Data Talk | Macro Insight 03: Cơn bão thuế quan càn quét thị trường
Data Talk | Macro Insight là series cập nhật những diễn biến quan trọng của kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Mang đến những góc nhìn sắc bén với dữ liệu khách quan và được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu trong ngành.
Chương trình do WiGroup – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực Dữ liệu Kinh tế – Tài chính cùng VietnamBiz đồng sản xuất, phát sóng định kỳ trên kênh Youtube VIF (Vietnam Investment Forum) hàng tuần.
Trong số Macro Insight lần này, hãy cùng các chuyên gia mổ xẻ tác động của làn sóng thuế quan mới từ Mỹ đối với Việt Nam và khả năng chủ động thích ứng chính sách thuế từ khu vực trong nước, và cuối cùng là chiến lược đầu tư cần được điều chỉnh ra sao trong bối cảnh biến động này.
Nội dung chính:
-
Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam quý I/2025 và các chỉ báo hỗ trợ tăng trưởng
-
Tác động trực tiếp và gián tiếp từ thuế đối ứng tới ngành nghề.
-
Khả năng thích ứng của các doanh nghiệp từ dữ liệu kinh doanh.
-
Các chỉ báo kinh tế cần theo dõi thời gian tới ngoài từ khoá "thuế".

Khách mời & diễn giả:
Đồng hành cùng chương trình là Ông Diệp Hoàng Lợi, Trưởng bộ phận Phân tích Vĩ mô của Tổ chức phân tích đầu tư CKG Analyst (host của chương trình) với hai diễn giả có sự cập nhật, theo dõi sát sao diễn biến thị trường:
-
Ông Trần Ngọc Báu, Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. Với nhiều năm nghiên cứu và phân tích dữ liệu kinh tế, ông có kinh nghiệm sâu rộng trong việc đánh giá xu hướng vĩ mô, chính sách tiền tệ và thị trường tài chính.
-
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF. Với hơn 12 năm kinh nghiệm tại một trong những quỹ đầu tư có hiệu suất vượt trội trong nhiều năm qua, ông Linh sẽ mang đến góc nhìn thực tiễn về bối cảnh vĩ mô và gợi ý các chiến lược đầu tư.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
Bức tranh kinh tế Việt Nam trước khi chịu thuế đối ứng từ Mỹ
Ông Trần Ngọc Báu chỉ ra hai vấn đề của nền kinh tế Việt Nam được quan tâm nhất ở thời điểm hiện nay là tăng trưởng kinh tế và tỷ giá. Bởi vì tác động của thuế suất, chính sách thuế suất lên Việt Nam cũng sẽ phản ánh khá rõ nét qua sức khoẻ của nền kinh tế và qua những biến động về tỷ giá.
Đầu tiên là câu chuyện về diễn biến tăng trưởng kinh tế của quý I. Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,93% và tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng yếu hơn so với hai quý trước là quý III và quý IV năm ngoái (trung bình khoảng chừng là 7,4 - 7,5% thì quý I này còn 6,93%).
Về mặt tích cực, con số tăng trưởng quý I là tích cực nhất trong 5 năm tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra và nhìn trong bối cảnh sự kỳ vọng của cà nhà điều hành lẫn người dân và doanh nghiệp thì con số này nhìn chung vẫn hơi thất vọng vì vẫn còn cách khá xa mục tiêu 8% mà Chính phủ đề ra.
Đáng chú ý, Việt Nam có sự thay đổi mang tính chu kỳ khi trước đó bình thường quý IV sẽ là quý cao điểm nhất, nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây thì quý II và quý III lại là quý chi phối sự tăng trưởng kinh tế cả năm. Theo ông, lý do là khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam đã đổi ngách về xuất khẩu, dẫn đến nhiều thứ thay đổi theo.
Trong năm 2024, tăng trưởng nửa đầu năm là chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp, nửa sau năm là đến từ khu vực dịch vụ. Nhưng số liệu của quý II và quý III năm nay là những số liệu cũng vào mùa cao điểm của chiến tranh thương mại.
Từ đó, có thể thấy được rằng thực sự nếu nhìn con số này thì áp lực lên tăng trưởng kinh tế so với mục tiêu Chính phủ đề ra là quá lớn bởi vì khu vực công nghiệp, động lực dẫn dắt chính cho tăng trưởng quý II cũng như giữa năm thì khả năng cao sẽ là khó bởi vì thuế. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức.
Xét về con số đầu tư, động lực chính cho tăng trưởng, vẫn không bứt tốc được, đặc biệt là khu vực tư nhân. Do đó rất khó để kỳ vọng được rằng sự thẩm thấu của nó trong các quý tới sẽ tác động được tới GDP.
