|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hội nghị Jackson Hole của Fed sẽ có ý nghĩa hệ trọng với Trung Quốc

10:28 | 23/08/2022
Chia sẻ
Động thái hạ lãi suất mới đây của Trung Quốc đã tiếp tục nới rộng khoảng cách chính sách giữa PBoC và Fed. Nếu Fed báo hiệu ý định tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong hội nghị Jackson Hole cuối tuần này, có nguy cơ dòng vốn sẽ càng tháo chạy quyết liệt khỏi Trung Quốc.

Xe cộ chạy ngang qua trụ sở Fed tại Washington. (Ảnh: AFP). 

Hướng đi trái ngược

Hôm 22/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm đồng thời lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm và kỳ hạn 5 năm. Động thái của PBoC càng khiến công chú thêm chú ý tới cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần này.

Hội nghị chuyên đề hàng năm của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, sẽ bắt đầu vào ngày 26/8. Bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell sẽ được các nhà quan sát theo dõi chặt chẽ để tìm ra manh mối về động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ.

Ông Raymond Yeung, kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nhận định: “Ít có khả năng Fed sẽ giảm mạnh tốc độ tăng lãi suất bởi thị trường lao động đang rất mạnh mẽ và nỗi lo về lạm phát vẫn rất lớn”.

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, Fed đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 225 điểm cơ bản và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh lạm phát vẫn cách xa mục tiêu 2%.

Công ty nghiên cứu kinh tế Gavelkal Dragonomics dự đoán: “Khả năng cao là Chủ tịch Powell sẽ nhắc nhở mọi người rằng Fed vẫn tập trung vào mục tiêu đưa kỳ vọng lạm phát xuống mức 2%. Rất có thể ông sẽ cảnh giác với việc đưa ra những bình luận ôn hòa hơn”.

Trái với Fed, PBoC đã giảm lãi suất chính sách cơ sở cho vay trung hạn tổng cộng 20 điểm cơ bản trong năm nay, qua đó tác động đến các lãi suất khác trên thị trường, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết. 

Bà Guan Yi Low, trưởng bộ phận chứng khoán có thu nhập cố định khu vực châu Á tại M&G Investments, đánh giá: “PBoC có nhiều dư địa để duy trì chính sách tiền tệ thích ứng trong bối cảnh lạm phát trong năm nay được kỳ vọng sẽ ở dưới mức mục tiêu 3% của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, việc tiếp tục hạ lãi suất có thể sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ. Điều này có thể làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn tháo chạy và gia tăng áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng”.

PBoC lần đầu tiên tham dự hội nghị Jackson Hole vào năm 2005, nhưng trong những năm gần đây các quan chức cấp cao của Trung Quốc thường vắng mặt tại buổi tụ họp này. Năm nay, Thống đốc ngân hàng trung ương của New Zealand và Hàn Quốc cũng sẽ tham dự.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết: “Thị trường coi hội nghị Jackson Hole là dịp để Fed chuyển sang lập trường chính sách 'bồ câu' hơn, tức là giảm đáng kể tốc độ tăng lãi suất. Giới chức Fed đã cố gắng đẩy lùi quan điểm này, nhưng đồn đoán trên thị trường đã bị thổi bùng lên bởi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt.

Tôi dự kiến Chủ tịch Powell sẽ tái khẳng định những gì ông và các đồng nghiệp đã nói công khai trong thời gian gần đây, và không tiết lộ quá nhiều điều trước cuộc họp chính sách tiếp theo. Bởi từ đây cho đến cuộc họp tháng 9, chúng ta sẽ có thêm một báo cáo lạm phát và việc làm nữa.

Rủi ro là ông Powell có thể phát biểu điều gì đó mang hơi hướng 'bồ câu' – dù là vô tình hay hữu ý – sau khi nhà đầu tư đã thiết lập vị thế ngược lại, và kích hoạt một cuộc phục hồi trên thị trường chứng khoán”.

Áp lực lên nhân dân tệ

Hôm 22/8, PBoC đã hạ lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm từ 3,7% xuống 3,65% và giảm LPR kỳ hạn 5 năm từ 4,45% xuống 4,3%. LPR kỳ hạn một năm là lãi suất tham chiếu cho hầu hết các khoản vay mới và dư nợ, còn kỳ hạn 5 năm là tham chiếu cho nợ vay thế chấp.

Sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc đã dẫn tới việc dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường tỷ dân, làm rối loạn tỷ giá nhân dân tệ và đe dọa mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh. Cơ quan Tiền tệ Hong Kong cũng đã buộc phải mua đôla Hong Kong với tốc độ kỷ lục để bảo vệ tỷ giá với USD.

Nhà kinh tế Yeung của ANZ cho biết: “Việc lợi suất của Mỹ cao hơn Trung Quốc đã được phản ánh qua dòng vốn ra của các nhà đầu tư quốc tế trong một hoặc hai quý vừa rồi, đặc biệt là tháng 7. Điều quan trọng bây giờ là ngăn chặn dòng tiền trong nước chảy ra. Và mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua nhiều biện pháp”.

Theo S&P Global Ratings, dòng vốn tài chính ra ròng của Trung Quốc ước đạt 108 tỷ USD trong quý II, cao hơn gần 38 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Bắc Kinh từng nhấn mạnh sự độc lập của chính sách tiền tệ và đặt sẵn các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền ra lớn hơn dự đoán, nhưng áp lực đã thể hiện rõ trên tỷ giá nhân dân tệ.

Hôm 22/8, tỷ giá trung tâm của nhân dân tệ so với đồng USD đã rơi xuống gần mức thấp nhất trong vòng hai năm là 1 USD = 6,8198 nhân dân tệ. Con số này càng cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư càng tốn nhiều nhân dân tệ để mua 1 USD, tức là tiền Trung Quốc mất giá.

 

Các quan chức Bắc Kinh từ lâu đã phàn nàn rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có ở phương Tây kể từ năm 2020 đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu và việc Mỹ tăng lãi suất liên tiếp làm gia tăng nguy cơ suy thoái.

Bắc Kinh đã chuyển ưu tiên chính sách sang tăng trưởng trong bối cảnh Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng 0,4% trong quý II và 2,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn hẳn mục tiêu “khoảng 5,5%” của cả năm.

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital nhận xét: “Động thái giảm lãi suất của PBoC là đặc biệt cần thiết bởi hiện nay ngành bất động sản là lực cản lớn nhất đến nền kinh tế”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.