Charlie Munger gọi bitcoin là 'bệnh tật', cảnh báo lạm phát nguy hiểm 'chỉ kém chiến tranh hạt nhân'
Charlie Munger, người bạn đồng hành lâu năm của Chủ tịch Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, chia sẻ kiến thức đầu tư của ông tại một buổi họp thường niên ngày 16/2. Trong đó, ông chỉ trích nặng nề tiền mã hóa như bitcoin và cảnh báo mối nguy khủng khiếp của lạm phát tới nền kinh tế.
Munger từ lâu đã phê phán tiền mã hóa và ông không thiếu lời cay nghiệt khi nói về loại tài sản này. Ông lưu ý mình chưa bao giờ đầu tư vào tiền mã hóa và khẳng định: "Tôi tự hào vì mình đã tránh xa bitcoin. Nó như thể một loại bệnh hoa liễu".
Ông dự doán "giả định an toàn" cho nhà đầu tư là trong một trăm năm tới, giá "bitcoin sẽ về 0", Forbes cho biết.
Bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, đạt đỉnh hơn 68.000 USD vào cuối năm ngoái khi ngày càng được Phố Wall chấp nhận rộng rãi nhưng giờ dao động xung quanh 44.000 USD. Munger không thích bitcoin một phần lớn vì sự biến động lớn và thiếu quy định quản lý.
"Chúng ta đã có sẵn một loại tiền kỹ thuật số rồi, tên của nó là tài khoản ngân hàng".
Munger nói thêm rằng mọi người chấp nhận tiền mã hóa vì sự thuận tiện của nó trong những hành vi bất hợp pháp như bắt cóc, tống tiền và trốn thuế. Do đó, ông "ngưỡng mộ Trung Quốc" vì cấm tiền mã hóa. Theo Munger, "Trung Quốc đã đúng" còn Mỹ "sai lầm" vì cho phép và nên áp dụng lệnh cấm tương tự "ngay lập tức".
Vị tỷ phú đầu tư cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đầu cơ trên thị trường, và đưa ra nhận định u tối về lạm phát. Giá tiêu dùng ở Mỹ đã vọt lên đỉnh 40 năm trong tháng 1.
"Chỉ kém chiến tranh hạt nhân"
Viện dẫn hàng loạt ví dụ lịch sử từ đế chế Rome cho đến Adolf Hitler và Mỹ Latinh, Munger nói "lạm phát là chủ đề rất nghiêm trọng, bạn có thể nói rằng nó là thứ giết chết các nền dân chủ".
Ông lưu ý rằng sau nhiều năm lạm phát cao "cuối cùng thì toàn bộ Đế chế Rome sụp đổ, vậy nên tình thế hiện nay là mối nguy dài hạn lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt, ngoài chiến tranh hạt nhân".
Với giá tiêu dùng tháng 1 tăng 7,5% so với một năm trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chịu áp lực phải tăng lãi suất cao hơn dự kiến trước đó để kiềm chế lạm phát. Nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Khi được hỏi so sánh lạm phát bây giờ với áp lực giá thập niên 1970, Munger cảnh báo rằng rắc rối hiện nay "có thể tồi tệ hơn những gì mà Chủ tịch Fed Volcker phải đối mặt, và khó giải quyết hơn". Ông không rõ tình hình rồi sẽ ra sao nhưng "chúng ta đang chơi đùa với rắc rối lớn".
Yahoo Finance đưa tin rằng trong cuộc hội thoại, Munger cũng chê trách đôi chút cách phản ứng của chính phủ Mỹ với lạm phát cao. Ông chỉ ra rằng ứng phó của chính phủ đối với đại dịch "có lẽ lớn hơn bất kỳ hành động nào trong lịch sử Mỹ".
Giới chuyên gia nhận định dòng tiền từ cả Quốc hội và Cục dự trữ liên bang (Fed) rất có thể đã cứu kinh tế Mỹ nhưng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá cả tăng cao. Số tiền này là yếu tố thêm vào các vấn đề như tắc nghẽn chuỗi cung ứng và nhu cầu chi tiêu lớn.
Munger nói rằng khi nhìn lại, chính phủ "có lẽ đã hơi quá tay, họ ném ra quá nhiều tiền với tốc độ quá nhanh, đến mức các nhà hàng khó gọi được nhân viên quay lại làm việc". Nhận xét này có vẻ giống với ý kiến rằng hỗ trợ lớn của chính phủ trong đại dịch đã khiến một số người từ chối quay trở lại lực lượng lao động.
"Nhưng tôi không chỉ trích phản ứng của chính phủ. Thật khó để đưa ra những quyết định này khi đang chịu áp lực".