Trung Quốc tự tạo ra cái bẫy cho nền kinh tế
Theo SCMP, Chính phủ Trung Quốc đang kiên trì theo đuổi cách tiếp cận không khoan nhượng đối với dịch COVID-19, đồng thời tiến hành giảm rủi ro tín dụng và nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, những chính sách này đang mâu thuẫn lẫn nhau và biện pháp phong tỏa đang dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Để ví dụ về thách thức mà nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc phải đối mặt, có thể lấy trường hợp về tình trạng hỗn loạn tại một cửa hàng nội thất Ikea ở Thượng Hải ngày 13/8. Thông báo đột ngột về việc phong tỏa cửa hàng đã khiến các khách hàng la hét và bỏ chạy, trong nỗ lực rời khỏi tòa nhà trước khi các cánh cửa bị khóa lại.
Không cần quan tâm đến đà phục hồi khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, việc phát hiện một cậu bé 6 tuổi mắc COVID-19 đã đến cửa hàng trong thời gian gần đây đã khiến chính quyền thành phố Thượng Hải lập tức ra quyết định phong tỏa cửa hàng trong hai ngày và theo dõi sức khỏe 5 ngày đối với những người có liên quan.
Gieo rắc nỗi sợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp là cái giá mà Bắc Kinh sẵn sàng trả để theo đuổi cách tiếp cận không khoan nhượng đối với dịch COVID-19. Các mục tiêu về đảm bảo y tế công cộng - phản ánh sự kiên định của chính phủ nhằm tránh nguy cơ tử vong hàng loạt tại một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với người cao tuổi - từ lâu đã ảnh hưởng đến các mục tiêu về kinh tế.
Theo chuyên gia Nicholas Spiro, đối tác tại công ty tư vấn Lauressa Advisory, những nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế trong khi duy trì chính sách chống dịch đang gặp nhiều khó khăn đến mức chính sách kiềm chế suy giảm kinh tế trở nên không hiệu quả. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đang mắc vào “cái bẫy” kinh tế do chính họ tạo ra.
Ngày 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố số liệu cho thấy một thước đo về nguồn cung tiền (M2) đã tăng vượt dự kiến lên 12% trong tháng trước, cho thấy sự dồi dào thanh khoản của hệ thống tài chính.
Trong khi đó, tổng tài chính xã hội, một thước đo rộng rãi về tăng trưởng tín dụng, giảm xuống 10,7%, do sự sụt giảm tăng trưởng khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tình trạng thiếu cân đối giữa một hệ thống ngân hàng dư thừa tiền mặt và sự giảm tốc của hoạt động cho vay lại cho thấy một “cái bẫy” về thanh khoản: lãi suất dù thấp, người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn “hờ hững” với việc vay mượn, còn ngân hàng tỏ ra thận trọng đối với hoạt động cho vay.
Có nhiều lý do để người vay kiềm chế vay mượn, trong đó, sự mất niềm tin vào kinh tế và xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là những lý do chủ chốt. Trong một văn bản công bố ngày 12/8, tổ chức tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics cho rằng chính sách tiền tệ tại Trung Quốc đã đến giới hạn và PBoC biết điều đó.
Ngày 15/8, PBoC đã gây bất ngờ cho thị trường với việc hạ lãi suất đối với khoản vay kỳ hạn một năm xuống 2,75%. Động thái diễn ra sau những số liệu kinh tế ảm đạm của tháng trước, với doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư đều tăng trưởng chậm lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ chạm mức cao lục gần 20%.
Tuy nhiên, mức lãi suất thấp sẽ khó có thể hồi sinh nhu cầu nội địa khi nhu cầu vay mượn hạn chế. Theo học thuyết của nhà kinh tế John Maynard Keynes, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong trường hợp của PBoC chẳng khác nào “đem muối bỏ bể”.
Theo SCMP, tình trạng trên tương tự như đã xảy ra tại Nhật Bản vào năm 1990, khi sự sụt giảm mạnh giá trị bất động sản thương mại khiến người vay ôm các khoản nợ lớn. Mức lãi suất chạm đáy đã không thể khuyến khích họ vay mượn thêm.
Trong nửa đầu năm nay, lượng tiền gửi ngân hàng của các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng kỷ lục, trong khi số tiền vay mượn tăng ở mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Theo ông Spiro, rắc rối lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là sự thiếu hiệu quả của chính sách. Thanh khoản dư thừa đang mắc kẹt trong hệ thống tài chính thay vì chảy vào nền kinh tế thực. Do đó, Bắc Kinh cần tung ra một chương trình kích thích tài khóa quy mô lớn để đưa tiền chảy trực tiếp vào túi của người dân, giúp thúc đẩy nhu cầu và phục hồi niềm tin vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản trong những năm 1990, cái bẫy Trung Quốc tạo ra khó thoát ra hơn, do ba chính sách mâu thuẫn mà Bắc Kinh đang đồng thời theo đuổi. Thứ nhất là cách tiếp cận không khoan nhượng đối với dịch COVID-19, thứ hai là giảm thiểu rủi ro tín dụng và thứ ba là nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Trên thực tế, chính sách thứ nhất đang kiềm chế hai chính sách còn lại, còn chính sách thứ hai lại kiềm hãm chính sách thứ ba. Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh trong thời gian gần đây đang cho thấy mức độ nghiêm trọng và không thể đoán trước của tình trạng gián đoạn do chính sách phong tỏa.
Chiến lược Zero COVID của Trung Quốc đã kéo dài lâu hơn so với dự kiến của nhiều người. Nếu chiến lược này càng tiếp diễn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng khó thoát khỏi cái bẫy do chính sách gây ra.