|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập muốn nhân rộng mô hình tăng trưởng mới vào sâu trong nội địa nhưng hành trình quá gian nan

18:31 | 20/08/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn lan rộng mô hình tăng trưởng tập trung vào công nghệ của các thành phố ven biển vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải rất nhiều thách thức. Trường Sa là một minh chứng cụ thể.

"Thổi làn gió" mới vào sâu trong đất liền

Để mua được một ly trà sữa Chayan Yuese ở Trường Sa - một thành phố ở miền trung Trung Quốc, khách hàng có thể phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ dưới cái nóng oi ả. Hãng trà sữa này đã trở thành một cơn sốt trên toàn quốc.

Người hâm mộ khẳng định phương pháp ngâm lá trà và tỷ lệ pha giữa sữa và nước của Chayan Yuese đã tạo ra một thức uống dịu mát, giúp “rửa sạch ruột” sau những món ăn địa phương đầy dầu mỡ và cay nóng.

Đó là một trong những điều đã biến Trường Sa trở thành một điểm nóng “wanghong” (internet fame), tức một nơi nổi tiếng mà người trẻ tìm đến để quay video đăng lên mạng xã hội, theo tờ Economist.

Các quầy hàng rong phục vụ tôm đất sốt cay đã trở thành hiện tượng mạng. Người trẻ sẽ dạo quanh các khu mua sắm và lân la ở những quán ăn ở trung tâm thành phố đến tận sáng, bất chấp những lo ngại về COVID-19.

Đài truyền hình địa phương trở thành một thứ gì đó tương tự như Netflix của Trung Quốc. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các cô gái trẻ, ăn mặc đẹp và đứng tạo dáng trước bức tượng bán thân bằng đá granit cao 32 m của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Khách xếp hàng đông nghẹt để mua trà sữa Chayan Yuese ở Trường Sa. (Ảnh: Xinhua).

Sự phát triển những năm gần đây của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các thành phố ở phía đông đất nước. Giờ đây, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn “thổi” sự sung túc, phát đạt này vào các địa phương sâu trong đất liền như Trường Sa.

Ông Tập muốn quá trình đó phải được thúc đẩy bằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và sản xuất thông minh. Theo cách nói của Chủ tịch Trung Quốc thì đây chính là một cuộc “công nghiệp hoá 4.0”.

Tuy nhiên, các chỉ thị của chính quyền trung ương thường có vẻ xa rời hoạt động kinh doanh thực tế. Trường Sa là một minh chứng rõ nét, cho thấy cuộc cách mạng kinh tế của ông Tập đang thực sự diễn ra như thế nào.

Muôn vàn trở ngại

Trường Sa là một trong 15 đô thị cấp một kiểu mới đang dốc sức để bước vào hàng ngũ các thành phố thượng lưu của Trung Quốc.

Ở đây, chính quyền địa phương hài lòng khi có một nền kinh tế wanghong, bởi các nhà lãnh đạo muốn Trường Sa trở thành một trung tâm văn hoá và du lịch có thể mang lại doanh thu 500 tỷ nhân dân tệ mỗi năm cho thành phố, tăng so với mức gần 200 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.

Song, trọng tâm chính của chiến lược tăng trưởng là phải làm sao để nâng cấp hệ thống công nghiệp của thành phố. Điều này đồng nghĩa rằng Trường Sa sẽ phải thu hút một số công ty mới và nhân sự chất lượng cao tới một khu vực cách xa hàng trăm km so với những thành phố ven biển giàu có hơn.

Nền tảng công nghiệp vững chắc nhưng cũ kỹ của Trường Sa khiến thành phố này là một lựa chọn phù hợp để trở thành đô thị cấp một kiểu mới: ngành công nghiệp từng thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng vào đầu thập niên 2000, nhưng trong những năm về sau, tốc độ tăng trưởng của Trường Sa đã tương đương mức trung bình của Trung Quốc.

 

Trường Sa là nơi đặt trụ sở của Sany và Zoomlio - hai công ty sản xuất máy xây dựng lớn nhất Trung Quốc. BSB - một doanh nghiệp khác, là một trong các chuyên gia hàng đầu đất nước về xây dựng tiền chế.

Theo nhà phân tích Wang Tao của UBS, những đặc điểm nói trên cho thấy Trường Sa không cần phải cạnh tranh trực tiếp với những thành phố lân cận như Thành Đô - nơi có một cơ sở sản xuất máy bay lớn.

