Hà Nội 15 °C | 06:55PM, 15/12/2024
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed có lẽ đã hoàn tất phần việc khó khăn nhất

10:55 | 28/07/2022
Chia sẻ
Phần việc khó khăn nhất trong nhiệm vụ khống chế lạm phát của Fed là đưa kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân về mức hợp lý. Tín hiệu từ các hộ gia đình và thị trường trái phiếu cho thấy Fed có lẽ đã đạt được mục đích này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).  

Nền kinh tế Mỹ có thể đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng nhìn chung vẫn đang quá nóng. Chủ lao động mỏi mắt tìm nhân công nhưng không có. Người tiêu dùng háo hức mua xe mới nhưng các đại lý đã cháy hàng. Quá nhiều người muốn đi du lịch để bù đắp cho khoảng thời gian trong đại dịch nhưng các hãng bay không phục vụ nổi lượng khách lớn.

Kết quả của nền kinh tế quá nóng là lạm phát nhảy vọt. Tờ CNN cho biết trong tháng 5, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chú ý nhất - đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Câu hỏi đặt ra là liệu nhiệm vụ đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% của Fed khó khăn đến mức nào, và nền kinh tế Mỹ phải suy thoái sâu đến đâu thì Fed mới có thể hoàn thành công việc này. 

Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào cách nhìn của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Đó là bởi lạm phát có thể coi là lời tiên tri tự ứng nghiệm. Ví dụ, nếu người tiêu dùng tin rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt, họ sẽ bớt đòi hỏi tăng lương và chủ lao động cũng ít sẵn lòng đáp ứng nguyện vọng này hơn.

Nếu kỳ vọng được thiết lập ở mức hợp lý thì lạm phát ở đỉnh 40 năm của Mỹ sẽ tự giảm bớt khi nền kinh tế không còn quá nóng. Vậy nên, nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp duy trì quan điểm rằng lạm phát sẽ quay về mức 2% trong tương lai không quá xa, nhiệm vụ của Fed sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trên thực tế, Fed có lẽ đã thiết lập được kỳ vọng khá vững vàng trên thị trường tài chính về việc cơ quan này sẽ tăng lãi suất lên cao đến đâu.

Tuy nhiên, cũng có khả năng thực tế sẽ diễn ra theo kịch bản tiêu cực hơn: Việc giá cả leo thang tại trạm xăng và các cửa hàng trong năm qua có lẽ đã khiến người dân và doanh nghiệp dự kiến tương lai cũng sẽ tương tự. Trong trường hợp đó, Fed sẽ cần tăng lãi suất chính sách lên cao hơn nhiều, và dĩ nhiên là sự sụt giảm kinh tế cũng sẽ nghiêm trọng hơn hẳn.

Thuyết phục thành công?

Nhưng nhà đầu tư có lý do để lạc quan. Trong khảo sát hộ gia đình hàng tháng của Đại học Michigan, người trả lời tiếp tục dự kiến lạm phát trong 12 tháng tới cao hơn hẳn dự đoán trước thời đại dịch. Nhưng kỳ vọng dài hạn hiện nay của các hộ gia đình đã thay đổi đáng kể, không cao hơn kỳ vọng khoảng chục năm trước là bao.

Một thước đo kỳ vọng lạm phát khác có thể được lập ra bằng cách so sánh giá trái phiếu Kho bạc Mỹ thông thường và loại trái phiếu bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát. Giống như những người tham gia khảo sát của Đại học Michigan, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu cũng cho rằng lạm phát trong 5-10 năm tới sẽ quay về mức gần bằng với mục tiêu 2% của Fed.

Dẫu cho kỳ vọng lạm phát dài hạn giữ vững ở mức hợp lý, Fed vẫn phải thực sự tung ra các đợt tăng lãi suất phù hợp với kỳ vọng của thị trường tài chính. Nhưng miễn là người tiêu dùng tiếp tục tin tưởng rằng lạm phát sẽ suy giảm trong dài hạn, Fed có thể không cần tăng lãi suất vượt quá ước đoán của thị trường hiện nay, hoặc nếu có thì cũng không nhiều.

Con đường phía trước đầy sự khó lường và hẳn sẽ còn lắm gập ghềnh. Không ai biết sắp tới Tổng thống Putin sẽ thực hiện nước đi nào ở Ukraine, hay đại dịch COVID-19 còn bất ngờ nào cho chúng ta hay không, hay chuỗi cung ứng rối ren của thế giới liệu có còn hình thành nút thắt mới. Và vẫn còn nhiều yếu tố nữa sẽ đóng vai trò trong việc quyết định hướng đi tương lai của lạm phát. 

Trên tất cả, không ai biết thị trường lao động sẽ hạ nhiệt như thế nào. Ủy ban thiết lập chính sách của Fed dự kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % trong vài năm tới, phù hợp với tốc độ ổn định trở lại của cung và cầu. Nhưng một khi nền kinh tế bắt đầu hạ nhiệt, sai sót có thể xảy ra, và sự sụt giảm nhẹ có thể chuyển biến thành đà lao dốc nghiêm trọng hơn hẳn.

Ông David Wilcox, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thì lạc quan rằng dẫu cho Mỹ xảy ra suy thoái, thì cuộc suy thoái này cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều 4 thập kỷ trước. Năm 1979, ông Paul Volcker nhậm chức Chủ tịch Fed giữa lúc lạm phát leo thang còn khủng khiếp hơn nhiều những gì nước Mỹ đang trải qua.

Công chúng đã quá quen với trải nghiệm của 15 năm trước đó và dự kiến lạm phát tiếp tục đi lên. Kỳ vọng này là một phần nguyên nhân khiến cái giá để khống chế lạm phát trở nên quá lớn. Ông Volcker và các đồng nghiệp phải kéo lãi suất chính sách của Fed lên hơn 20% và chấp nhận tỷ lệ thấp nghiệp hơn 10%.  

Tin tốt từ cuộc chiến chống lạm phát ngày nay sẽ không đến nhanh chóng như mọi người nghĩ. Nhưng ông Wilcox cho rằng chỉ một năm tới, lạm phát sẽ rút xuống đáng kể. Và trong hai đến ba năm sau, lạm phát sẽ về gần mức 2%. Mọi người sẽ bớt giận dữ hơn.  

Nếu chú ý nghe phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell, bạn sẽ thấy rằng ông ấy rất hay nhắc đến một cái tên – Volcker, người hùng dập tắt lạm phát. Ông Powell có lý do để làm vậy: Nếu thuyết phục được người dân Mỹ rằng ông nghiêm túc về việc kiểm soát lạm phát thì công việc của ông và các quan chức Fed sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trên thực tế, có lẽ ông Powell đã hoàn tất phần lớn công việc của mình.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.