Loạt công ty niêm yết xuất khẩu chủ lực sang Mỹ
Mỹ mới công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng, trong đó hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong nhóm chịu thuế cao nhất đến 46%, đây là mức cao hơn nhiều so với con số hiện hành đang áp dụng với hàng hoá Việt Nam.
Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là các nhóm có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ như linh kiện, thiết bị điện tử, các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...
Tác động nhanh chóng hiển thị trên bảng giá chứng khoán khi VN-Index giảm gần 88 điểm (6,68%), mức kỷ lục của thị trường. Hiện tượng chất bán giá sàn trên diện rộng, nhiều bluechip chất bán giá sàn hàng triệu đơn vị.

Các ngành hàng xuất khẩu đáng kể vào thị trường Mỹ. Nguồn: VIS Rating.
Trong một báo cáo đánh giá tác động tiềm tàng từ thuế quan, VIS Rating nhận định những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác.
Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (Mã: MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ. Tương tựThương mại TNG (Mã: TNG) cũng có 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Mã: VGT) là 35%, Dệt May Thành Công (Mã: TCM) 25% hay Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) có 8%.
Savimex (Mã: SAV) là một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.

Một số công ty có xuất khẩu lớn vào Mỹ. Nguồn: Dragon Capital.
Theo một thống kê từ Dragon Capital, nhóm cao su săm lốp cũng đang xuất khẩu đang kể sang thị trường Mỹ. Trong đó Casumina (Mã: CSM) có 25% doanh thu đến từ thị trường này hay Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) có tỷ trọng đến 19% doanh thu.
Nhóm gỗ có thể bị tác động lớn khi Việt Nam đang thâm hụt thương mại hàng tỷ USD. Phú Tài (Mã: PTB) năm ngoái xuất khẩu sang Mỹ với tỷ trọng gần 40% doanh thu, hay công ty Gỗ An Cường (Mã: ACG) bán 12% vào thị trường này.
Ở nhóm thủy sản, Vĩnh Hoàn được xem là doanh nghiệp cá tra xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ với tỷ trọng khoảng 31% trong năm ngoái, trong khi Navico (Mã: ANV) cũng bắt đầu thâm nhập với khoảng 6% doanh thu.
Ngành tôm dự kiến cũng chịu ảnh hưởng đáng kể với các doanh nghiệp lớn như vua tôm Minh Phú (Mã: MPC) có thị trường lớn nhất là Mỹ, hay công ty Thủy sản Sao Ta (Mã: FMC) có có đến 29% doanh số đến từ quốc gia này.
Nhóm tôn thép đã đa dạng hóa thị trường và chịu mức thuế thấp hơn, song Mỹ vẫn là một thị trường quan trọng. Năm ngoái Thép Nam Kim (Mã: NKG) xuất khẩu 24% sang đây, hay Hoa Sen (Mã: HSG) có 13% và Hòa Phát (Mã: HPG) xuất 8%.
Một số công ty niêm yết khác có xuất khẩu sang Mỹ như Tập đoàn Cao su (Mã: GVR) với tỷ trọng 5%, nhóm ngành nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) hay Thuận Đức (Mã: TDP) với 5-7%, Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) hơn 2%...