|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xung đột bùng phát giữa hai quốc gia gần Nga, khoảng 100 người đã chết

15:36 | 14/09/2022
Chia sẻ
Armenia và Azerbaijan lại một lần nữa trở thành điểm nóng tại châu Âu khi các cuộc giao tranh gần đây đã khiến gần 100 binh sĩ thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh mới tại phía nam Caucasus.

Theo The Guardian, Armenia cho biết ít nhất 49 binh sĩ của mình đã thiệt mạng; Azerbaijan tuyên bố đã mất 50 binh sĩ do các cuộc giao tranh với Armenia.

Sự leo thang của cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa các nước nam Caucasus đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột thứ hai trong thế giới hậu Xô Viết, cùng với chiến sự hiện nay ở Ukraine.

Armenia cho biết một số thị trấn gần biên giới với Azerbaijan, bao gồm Jermuk, Goris và Kapan, đã bị pháo kích vào rạng sáng ngày 13/9. Chính phủ tại Yerevan (thủ đô của Armenia) tuyên bố đã đáp trả "một cuộc khiêu khích quy mô lớn" của Azerbaijan.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng tuyên bố đáp trả một "hành động khiêu khích quy mô lớn" của quân đội Armenia bằng việc gài mìn và bắn phá vào các vị trí quân sự của Azerbaijan.

Nga, quốc gia đứng ra làm trung gian giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tuyên bố đã thành công trong việc tạm ngừng giao tranh vào cuối ngày 13/9, tuy nhiên vẫn có những báo cáo cho rằng đụng độ đang diễn ra.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng một thỏa thuận đạt được nhờ sự hòa giải của Nga về một lệnh ngừng bắn… sẽ được thực hiện đầy đủ”. Moscow cũng “cực kỳ lo ngại” về cuộc giao tranh gần đây.

Binh sĩ Armenia và binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga tại một trạm kiểm soát. (Ảnh: Mauricio Lima/New York Times).

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken lo ngại Moscow có thể đang cố gắng “khuấy động” căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, nhưng cũng cho rằng Nga có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp “hạ nhiệt” xung đột.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, đã cáo buộc Azerbaijan tấn công các thị trấn Armenia do không muốn đàm phán về tình trạng của Nagorno-Karabakh, một vùng đất nằm trong Azerbaijan nhưng cư dân chủ yếu là người Armenia.

Ông Pashinyan phát biểu trước Quốc hội: “Cường độ của hành động thù địch đã giảm nhưng các cuộc tấn công vào một hoặc hai mặt trận từ Azerbaijan vẫn tiếp tục. Hiện tại, 49 [binh sĩ] đã hi sinh và rất tiếc đây không phải là con số cuối cùng".

Ngược lại, Azerbaijan đã cáo buộc Armenia thực hiện hoạt động tình báo dọc biên giới và di chuyển vũ khí, đồng thời cho biết các vị trí quân sự của họ đã bị phía Armenia tấn công.

Kêu gọi hòa bình

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói: “Như Washington đã tuyên bố rõ từ lâu, không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt mọi hành động thù địch quân sự ngay lập tức".

Nga hiện điều hành một căn cứ quân sự ở Armenia và đã cử hàng nghìn lính gìn giữ hòa bình tới khu vực này vào năm 2020. Moscow là bên có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và là đồng minh của Armenia thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). 

CTSO có mô hình hoạt động tương tự NATO. Điều 4 trong Hiến chương của CTSO quy định hành vi gây hấn chống lại một thành viên sẽ được xem như chống lại tất cả thành viên của tổ chức. Các bộ trưởng quốc phòng của Armenia và Nga đã phát biểu vào sáng 13/9 và nhất trí thực hiện các giải pháp để ổn định tình hình ở biên giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Niko Pashinyan tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông. (Ảnh: Vladimir Smirnov).

