AmCham: Áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá Việt Nam cũng gây tổn hại đến người dân Mỹ
Chiều ngày 3/4 , Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã tổ chức buổi trao đổi với báo chí về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Việt Nam, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Mỹ cũng như các công ty và nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham cho biết, sau 31 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế, Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại song phương. Từ con số khiêm tốn 451 triệu USD năm 1993, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên 150 tỷ USD mỗi năm, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Sự phát triển này có sự đóng góp không nhỏ từ các doanh nghiệp thành viên của AmCham. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp và hàng trăm nghìn việc làm gián tiếp, đồng thời đóng góp một phần đáng kể vào nguồn thu thuế của Việt Nam.
Bên cạnh việc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Nói về mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam và cách tính của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đại diện AmCham nhận định: "Cách tính này giống như một bài tập của học sinh trung học, nhưng thực tế, nó lại có tác động rất nghiêm trọng đến Việt Nam, đến người dân cũng như việc làm tại đây".
Theo đó, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế cao đối với Việt Nam đã làm dấy lên những lo ngại về tác động tiêu cực đến thị trường việc làm trong nước. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, đại diện AmCham cho rằng việc cắt giảm việc làm hàng loạt là khó xảy ra.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành AmCham cũng lưu ý việc tăng giá cả tại Mỹ do thuế quan có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Việt Nam.
"Khi giá cả tăng ở Mỹ, điều đó sẽ gây tổn hại đến người dân Mỹ và các gia đình Mỹ. Ví tiền của họ sẽ nhỏ lại và do đó, thay vì mua ba đôi giày, họ sẽ mua hai đôi. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng điều này sẽ không tốt cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc không tốt cho tăng trưởng việc làm tại đây", ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham). (Ảnh: Anh My).
Mỹ áp thuế không đồng nghĩa FDI kết thúc
Cũng tại họp báo, ông Adam Sitkoff cho biết đã nhận được câu hỏi rằng có phải mức thuế 46% cũng đồng nghĩa với việc FDI tại Việt Nam sẽ kết thúc phải không và ông đã nói “Không, không phải vậy”.
Đại diện AmCham đánh giá Việt Nam là một điểm đến tốt cho các công ty nước ngoài. Hiện tại, nhiều công ty đã có các dự án và cam kết dài hạn với Việt Nam. Ông cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng tùy thuộc vào những gì công ty đó đang làm.
“Một vấn đề cần tính đến là tính xuyên suốt. Hôm nay, chúng ta biết mức thuế quan mà Việt Nam bị áp là bao nhiêu nhưng tuần tới, tháng tới thì không ai biết. Ông Trump thực sự muốn thấy mọi thứ được sản xuất tại Mỹ nhưng tôi, với vị trí của mình và kiến thức về thương mại toàn cầu, cho rằng điều đó là rất khó khăn”, Giám đốc điều hành AmCham nói.
Lấy ví dụ từ đôi giày Nike hoặc Adidas, hay bất kỳ sản phẩm nào khác, ông Adam nhấn mạnh: “Ai cũng hiểu vì sao nhiều công ty chọn sản xuất mọi thứ ở Việt Nam thay vì sản xuất mọi thứ ở Texas. Họ cũng không thể dịch chuyển chuỗi sản xuất ngay sang Texas hay Australia chỉ trong thời gian ngắn được”.
Lý giải kỹ hơn về điều này, ông cho biết, các công ty có trách nhiệm với các bên liên quan, các cổ đông, khách hàng của họ. Mọi doanh nghiệp đều có gắng cung cấp sản phẩm hấp dẫn nhất với chất lượng cao nhất và ở mức giá thấp nhất có thể. Do đó, đối với nhiều doanh nghiệp, Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là một lựa chọn hợp lý.