|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát đang trên đà giảm, Fed chỉ cần ngồi im?

15:45 | 28/07/2022
Chia sẻ
Nhà kinh tế lỗi lạc Milton Friedman và "huyền thoại chống lạm phát" Paul Volcker dạy rằng, khi tăng trưởng cung tiền chững lại thì lạm phát cũng sẽ hạ nhiệt.

Bài học từ Paul Volcker

Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - lần thứ hai liên tiếp nhằm khống chế lạm phát cao kỷ lục. Khác với đợt tăng đầu tiên vào tháng 6, giờ đây nền kinh tế Mỹ có thể đang suy thoái.

Thông thường Fed sẽ không tăng lãi suất trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Song, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước thì ngân hàng trung ương Mỹ có lý do để tăng lãi suất.

Lần gần nhất Fed phải đối mặt với một quyết định khó khăn tương tự là vào đầu những năm 1980, dưới sự chủ trì của cựu Chủ tịch Paul Volcker, tờ Wall Street Journal gợi nhắc.

Quyết tâm giữ vững chính sách tiền tệ thắt chặt qua hai cuộc suy thoái liên tiếp của Volcker đã giúp chấm dứt tình trạng lạm phát cao dai dẳng và tạo tiền đề cho nhiều thập kỷ tăng trưởng mà không phải lo lắng về áp lực giá cả.

Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker. (Ảnh: Zuma Press).

Một số chuyên gia kêu gọi Chủ tịch Jerome Powell cũng nên can đảm như vậy. Bản thân ông Powell cũng thường xuyên nhắc đến Paul Volcker. Chẳng hạn, hồi tháng 5, ông nói: “Ông ấy có đủ can đảm để làm những gì mình nghĩ là đúng đắn”.

Tuy nhiên, nếu nói Volcker chỉ hành động dựa trên lòng can đảm thì thật thiếu sót. Ông là một nhà tiền tệ học, chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhà kinh tế học Milton Friedman - người đoạt giải Nobel ba năm trước khi Volcker trở thành người cầm trịch Fed.

Trong cuốn tự truyện của mình, Volcker từng viết: “Tôi đánh giá cao lập luận cơ bản của Friedman về ý nghĩa quan trọng của cung tiền đối với lạm phát”. Khi lên làm Chủ tịch Fed, Volcker “làm rõ rằng việc kiểm soát cung tiền chính là xương sống cho cuộc chiến chống lạm phát”.

Friedman đã dạy Volcker rằng “lạm phát luôn luôn và ở đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ”. Đối với ông Powell, lạm phát đã đi từ “hiện tượng nhất thời” sang “hiện tượng chuỗi cung ứng”, “hiện tượng Ukraine” và giờ là “hiện tượng phía cầu”.

Quan hệ cung tiền - lạm phát

Trong thời đại dịch, mối quan hệ giữa tăng trưởng cung tiền - được đo bằng M2, và lạm phát sau khi cung tiền phình to là gần như tương quan về mặt thống kê, với độ trễ khoảng 13 tháng.

Tăng trưởng cung tiền M2 bắt đầu mạnh lên trong cuộc suy thoái COVID vào tháng 4/2020 và CPI lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) bắt đầu tăng tốc sau đó 13 tháng, tức vào tháng 5/2021.

Tăng trưởng cung tiền M2 đạt đỉnh lịch sử vào tháng 2/2021 với mức tăng 27% và CPI lõi đạt đỉnh 13 tháng sau, vào tháng 3/2022. Kể từ đỉnh tương ứng, tăng trưởng cung tiền M2 và CPI lõi đều giảm dần mỗi tháng.

40 năm sau bài học mà Friedman dạy cho Volcker, kinh nghiệm chứng minh rằng lạm phát vẫn là một hiện tượng tiền tệ. Tuy nhiên, điều đó chỉ cho chúng ta biết điều gì đã gây ra lạm phát cao kỷ lục như hiện nay, chứ không nói đến nguyên nhân khiến cung tiền tăng nhanh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CQ Roll Call).

Bây giờ, Chủ tịch Jerome Powell bị đặt vào một tình thế khôi hài - người chịu trách nhiệm khống chế lạm phát, nhưng Fed không phải là tác nhân khiến cung tiền tăng trưởng vượt mức.

Theo Wall Street Journal, công chúng Mỹ nên đổ lỗi cho Quốc hội. Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà lập pháp đã chi khoảng 6.000 tỷ USD cho các chương trình kích thích, trợ cấp thất nghiệp, phát tiền mặt,…

Tất cả đều đổ dồn vào tài khoản ngân hàng của người dân, mà đây lại là một phần của cung tiền M2. Trong cùng giai đoạn, quả thực cung tiền M2 đã tăng tương ứng khoảng 6.000 tỷ USD.

Ngân hàng trung ương Mỹ không dính líu gì đến việc làm trên, ngoại trừ ở một khía cạnh nào đó, ông Powell đã từng nhiệt tình ủng hộ cả ba gói kích thích tài khoá của Quốc hội.

Fed chỉ cần ngồi im

Đạo luật Giải cứu người Mỹ (American Rescue Act) ban hành vào tháng 2/2021 là gói kích thích lớn nhất và ít cần thiết nhất, nhưng may thay nó cũng là gói cứu trợ cuối cùng.

Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa đề xuất thêm kế hoạch nào khác, cho nên tăng trưởng cung tiền có thể sẽ quay về mức trước đại dịch, bất kể Fed có làm gì đi chăng nữa.

Theo dữ liệu gần nhất, trong tháng 5, tăng trưởng cung tiền M2 chỉ ở mức 6,6% - thấp hơn con số ngay trước đại dịch. Nếu mối tương quan giữa M2 và lạm phát vẫn tiếp tục, lạm phát lõi sẽ lùi về mức 2,3% trong 13 tháng tới, tức tháng 6/2023.

 

Nếu lạm phát là một hiện tượng tiền tệ như lời Milton Friedman, thì chắc chắn áp lực giá cả sẽ hạ nhiệt, ngay cả khi lập luận này nghe có vẻ quá lạc quan và lý tưởng đến mức khó tin.

Giá xăng dầu và thực phẩm đã giảm đáng kể trong tháng 6 cũng như tháng 7. Vậy, trong báo cáo CPI tháng 7 (công bố vào giữa tháng 8), lạm phát sẽ hạ nhiệt và thậm chí có thể giảm phát nhẹ. Báo cáo CPI tháng 8 - công bố ngay trước cuộc họp tháng 9 của Fed, có thể tiếp nối đà giảm.

Kỳ vọng lạm phát trên thị trường tài chính lẫn trong các khảo sát người tiêu dùng đều đang giảm xuống. Đó là những gì sẽ xảy ra khi tăng trưởng cung tiền sụp đổ, Wall Street Journal nhấn mạnh.

Vậy nên, có lẽ Friedman và Volcker sẽ khen ngợi nếu Fed không tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 27/7. Tuy nhiên, Fed đã tăng lãi suất và đây nên là lần tăng cuối cùng.

Yên Khê