|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Morgan Stanley đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, JPMorgan lại tin Fed sẽ đảo chiều chính sách

14:18 | 26/07/2022
Chia sẻ
Các chiến lược gia của Morgan Stanley tin khả năng cao là Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nhóm chuyên gia của JPMorgan thì cho rằng khả năng lạm phát lập đỉnh có thể thúc đẩy Fed đổi hướng.

 

(Hình minh họa: The Week). 

Quan điểm trái ngược

Các chuyên gia hàng đầu Phố Wall hiện đang bất đồng quan điểm về tác động của các dữ liệu kinh tế yếu đến triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và thị trường chứng khoán Mỹ.  

Nhóm chuyên gia của Morgan Stanley cho rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng Fed ngừng thắt chặt chính sách dẫu cho nỗi lo về suy thoái gia tăng. Điều này hàm ý rằng chứng khoán Mỹ còn có thể rơi xuống sâu hơn nữa trước khi tìm thấy đáy.

Ngược lại, đội ngũ tại JPMorgan lập luận rằng kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh sẽ khiến Fed đổi hướng đi và cải thiện triển vọng cho chứng khoán Mỹ trong nửa cuối năm.

Ông Michael J. Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley nhận định lạm phát dai dẳng sẽ khiến Fed duy trì quan điểm “diều hâu” lâu dài hơn những giai đoạn trước.

Trong 4 chu kỳ trước, Fed ngừng thắt chặt chính sách trước khi nền kinh tế bắt đầu suy giảm, phát đi tín hiệu lạc quan cho cổ phiếu. Nhưng với lạm phát ở đỉnh lịch sử như hiện nay thì nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt ngay cả khi suy thoái xuất hiện, ông Wilson viết trong lưu ý.  

Ông viết: Các thị trường chứng khoán “có lẽ đang cố đi tắt đón đầu sự kiện Fed ngừng thắt chặt – điều luôn là tín hiệu tích cực với chứng khoán. Nhưng rắc rối là điểm dừng lần này có thể sẽ xuất hiện rất muộn". 

Còn tại JPMorgan, Giám đốc đầu tư cổ phiếu toàn cầu Mislav Matejka viết trong lưu ý ngày 25/7 rằng triển vọng kinh tế đầy thách thức và thị trường lao động yếu đi có thể mở đường cho chính sách tiền tệ cân bằng hơn, dẫn tới đỉnh của lạm phát và đồng USD.

 

Sau cú giảm sâu nửa đầu năm, chỉ số S&P 500 đã nỗ lực phục hồi trong tháng này và đang trên đà ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Lợi nhuận doanh nghiệp quý II tốt hơn dự kiến và nhiều tin xấu đã được phản ánh vào giá trước đó.

Nhà đầu tư giờ đang đặt toàn bộ sự chú ý vào cuộc họp của Fed trong tuần này. Ngân hàng trung ương Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản như những gì đã làm tháng trước.

Ông Paolo Zanghieri, nhà kinh tế cấp cao tại Generali Investments, kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại sau cuộc họp tuần này. Hơn 60% trong số 1.343 người tham gia khảo sát MLIV Pulse mới nhất cho rằng khả năng Fed khống chế được áp lực giá cả mà không khiến nền kinh tế sụt giảm là rất thấp hoặc bằng 0.

Ông Sean Darby, chuyên gia của ngân hàng đầu tư Jefferies nói rằng tuy nền kinh tế đang giảm tốc, nhưng áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt lên giá cổ phiếu sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm.

Lưu ý của ông Darby viết: “Khác với các cụm từ ‘suy thoái’ và ‘siêu lạm phát’ khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, ‘đổi hướng’ vẫn chưa thu hút được sự chú ý tương tự. Dẫu vậy, nếu hình dáng đường cong lợi suất Mỹ và đường cong lãi suất tương lai của Fed là đúng thì lực cản từ các đợt tăng lãi suất sẽ phần nào giảm bớt khi chu kỳ thắt chặt bước vào giai đoạn cuối trong năm nay”.

Giám đốc Wilson của Morgan Stanley là một trong những chuyên gia có quan điểm bi quan nhất về thị trường chứng khoán Mỹ và là người đoán đúng cuộc suy thoái trong năm 2022.

Ông nói rằng lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh về mặt số liệu, nhưng tác động đến nhu cầu tiêu dùng “sẽ không dễ biến mất ngay cả khi lạm phát giảm đáng kể bởi giá cả đã vượt tầm với tại một số khu vực của nền kinh tế, buộc Fed phải kéo dài chu kỳ thắt chặt chính sách”.

Ngày càng nhiều nhà phân tích cũng nói rằng trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng như hiện nay thì chỉ có một cuộc suy thoái mới có thể khiến áp lực giá cả hạ nhiệt đáng kể.

Yếu tố tích cực 

Giám đốc Matejka của JPMorgan chỉ ra thêm một yếu tố giúp cải thiện triển vọng của chứng khoán trong nửa cuối năm là sự thay đổi trong phản ứng của nhà đầu tư đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả kinh doanh kém hơn có thể bắt đầu được coi là tin tốt.

Ông Wilson không đồng ý, nói rằng ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P 500 vẫn đang quá cao. Theo ông, quý II có thể là điểm khởi đầu của “vài quý đáng thất vọng liên tiếp trước khi ước tính lợi nhuận rơi xuống đáy”. Và do đó, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ tiếp tục lao dốc trước khi tìm thấy đáy.

Chuyên gia David J. Kostin của Goldman Sachs cũng nhận thấy áp lực lên doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 do đồng USD mạnh lên. Mô hình của Goldman Sachs cho thấy đồng bạc xanh tính theo trọng số thương mại tăng giá 10% sẽ khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm từ 2 đến 3%.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.