Do đó, xét về hai phương pháp tính tính GDP cả theo nhóm ngành và đầu tư - tiêu dùng thì chúng đều đang thể hiện rằng là mục tiêu đề ra với những gì đang thể hiện tính đến hiện tại là chưa tương xứng.
Về tỷ giá, VND mất giá khá mạnh so với USD, mất khoảng 2,2% tính đến 8/4 trong khi USD Index đã giảm 5,8%. Như vậy VND đã yếu đi so với các đồng tiền khác gần 10%, và điều này sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong tương lai gần.
Hiện tại thị trường đang lo ngại, tỷ giá của NHTM đã vượt qua tỷ giá trần bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong ngày 8/4. Điều này sẽ gây áp lực lên việc điều hành của NHNN.
Nếu như NHNN không nới biên độ hoặc nâng tỷ giá trung tâm lên thì có khả năng phải dần dần bán USD ra để giảm áp lực tỷ giá trong khi dự trữ ngoại hối không còn nhiều. Áp lực đến đâu còn phụ thuộc vào câu chuyện về thuế quan và phản ứng của Fed trước bối cảnh hiện tại của Mỹ.
Về tổng thể, sức khoẻ kinh tế trong nước đang vẫn còn khá yếu so với kỳ vọng và mầm mống cho sự tăng trưởng vẫn chưa xuất hiện. Và vấn đề tỷ giá ngày càng áp lực, tác động cả thị trường trong nước và có áp lực lên lạm phát khi tác động đến nguyên liệu đầu vào. Chỉ số giá giá nhập khẩu bình quân (QoQ) đã tăng 2,4%,, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Linh, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I thấp hơn kế hoạch của Chính phủ, đạt 6,9% so với mục tiêu 7,7% chủ yếu do tăng trưởng sản xuất chậm lại, ở mức 9% thấp hơn mức mục tiêu khoảng 11%
Xuất khẩu tăng trưởng khá tốt trong quý I nhưng thặng dư thương mại hàng hoá thu hẹp đáng kể (3,2 tỷ USD), ảnh hưởng đến thu ngoại tệ của Việt Nam. Hoạt động thương mại quốc tế và sản xuất trong thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng do những bất định từ thuế quan.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng là đầu tư, cả khu vực tư nhân và khu vực công, vẫn ở dưới mức kỳ vọng. Tổng đầu tư tư nhân tăng 5,5% (mục tiêu tăng 2 con số của năm). Đầu tư công thì theo GSO vẫn tăng trưởng nhưng nếu nhìn vào báo cáo thu chi ngân sách thì phần chi cho đầu tư phát triển giảm. Số liệu giải ngân đầu tư công (từ Bộ Tài Chính) trong quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước và tỷ lệ hoàn thành chỉ khoảng hơn 9% (cùng kỳ là 12%).
Cần làm gì để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ?
Theo chuyên gia VCBF Nguyễn Hoàng Linh, thuế quan đối ứng là không thể tránh khỏi và điều mà chúng ta cần làm bây giờ là phải dự phòng các tình huống tiếp theo có thể xảy ra và kế hoạch ứng phó ra sao.
Theo chuyên gia, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản mức thuế công bố ngày 2/4 (46%) có thể được áp dụng trong một thời gian vài tuần, thậm chí vài tháng do trước đó phía Mỹ đưa ra quan điểm là "không trì hoãn".
Do đó cần phải đánh giá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và các công cụ mà Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp trong giai đoạn này. Đối với các doanh nghiệp có xuất khẩu nhiều sang Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng và tiền là vấn đề cần chuẩn bị để vượt qua được giai đoạn áp thuế này.
Chuyên gia cũng tin rằng đây là mức thuế quan cao nhất, đồng nghĩa với việc là nó sẽ giảm trong tương lại nhưng khi nào giảm và giảm bao nhiêu, giảm cho nước nào, giảm cho ngành nào lại là một ẩn số.
Theo ông, với Mỹ những áp lực từ bên ngoài trong ngắn hạn thực ra sẽ không tác động nhiều đến ông Trump. Ngay cả những nước đồng minh như Khối EU, Canada, Nhật cũng chưa lay chuyển được chính sách thuế của ông Trump.
Ông Linh cho rằng điều mà có thể tạo ảnh hưởng tới chính sách này là những tác động từ bên trong nước Mỹ.
"Để có thể thương lượng nó không phải là câu chuyện đơn thuần là giảm thuế ngay lập tức mà phải có lợi ích về tài chính rất hữu hình với Mỹ. Điều này có nghĩa là các nước muốn thương lượng với Mỹ phải có những hợp đồng kinh tế cụ thể và có sự ràng buộc rõ ràng chứ không chỉ là bản ghi nhớ (MOU).", ông Linh nói.
Chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump sẽ chưa hạ nhiệt thuế quan nếu như: (1) thị trường tài chính Mỹ không quá hoảng loạn (2) Mỹ chưa có được những hợp đồng cụ thể với các đối tác thương mại.
Bởi một nửa tài sản người Mỹ nắm giữ là tài sản tài chính, do đó nếu thị trường tài chính của Mỹ giảm quá nhiều sẽ gây sức ép cho ông Trump. Ngược lại, nếu thị trường có thể ổn định trở lại thì đó lại là cơ sở để ông Trump kéo dài chính sách của mình.
Về dài hạn, mục tiêu thuế quan của Mỹ không chỉ dừng lại ở vấn đề bất cân xứng thương mại mà còn các mục tiêu khác nhú: dịch chuyển sản xuất về Mỹ và tài trợ việc gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế theo đạo luật TCIA 20217 và thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Scott Bessent ước tính số tiền thu được từ thuế quan đối ứng là 300 - 600 tỷ mỗi năm, khả năng các nước chỉ có thể thương lượng để giảm mức thuế công bố ngày 2/4 xuống một nửa.
Cần chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới với môi trường thuế quan cao hơn. Giải pháp là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình để tăng năng suất và tối ưu chi phí, khai thác tối đa khả năng ngành dịch vụ.
Ông Trần Ngọc Báu đánh giá những đòn đánh hiện tại mà các bên đưa ra với nhau thực ra là “đòn gió” là nhiều. Còn nếu thực sự ông Trump áp những mức thuế đó vào tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ thì người mà có thể khốn đốn nhiều nhất, ngay lập tức có thể chính là người Mỹ bởi chỉ sau một đêm, tất cả những hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu đều tăng giá 30 - 50% và trong trạng thái là tình hình kinh tế Mỹ đang yếu đi.
Vì vậy, chuyện mà người dân phản ứng và gây sức ép lên ông Trump về mặt xã hội là có và tôi nghĩ rằng nếu cứ tình trạng này thì càng ngày càng gay gắt hơn.
Về yếu tố thứ hai, đồng tình với chia sẻ từ ông Nguyễn Hoàng Linh, thị trường tài chính là thị trường lưu giữ tài sản của người dân và các doanh nghiệp cũng như là giới tài phiệt Mỹ tương đối nhiều.
Hiện tại, những phản ứng trên thị trường chứng khoán của Mỹ chủ yếu ở khu vực tức là chủ yếu là cổ phiếu và những tài sản số. Còn thực sự như trái phiếu thì tôi thấy hiện tại chưa có phản ứng quá mạnh. Tuy nhiên, khi Fed sẽ vào cuộc do lúc đó giới tài phiệt sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Nhà đầu tư nên quan sát gì? Chỉ số nào nên quan tâm?
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Trần Ngọc Báu cho rằng cần lưu ý về hai vấn đề tạo áp lực trọng yếu lên quyết định của ông Trump đến từ hai mặt trận là giá của các tài sản tài chính và chính sách tiền tệ của Mỹ, tức phản ứng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Fed điều chỉnh lãi suất sẽ tác động rất lớn tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Nếu Fed giảm lãi suất thì Việt Nam có thể bơm tiền để hỗ trợ trong nước, nếu không tỷ giá sẽ căng thẳng và không thể hỗ trợ.
Bổ sung thêm về vấn đề tỷ gúa, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay Việt Nam cũng có những điểm lạc quan khi có nguồn thu ngoại tệ lớn từ khách quốc tế. Ông ước tính nếu năm nay lượng khách quốc tế tăng 30% thì ngoại tệ thu về hơn 15 tỷ USD. Đồng thời, kiều hối cũng có thể tăng trưởng tốt, đặc biệt khi thị trường tài chính Mỹ kém hấp dẫn.
Theo ông Linh, ẩn số lớn nhất là nhóm FDI, không phải là việc họ có giải ngân hay không mà họ có phòng thủ và chuyển về nước hay không. Ngoài ra vấn đề về găm giữ ngoại tệ, tích trữ vàng cũng là những yếu tố quan trọng cần để ý vì tác động lên tỷ giá.
Chương trình sẽ được phát trên các kênh:
- Trang TTĐTTH VietnamBiz (https://vietnambiz.vn/)
- Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz)
- Youtube: VIF (www.youtube.com/@VietnamInvestmentForum)
- Fanpage WiGroup (https://www.facebook.com/Wigroup.vn).