Kinh tế Trung Quốc bị bủa vây trong rắc rối và chưa tìm được lối thoát
Mất tinh thần
Khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tháng 6, thành phố hy vọng cư dân sẽ thở phào và đổ xô mua sắm trở lại. Trái ngược là, Thượng Hải lại chứng kiến người dân tháo chạy khỏi một cửa hàng trong tình trạng báo động.
Hôm 13/8, giới chức y tế phát hiện người tiếp xúc gần của một đứa trẻ nhiễm COVID-19 đã đi đến một chi nhánh Ikea trong thành phố. Theo luật lệ phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt, cửa hàng phải bị phong tỏa ngay lập tức để mọi người bên trong được chuyển đi cách ly. Nhưng những vị khách hoảng sợ đã chạy vội ra lối ra, xô đẩy những người bảo vệ.
Nguy cơ tương tự cũng chờ đón bất bất cứ ai dám đi du lịch ở Trung Quốc. Có khoảng 150.000 du khách bị mắc kẹt tại một hòn đảo nghỉ dưỡng ở Hải Nam, nơi báo cáo tới 13.000 người nhiễm COVID-19 trong tháng này.
Những người muốn rời đi phải đáp ứng các tiêu chuẩn xét nghiệm phiền hà, còn các chuyến bay thì bị hủy hàng loạt. Các video lan truyền trên mạng cho thấy hình ảnh nhiều gia đình nằm ngủ trên sàn sân bay.
Tương tự, nền kinh tế Trung Quốc cũng bị mắc kẹt bởi chính sách “Zero COVID”. Chính sách này gây tác động trực tiếp lẫn gián tiếp, cản trở cả cung lẫn cầu.
Các tác động lớn nhất không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ví dụ, Hải Nam chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu từ du lịch của Trung Quốc, hai nhà phân tích của công ty chứng khoán Soochow Securities cho biết.
Còn du lịch cũng chỉ chiếm khoảng 4% GDP Trung Quốc. Thời gian phong tỏa tại những nơi khác ở Trung Quốc tương đối ngắn trong những tuần gần đây. Bất chấp các cảnh báo lớn về chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trong chuyến thăm tới cảng biển ở trung tâm xuất khẩu Thâm Quyến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ví cải cách của đất nước và thành tựu của cảng biển này như dòng sông không thể đảo ngược.
Theo tờ The Economist, lời khích lệ của ông Lý giống như lời thừa nhận ngầm về tác hại của các biện pháp chống dịch hà khắc tới tinh thần người dân. Giữa lúc các du khách bị mắc kẹt trên một hòn đảo nào đó thì cũng có hàng nghìn người khác sẽ không đi mua sắm, du lịch hay chi tiêu để tránh gặp số phận tương tự.
Niềm tin người tiêu dùng trong quý II rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Kết quả là tiêu dùng của Trung Quốc tụt hậu so với công nghiệp và xuất khẩu. Doanh số bán lẻ danh nghĩa tăng trưởng 2,7% so với một năm trước, nhưng sau khi điều chỉnh cho lạm phát, con số này đã tụt xuống mức âm.
Doanh số đồ nội thất đặc biệt ảm đạm – và không phải chỉ vì người dân không dám vào Ikea. Mua đồ nội thất có liên quan chặt chẽ với việc mua nhà. Doanh số bất động sản dân cư lao dốc 28% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực suy giảm lên giá nhà.
Những người mua nhà trả trước không chắc rằng chủ thầu có thể thi công hay không. Nhiều nhà phát triển bất động sản túng quẫn không có tiền để hoàn thiện công trình và không tìm được ai cho vay. Điều này góp phần dẫn đến sự chậm trễ trong việc hoàn thiện các bất động sản bán trước, khiến ngày càng nhiều người mua đe dọa sẽ ngừng trả nợ vay thế chấp.
Vô hiệu hóa
Loạt dữ liệu kinh tế xấu cuối cùng cũng buộc ngân hàng trung ương Trung Quốc phải hành động. Ngân hàng trung ương nước này đã giảm 0,1 điểm % lãi suất vào 15/8, đi ngược xu hướng chung của toàn cầu. Nhưng đợt cắt giảm này có thể sẽ không tạo ra mấy hiệu quả, bởi nhu cầu vay mượn đang rất thấp.
Cung tiền của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn tín dụng từ tháng 4 đến nay. Điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 2015, theo hai nhà phân tích của công ty chứng khoán Haitong Securities. Xu hướng trên cho thấy người dân đang tích cực trữ tiền thay vì chi tiêu. Tính tiết kiệm của người tiêu dùng có nguy cơ tạo ra bẫy thanh khoản, khiến chính sách tiền tệ trở nên vô hiệu trong việc hồi sinh tăng trưởng.
Nếu chính sách tiền tệ không còn tác dụng thì gánh nặng giải cứu kinh tế Trung Quốc sẽ bị đẩy sang chính sách tài khóa. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang gia tăng nhanh chóng, nhưng chính quyền trung ương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt để vực dậy thị trường bất động sản.
Có tin rằng chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo công ty bảo hiểm tín dụng nhà nước China Bond Issuance bảo đảm trái phiếu của một số nhà phát triển bất động sản tư nhân và dự tính thành lập quỹ giải cứu 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44 tỷ USD). Nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chủ yếu để mặc chính quyền địa phương tự xây dựng kế hoạch giải cứu của riêng mình.
Vì sao Bắc Kinh lại hành động rụt rè đến vậy? Chi phí hoàn thiện các dự án đình trệ tuy lớn nhưng không đến mức không thể tính toán được. Ông Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics đưa ra ước tính nằm trong phạm vi 2.000-4.800 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,8-4,2% GDP năm 2021.
Tuy nhiên ông Houze Song, thành viên tại tổ chức nghiên cứu MacroPolo cho biết việc khôi phục hoàn toàn lòng tin của người mua nhà cần đến “sự bảo lãnh toàn diện” của chính phủ rằng mọi bất động sản bán trước sẽ được xây dựng. Việc này đòi hỏi “cam kết vô hạn” có thể đi kèm với “cái giá cắt cổ”.
Thêm nữa, việc bảo lãnh cho các hợp đồng bán trước có thể khiến rủi ro trong thị trường địa ốc tăng lên chứ không giảm đi. Nếu chính phủ để cho các nhà phát triển bất động sản liều lĩnh bán nhà dễ hơn thì có nhiều khả năng các công ty này sẽ lại tự đẩy mình vào rắc rối.
Cam kết "Zero COVID” và chấn chỉnh thị trường nhà đất của Trung Quốc được đặt ra bởi giới lãnh đạo cấp cao nhất. Cả hai mục tiêu này đều được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nhiều lần. Trong bối cảnh ông Tập chuẩn bị để đảm bảo cho nhiệm kỳ thứ ba tại kỳ họp Quốc hội mùa thu năm nay, những mục tiêu sắt đá đó khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc và không có lối thoát.