EU bàn việc áp giá trần với khí đốt của cả thế giới, không chỉ khí nhập từ Nga
"Quá ít khí đốt"
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đang đưa ra một loạt các giải pháp nhằm giúp châu lục già đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Khi EC soạn thảo những biện pháp này, Na Uy đã cảnh báo về việc đặt giá trần khí đốt.
"Một mức giá tối đa sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản, đó là có quá ít khí đốt ở châu Âu", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết sau cuộc gọi với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.
Na Uy, đồng minh thân cận của EU, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối này sau khi Nga cắt giảm nguồn cung. Khí đốt đã mang lại cho Na Uy nguồn thu kỷ lục khi giá năng lượng tăng cao. Theo RT, lượng khí đốt mà quốc gia này bán sang EU gần đây đã tăng 8%.
Các bộ trưởng EU đã từ bỏ kế hoạch áp giá trần khí đốt của Nga - nước đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của khối trước xung đột Ukraine. Tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống còn 9%, khi Moscow siết van và đổ lỗi cho vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt gây ra.
Theo RT, một số quốc gia thành viên EU, trong đó có Italy, đã kêu gọi áp dụng mức trần giá đối với tất cả khí đốt mà EU nhập khẩu, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar và khí đốt không hóa lỏng qua đường ống từ Na Uy.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Cao ủy Năng lượng châu Âu, bà Kadri Simson cho biết động thái này có nhiều rủi ro: "Ý tưởng về giá trần chung, bao gồm cả LNG nhập khẩu, có thể tạo ra thách thức với an ninh năng lượng bởi thị trường LNG mang tính toàn cầu. EU không nằm trong ba nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, và sự cạnh tranh hiện đang rất lớn".
"Lúc này, ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt của Nga", bà nói.
Na Uy từng có động thái sẵn sàng thương lượng về giá trần khí đốt và hợp đồng dài hạn để giúp đỡ các đối tác châu Âu của mình.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, ông Gahr Stoere, người trước đó đã tuyên bố rằng "Na Uy không từ chối bất cứ thảo luận nào [về giá trần]", lại khẳng định rằng chính phủ Na Uy không thể trực tiếp đưa ra mức giá khí đốt.
“Tôi đã nói với các đồng nghiệp châu Âu rằng chính phủ Na Uy không phải là người bán khí đốt. Giấy phép được trao cho các công ty trả thuế cao, và sau đó những doanh nghiệp này là người bán năng lượng", ông giải thích với tờ VG của Na Uy.
Khó lường
Nga cho biết khó có thể lường trước được ảnh hưởng đối với hoạt động vận chuyển khí đốt sang châu Âu khi Naftogaz của Ukraine khởi xướng một quy trình trọng tài mới. Công ty Naftogaz cho biết Gazprom đã không trả tiền quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine đầy đủ và đúng hạn.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Có thể có rất nhiều điều không thể đoán trước được từ cả các đồng nghiệp phương Tây và những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khí đốt của Ukraine".
Dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu dọc theo các tuyến đường quan trọng đã ổn định vào hôm 12/9, tuy nhiên đường ống Nord Stream 1 vẫn ngừng hoạt động.