|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Charlie Munger khuyên nhà đầu tư đừng sợ lạm phát, tiết lộ những bí quyết đầu tư thành công

07:51 | 24/07/2022
Chia sẻ
Charlie Munger nói rằng nhà đầu tư nên nhìn xa hơn sự gia tăng của lạm phát hiện nay, tin tưởng cả nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo, và “không bao giờ động vào” tiền mã hóa.

Tỷ phú Charlie Munger, Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway và là bạn thân lâu năm của tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Reuters). 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Australian Financial Review, Charlie Munger chia sẻ nhận định của ông về nền kinh tế và bí quyết đầu tư của cá nhân ông. Charlie Munger cho biết triết lý đầu tư của ông là nhìn xa hơn các biến động kinh tế ngắn hạn và nhắm đến các doanh nghiệp xuất sắc để sở hữu lâu dài.

Cánh tay phải lâu năm của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway cho biết: “Tôi không chú ý nhiều đến xu hướng vĩ mô, cũng giống như việc tôi phớt lờ thời tiết. Tôi chỉ cố gắng đem vốn đi đầu tư tốt nhất có thể và chờ kết quả đến. Tôi nắm lấy mọi cơ hội có thể và hy vọng nhận được phần thưởng. Tôi nỗ lực đầu tư tiền riêng của mình và của Berkshire Hathaway một cách hợp lý. Tất cả những người ba hoa trên TV không nghĩ giống như cách của tôi”.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần lạm phát”

Lạm phát và các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương là nỗi lo hàng đầu của nhiều nhà đầu tư toàn cầu, nhưng huyền thoại đầu tư của Berkshire không quá e ngại.

“Tôi luôn quan tâm đến lạm phát, nhưng điều đó không ngăn cản tôi hành động. Tôi đã 98,5 tuổi và đã chứng kiến rất nhiều lạm phát. Tôi dự định sống sót qua lạm phát. Tôi đã sống sót qua rất nhiều lần lạm phát trong cuộc đời dài của mình. Nó không khiến tôi thấy nhụt chí”.

Lạm phát tại Mỹ đang ở đỉnh hơn 40 năm.

Munger nói rằng lạm phát “luôn ở bên chúng ta theo từng giai đoạn. Đó là điều mà sự hiện đại gây ra. Vậy nên, tôi cho rằng đến lúc cuối thì mọi tiền tệ trên thế giới đều chẳng còn giá trị gì. Đấy là nhận định châm biếm căn bản của tôi”.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng lãi suất tăng sẽ có tác động đáng kể lên giá cổ phiếu và định giá doanh nghiệp. Nhưng triển vọng của ông hầu như không bị tác động bởi sự điều chỉnh gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ông nói: “Thị trường chứng khoán luôn có những cú lao lên hoặc lao xuống”.

Trong lúc chứng khoán Mỹ lao dốc, Berkshire chớp thời cơ mua thêm cổ phiếu. Núi tiền mặt khổng lồ của tập đoàn đã giảm từ 147 xuống 106 tỷ USD trong ba tháng đầu năm. Hồi tháng 5, Warren Buffett tiết lộ Berkshire đã đầu tư 51 tỷ USD vào cổ phiếu và mua 3,2 tỷ USD cổ phiếu quỹ.

Munger giải thích: “Chúng tôi không tích lũy tiền để chờ cho đến khi thị trường suy giảm mạnh thì mua vào. Chúng tôi nắm nhiều tiền mặt vì cạnh tranh trở nên khốc liệt và giá cả của những doanh nghiệp tốt thì quá đắt. Chúng tôi không thể tìm thấy cơ hội tốt. Dĩ nhiên, chúng tôi mong rằng Berkshire rồi sẽ tìm được khoản đầu tư tốt cho số tiền mặt đã tích lũy”.

Lượng tiền mặt của Berkshire giảm mạnh vì tập đoàn mua nhiều cổ phiếu.

Thế giới cần cả nhiên liệu hóa thạch lẫn năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu bị thổi bùng lên bởi cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, Munger tin tưởng rằng nhiên liệu hóa thạch có vai trò to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới.

“Chúng ta sẽ phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khoảng thời gian dài nữa, vì chúng ta cần phải làm vậy. Chỉ cần suy nghĩ một chút là bạn sẽ thấy dân số hiện tại của thế giới sẽ không có gì để ăn nếu không dùng khí tự nhiên để tạo ra phân bón nitơ. Thế giới không thể loại bỏ nhiên liệu hóa thạch mà chỉ có thể sử dụng chúng ít hơn”.

Trong tháng 6 và tháng 7, Berkshire Hathaway đã chi hàng tỷ USD để mua thêm cổ phiếu Occidental Petroleum, nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,4%. Hiện Berkshire sở hữu tổng cộng khoảng 11 tỷ USD cổ phiếu dầu khí này. Berkshire cũng là cổ đông lớn của đại gia năng lượng Chevron.

Bất chấp niềm tin lớn vào nhiên liện hóa thạch, Munger cũng lạc quan về năng lượng tái tạo: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khoảng thời gian dài. Nhưng tôi cũng nghĩ sẽ có thêm năng lượng trên thế giới được tạo ra từ các nguồn tái tạo. Cả hai đều sẽ diễn ra cùng lúc.

Berkshire là một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất ở Mỹ. Tại bang Iowa, nơi chúng tôi sở hữu hầu hết các nhà máy điện, hơn một nửa số điện được tạo ra đến từ các nguồn tái tạo”.

Tiền mã hóa là “sự điên rồ hàng loạt”

Munger tiếp tục cảnh báo rằng “cơn cuồng tiền mã hóa” là “sự điên rồ hàng loạt”.

“Tôi cho rằng những ai bán thứ này đều bị hoang tưởng hoặc là kẻ xấu xa. Tôi sẽ không động vào tiền mã hóa. Tôi không có hứng thú với việc phá hoại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.”

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những nhà đầu tư đang xem xét tiền mã hóa, ông đáp: “Chiến lược đúng đắn là tránh xa tiền mã hóa ra. Đừng bao giờ động vào, đừng bao giờ mua tiền mã hóa. Mặc kệ trào lưu này đi qua”.

Theo Munger, cổ phiếu các các công ty tạo ra tiền thực là khoản đầu tư tốt hơn nhiều.

“Cổ phiếu đem lại lợi ích thực sự từ những công ty thực thụ. Tiền mã hóa là khoản đầu tư vào thứ vô dụng, và gã cố gắng bán cho bạn thứ vô dụng nói rằng ‘Tôi có thứ vô dụng đặc biệt mà khó có thể tạo ra thêm’”.

Có vẻ như Munger đang nhắc đến nguồn cung hữu hạn của Bitcoin. Bitcoin được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto với giới hạn cứng 21 triệu. Tính đến tháng 1/2022, khoảng 18,9 triệu Bitcoin đã được khai thác.

“Tôi không muốn mua đồ vô dụng, dù người bán bảo rằng thứ này không thể được tạo ra thêm. Việc mua hoặc giao dịch thứ đó gần như là điên rồ. Tôi tránh tiền mã hóa như thể đó là một cống nước thải, đầy sinh vật độc hại. Tôi hoàn toàn tránh xa tiền mã hóa và khuyên mọi người hãy làm như vậy”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.