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là nâng cấp ngành công nghiệp hiện tại của Trường Sa thông qua các chiến lược số hoá và tự động hoá.

Chính quyền địa phương đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn để khuyến khích các công ty công nghệ internet tập hợp xung quanh những công ty sản xuất máy móc, xây dựng và vận tải hiện có.

Kết quả là hàng nghìn công ty liên quan tới tự động hoá đã được thành lập. Giới chức đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Gần đây, Trường Sa đã thực hiện một cuộc cải cách để loại ra khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp đóng ít thuế hơn.

Các nhà phân tích tại Jefferies lưu ý rằng, muốn nâng cấp nền tảng công nghiệp địa phương, Trường Sa cần phải tích hợp các hệ thống toàn toàn mới như 5G hoặc logistics do AI hỗ trợ vào các công ty lâu đời để giúp tăng hiệu quả hoạt động.

Baosight - một gã khổng lồ về số hoá công nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước, đã thực hiện việc tích hợp trên tại khá nhiều nhà máy thép. Những thay đổi này có thể mất nhiều năm và đòi hỏi các nhà cung cấp công nghệ lớn và có kinh nghiệm tham gia.

Song, hầu hết doanh nghiệp tại Trường Sa đều có quy mô nhỏ. Thành phố này không phải là nơi đặt trụ sở của bất kỳ công ty công nghệ lớn nào, mà là các thành phố ở phía đông của Trung Quốc.

Ngày nay, ngay cả một số trung tâm công nghiệp lân cận như Trùng Khánh và Thành Đô cũng làm tốt việc này hơn Trường Sa. Ông Xu Dihong - nhà sáng lập của công ty phần mềm công nghiệp Cadstar, dự đoán tốc độ số hoá công nghiệp tại Trường Sa sẽ diễn ra chậm chạp hơn.

(Ảnh minh hoạ: Xinhua).

Thách thức thứ hai là làm sao để kích thích sự bùng nổ của các công ty công nghệ mới. Giống như một số thành phố lân cận, Trường Sa đang gấp rút phát triển AI và xây dựng các khu công nghiệp thông minh. Năm ngoái, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo sẽ xây dựng một công viên công nghệ cao tại thành phố.

Theo công ty tư vấn doanh nghiệp Qichacha, trong 7 tháng đầu năm nay, khoảng 5.180 công ty tuyên bố có cung cấp các dịch vụ liên quan tới AI đã được thành lập ở Trường Sa - tăng mạnh so với con số khoảng 3.000 của cả năm 2021.

Xu hướng này đã xuất hiện tại nhiều thành phố nội địa khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu điều này có phản ánh một chủ nghĩa kinh doanh công nghệ mới hay không là một câu hỏi chưa có lời giải. Các chuyên gia tin rằng không nhiều doanh nghiệp AI mới thành lập có thể tạo ra biến chuyển lớn.

Mặt khác, một trung tâm công nghệ còn cần lượng nhân tài ổn định. Hồi tháng 4, chính quyền địa phương đã công bố danh sách 45 biện pháp nhằm thu hút các chuyên gia trẻ đến Trường Sa, bao gồm các khoản tài trợ lên tới 100 triệu nhân dân tệ cho các nhà khoa học và tổ chức công nghệ hàng đầu.

Chi phí sống rẻ cũng là một điểm hấp dẫn khác của Trường Sa. Thành phố này có giá nhà vào loại thấp nhất trong số các thành phố lớn. Điểm này khiến Trường Sa đặc biệt phù hợp với các doanh nhân trẻ.

Ông Xu cho hay: “Cùng một khoản tiền, tại Trường Sa, một gia đình có thể mua căn hộ gấp đôi diện tích so với một thành phố ven biển nào đó”.

vậy, những ưu đãi trên có thể vẫn chưa đủ. Ông chủ Wang Peng của công ty công nghệ Huijiang Automation Technology nói rất khó để thuê đúng người. Ngay cả những trung tâm công nghệ lâu đời như Tô Châu và Thâm Quyến cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên giỏi.

Chưa kể, Trường Sa có quá ít liên kết với thị trường quốc tế. Nằm sâu trong đất liền khiến thành phố rất khó để kéo nhân tài chất lượng cao nhất về làm việc, đặc biệt là những du học sinh hoặc người từng làm việc ở nước ngoài.

Đó là một loạt vấn đề có thể ngăn cản nhiều thành phố cấp một kiểu mới như Trường Sa bước lên vị trí top đầu. 

Khả Nhân