Lựa chọn của Nga đang dần thu hẹp sau khi Ukraine phản công
Theo Bloomberg, sau cuộc rút lui đột ngột của quân Nga ở khu vực đông bắc Kharkov, Điện Kremlin đã phải chịu làn sóng chỉ trích từ các blogger chiến trường cho tới các nhân vật chính trị quan trọng.
Mặc dù đã rời khỏi Kharkov, lực lượng của Moscow vẫn nắm giữa các vị trí chủ chốt tại Donbass và đang tiến công ác liệt tại vùng Kherson ở phía nam. Có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể tái triển khai lực lượng để bảo vệ bán đảo Crimea trong trường hợp Ukraine vượt qua các tuyến phòng thủ.
Tại Điện Kremlin, cú sốc về cuộc rút lui bất ngờ dần nhường chỗ cho quyết tâm tiếp tục leo thang chiến sự, đẩy mạnh các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine ở sâu trong chiến tuyến như điện, nước, đường sắt.
Trước công chúng, Moscow phủ nhận việc nhắm vào các mục tiêu dân sự, bởi hành động này có thể được cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên các vụ tấn công bằng tên lửa của Nga đã khiến nhiều khu vực chìm trong bóng tối vào ngày 11/9.
Theo thông tin của phía Kiev, Moscow đã tăng cường số lượng tàu chiến và tàu ngầm mang theo tên lửa hành trình ở Biển Đen. Các báo cáo cũng cho rằng sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn.
Hệ thống đập và thủy điện cũng đã trở thành mục tiêu. Theo YahooNews, vào chiều hôm 14/9, Moscow đã phóng 8 quả tên lửa hành trình vào con đập trên thượng nguồn sông Inhulets, gây lụt tại trung tâm thành phố Krivoy Rog ở phía hạ lưu.
Tổng động viên
Bloomberg nhận định rằng ngay cả khi sở hữu nhiều vũ khí hơn, Nga vẫn gặp khó khăn bởi thiếu hụt nhân lực và tinh thần binh lính thấp. Những thách thức này khiến Moscow khó có thể đảo ngược "chuyển biến quan trọng của cuộc chiến" khi Kiev được Washington và các đồng minh châu Âu viện trợ ngày càng nhiều vũ khí.
Những nỗ lực của Điện Kremlin trong việc sử dụng sự gián đoạn nguồn cung năng lượng để gây sức ép với châu Âu cho đến nay vẫn chưa làm xói mòn sự ủng hộ của khối đối với Ukraine. Trong khi đó, những gợi ý mơ hồ của Moscow về khả năng leo thang hạt nhân có thể chỉ là lời đe dọa.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới thành phố chiến lược Izyum hôm 14/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Chúng ta đang đi theo một hướng duy nhất, tiến lên phía trước và tới chiến thắng”. Izyum là một trong hàng chục thị trấn và làng mạc mà lực lượng Ukraine đã tái chiếm khoảng một tuần trước.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không coi cuộc xung đột là một "sai lầm". Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đào vào hôm 13/9.
Tại Nga, công chúng đang kêu gọi một lập trường cứng rắn hơn. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov cho biết : “Có một cuộc chiến đang diễn ra, chúng ta không có quyền được thất bại. Chúng ta cần một cuộc tổng động viên trên toàn quốc”.
Điện Kremlin vẫn tiếp tục loại trừ khả năng tổng động viên bởi động thái này có nguy cơ gây bất ổn về kinh tế, chính và xã hội.
Theo Insider, ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu của tổ chức bán quân sự Wagner đã tới các nhà tù để tuyển quân tham gia vào chiến dịch quân sự. Wagner đã tham gia tích cực vào xung đột Ukraine cũng như nhiều điểm nóng khác ở Libya, Syria.
Ông Sergei Markov, một nhà tư vấn chính trị của Điện Kremlin, cho biết: “Vấn đề lớn đối với Moscow lúc này là thiếu nhân lực. Quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine với quân số chỉ bằng một nửa so với các đối thủ Ukraine của chúng ta”.
Theo ông Scott Ritter - cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là nhà phân tích quân sự trên trang RT và Sputnik của Nga, Moscow chỉ huy động 200.000 binh sĩ, bao gồm cả quân chính quy cũng như dân quân của hai nước cộng hòa ly khai. Trong khi đó, quân đội Ukraine có tới 260.000 binh sĩ chuyên nghiệp và 600.000 quân dự bị.
Tuy nhiên, tổng động viên có thể không giải quyết được vấn đề trước mắt bởi sẽ cần hàng tháng để đào tạo lính nghĩa vụ. Đồng thời, tổng động viên sẽ khiến cuộc xung đột không còn là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và buộc những người Nga bình thường phải đương đầu với hiện thực chiến tranh.
Thay vào đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Moscow nhiều khả năng sẽ lựa chọn “huy động mã hóa”, bao gồm thông qua một dự luật hợp pháp hóa việc gửi các yêu cầu nhập ngũ qua đường bưu điện thay vì gặp mặt trực tiếp.
Mục tiêu của kế hoạch này là “thúc đẩy việc tuyển quân thông qua lừa dối, ép buộc hoặc hứa hẹn phần thưởng tài chính”, ISW cho biết trong báo cáo hôm 13/9.
Chiến tranh hạt nhân
Vào hôm 14/9, Đảng Xã hội Dân chủ Nga (A Just Russia - một nhóm chuyên phản đối các chính sách của ông Putin) đã kêu gọi tổ chức một phiên họp kín của quốc hội trong tuần này để nghe báo cáo về tình hình chiến trường từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu.
Một số những người từng phê bình đã thay đổi quan điểm và ủng hộ đường lối của Điện Kremlin. Ông Ramzan Kadyrov - nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya, là người từng chỉ trích “những sai lầm” của quân đội, nay lại không ngớt lời khen ngợi.
Ông viết trên Telegram: “Các tướng lĩnh của chúng ta, những người đã tốt nghiệp từ các học viện quân sự, hiểu rõ những tinh tế của cuộc chiến”.
“Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc và sử dụng bất cứ vũ khí nào trong tay bởi chúng ta đang chiến đấu với toàn bộ khối NATO”, ông nói. Hiện NATO không trực tiếp tham gia các hoạt động quân sự tại Ukraine, tuy nhiên các nước thành viên vẫn tích cực đào tạo và chia sẻ thông tin tình báo cũng như viện trợ vũ khí.
Vào hôm 13/9, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, người nổi tiếng với những tuyên bố cứng rắn trước công chúng, đã cảnh báo rằng “chiến dịch quân sự sẽ chuyển sang một cấp độ khác”.
Ông viết trên Telegram: “Các quốc gia phương Tây sẽ không còn có thể ở trong những ngôi nhà và căn hộ sạch sẽ để cười nhạo rằng mình đang làm suy yếu nước Nga bằng chiến dịch [chiến tranh] ủy quyền một cách thành thạo”.
“Mọi thứ xung quanh [các nước phương Tây] sẽ bốc cháy. Trái Đất sẽ rực cháy và bê tông sẽ tan chảy”, ông cảnh báo.