Ảnh chế shiba inu 'tham chiến', giúp Ukraine chiếm ưu thế trong cuộc chiến thông tin với Nga
Khi "meme" tham chiến
Ngày 28/8, trên mạng xã hội Twitter, Bộ Quốc phòng Ukraine đã viết: “Chúng tôi thường bày tỏ lòng biết ơn đến các đối tác quốc tế vì sự hỗ trợ của họ dành cho an ninh quốc gia của chúng tôi”.
“Tuy nhiên, ngày hôm nay chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới một tổ chức rất độc đáo - North Atlantic Fellas Organization #nafo”, Bộ Quốc phòng Ukraine tiếp tục.
Bên dưới đoạn tweet là hình ảnh một chú chó mặc đồng phục quân đội Ukraine và trông rất bình thản khi tên lửa từ một bệ phóng HIMARS vút lên trên bầu trời phía sau nó.
“Cảm ơn vì sự chiến đấu dũng cảm của các bạn trước những lời tuyên truyền của Điện Kremlin. Chúng tôi thân chào các bạn!”, Bộ Quốc phòng Ukraine bày tỏ.
Theo Economist, North Atlantic Fellas Organization (NAFO) là tên gọi do một “đội quân ảo” tự tuyên bố. NAFO rất ủng hộ Ukraine và sẵn sàng bêu xấu kẻ thù của nước này trên mạng xã hội.
Các thành viên của NAFO đặt hình đại diện là “ảnh chế” (meme) của một chú chó shiba inu. Họ thường đăng các bức meme hài hước, chế giễu thành tích quân sự của Nga cũng như các tuyên bố khó chấp nhận của giới quan chức và tuyên truyền viên Nga.
Một số quan chức cấp cao trong chính phủ Ukraine cũng là người hâm mộ các bức meme của NAFO. Hôm 30/8, ông Oleksii Reznikov - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, đã cảm ơn “từng người đằng sau bức ảnh chế chú chó shiba inu”.
Sau đó, ông Reznikov đã thay đổi ảnh đại diện Twitter thành một bức meme do một thành viên của NAFO sáng tạo ra. Vị bộ trưởng còn đăng thêm một dòng tweet: “Sự bành trướng của NAFO là không thể dung thứ!”
Dòng tweet nêu trên là một cách giễu nhại yêu cầu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi chiến sự nổ ra, rằng Ukraine phải từ bỏ giấc mơ gia nhập liên minh NATO.
Tờ Economist cho biết NAFO không có một tổ chức hoặc lãnh đạo chính thức. Tên và hình ảnh của NAFO được người dùng @Kama_Kamilia đặt ra và chia sẻ trên Twitter hồi cuối tháng 5, tức hai tháng sau khi xung đột quân sự nổ ra.
Chúng nhanh chóng trở nên viral. Một cái tên hấp dẫn, hình ảnh vui vẻ và góc nhìn châm biếm đã tạo ra một danh tính chung cho các nhà hoạt động có cùng chí hướng - nhiều người trong số họ là những người lính thực sự trên chiến trường.
Song, mục đích của NAFO còn là kêu gọi đóng góp cho Ukraine. Tài khoản @Kama_Kamilia đã bắt đầu vẽ các bức hình đại diện shiba inu cho những người quyên góp cho Georgian Legion - một nhóm tình nguyện viên quân sự nước ngoài ở Ukraine.
Nỗ lực đó đã lọt vào tầm mắt của Christian Borys - một nhà báo người Canada đang làm việc tại Kiev và là nhà sáng lập của Saint Javelin - một quỹ hỗ trợ cho Ukraine bằng cách bán áo thun in hình Đức mẹ đồng trinh đang ôm một quả tên lửa chống tăng Javelin.
Hiện Borys đã thuê @Kama_Kamilia làm việc cho Saint Javelin. Đến nay, tổ chức này đã quyên góp được hơn 1,5 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine. Một kênh của NAFO trên nền tảng Discord đang có hơn 1.500 thành viên nhiệt tình tham gia vào việc gây quỹ.
Một kiểu chiến tranh thông tin
Hiểu theo một số khía cạnh nhất định, NAFO đang đóng vai trò như một hình thức chiến tranh thông tin (information warfare) và hoạt động của “đội quân ảo” này đang khá thành công.
Học giả Peter W. Singer đánh giá: “NAFO đang khiến Nga không thể tung hoành trên mặt trận chiến tranh thông tin như trước kia”. Vị học giả cho biết Nga từng thành công gieo rắc bất ổn cho người dân Ukraine vào năm 2014.
Hơn nữa, NAFO cũng đã giúp nâng cao vị thế của Ukraine trong nền văn hoá đại chúng. “Có rất nhiều người muốn thông tin của họ xuất hiện trong các bức meme và về cơ bản, đó là những gì chúng tôi đang làm”, ông Borys cho hay.
“Mọi người có lúc không còn quan tâm nhiều đến Ukraine và chúng tôi đã lôi kéo sự chú ý của họ trở lại cuộc chiến vì hình ảnh của chúng tôi rất hài hước”, nhà báo người Canada nói thêm.
Nhiều lực lượng vũ trang có thể sẽ ghen tị với thành công của NAFO. Trong những năm gần đây, quân đội nhiều nước đã đầu tư mạnh tay vào các chiến thuật tâm lý để gây bối rối và đánh lừa đối thủ, thường là qua các mạng xã hội.
Theo Economist, nhiều người đã nhận ra tầm quan trọng tiềm tàng của meme trong chiến sự. Năm 2006, ông Michael Prosser - khi đó là một thiếu tá trong Thuỷ quân lục chiến Mỹ, đã đề xuất nên thành lập một Trung tâm Tác chiến Meme “để tư vấn cho chỉ huy và cung cấp các phương án tác chiến meme phù hợp nhất”.
Tuy nhiên, các tổ chức quân sự thường thiếu đi sự nhạy bén và hài hước đặc trưng của những người chế tạo meme như NAFO. Do đó, kết quả mà quân đội nhận được thường không tốt.
Ông Nick Waters của nền tảng Bellingcat ví dụ, Bộ Tư lệnh Không gian của Lầu Năm Góc từng công bố hình ảnh một con gấu hoạt hình dũng mãnh vào tháng 10/2020 với mục đích cảnh cáo các tin tặc Nga.
Tài liệu cho thấy Lầu Năm Góc đã mất hơn ba tuần để thiết kế meme. Bức ảnh này được retweet chưa đến 200 lần - thậm chí còn thấp hơn số lượt retweet mà bài đăng của ông Reznikov đạt được.
Bài học rút ra là, các cộng đồng ảo - đến với nhau một cách tự phát và không có định hướng rõ ràng từ đầu, thường có thể dễ dàng đánh bại cả những đội quân lớn và có nguồn lực tốt nhất.
Ông Jeremy Fleming - người đứng đầu nền tảng tình báo GCHQ, đánh giá: “Tổng thống Putin đã thua toàn diện trong cuộc chiến thông tin ở Ukraine và ở phương Tây”. Các “chiến binh” của NAFO có thể tự nhận một chút công lao cho kết quả đó.