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chính trị và quân sự lâu đời của Azerbaijan, cáo buộc Armenia phải chịu trách nhiệm về việc bùng phát giao tranh và thúc giục Yerevan đàm phán.

“Armenia nên ngừng các hành động khiêu khích và tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình và hợp tác với Azerbaijan”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu, viết trên Twitter sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan, ông Jeyhun Bayramov.

Pháp cho biết sẽ triệu tập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về cuộc tranh chấp. Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Armenia và khẳng định rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia đáng được "tôn trọng nghiêm ngặt".

Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết ông đã liên lạc với cả Thủ tướng và Tổng thống Azerbaijan để ngăn chặn leo thang xung đột.

“Cần một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và bền vững”, ông Michel viết trên Twitter. “Không có sự thay thế nào cho hòa bình và ổn định cũng như không có giải pháp nào ngoài ngoại giao để giải quyết xung đột”.

Ông Michel đã gặp Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Aliyev vào tháng trước tại Brussels để đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa các nước, vấn đề nhân đạo và triển vọng về một hiệp ước hòa bình tại Nagorno-Karabakh.

Nguyên nhân xung đột

Nagorno-Karabakh là một vùng núi, không giáp biển, nằm bên trong biên giới của Azerbaijan, và là nguồn cơn của tranh chấp trong hơn một thế kỷ. Khu vực này được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng chủ yếu là người Armenia, những người đã chống lại sự kiểm soát của Baku (thủ đô Azerbaijan). 

Trong lãnh thổ Azerbaijan có nhiều người Armenia sinh sống, và cũng có một phần lãnh thổ của Azerbaijan bị kẹt lại ở giữa Armenia và Iran. (Ảnh: Al Jazeera). 

Năm 1991, khu vực có khoảng 150.000 người sinh sống này tuyên bố độc lập, và kể từ đó đã trở thành vùng tự trị với sự hậu thuẫn của Armenia. Nagorno-Karabakh còn có tên gọi là Cộng hòa Artsakh, nhưng chưa được quốc tế công nhận.

Bất chấp những tiến bộ hướng tới hòa bình trong những năm gần đây, “xung đột từng đóng băng” này lại bùng phát vào năm 2020. 

Trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần năm 2020, Azerbaijan đã giành lại các vùng lãnh thổ rộng lớn tại Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột vào mùa thu đã khiến 6.600 người thiệt mạng và kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian.

Moscow đã triển khai khoảng 2.000 quân đến khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Cư dân Azerbaijan đa số theo đạo Hồi còn Armenia đa số theo đạo Thiên Chúa. Một số lực lượng ở cả hai bên đã tìm cách gây xung đột về mặt tôn giáo, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khía cạnh này đã bị phóng đại.

Cuộc cách mạng Armenia vào năm 2018 đã mở ra một thế hệ lãnh đạo mới và làm dấy lên hy vọng rằng cuộc xung đột Nagorno-Karabakh có thể tiến tới một giải pháp. Tuy nhiên, những hi vọng đó đã tan biến khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan giữ một thái độ cứng rắn, hay thậm chí có phần khiêu khích trong mắt các nhà lãnh đạo Azerbaijan. 

Ảnh hưởng đến quốc tế

Ngoài vấn đề nhân đạo liên quan tới việc dân thường của cả hai bên đều thiệt mạng, cuộc xung đột còn khiến quốc tế lo ngại vì một số lý do.

Vùng nam Caucasus là tuyến huyết mạch quan trọng cho khí đốt và dầu từ Azerbaijan vào Thổ Nhĩ Kỳ, đến châu Âu và các thị trường khác. Các cường quốc trong khu vực bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đầu tư vào nam Caucasus ở các mức độ khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga có liên minh an ninh với Armenia, mặc dù Moscow vẫn bán vũ khí cho cả hai nước. Moscow và Ankara đã tranh giành ảnh hưởng tại các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm cả ở Syria và Libya.

Minh Quang