phức tạp thêm tình hình. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xuất hiện trên khắp nước Mỹ.

Với các cú sốc về nguồn cung, Fed sẽ phải đối mặt với một sự đánh đổi khó khăn giữa tăng trưởng và lạm phát, vì tuyên chiến với lạm phát luôn luôn đồng nghĩa với việc hy sinh tăng trưởng và thị trường lao động.

Yên Khê