|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến tại Ukraine mang lại cho nền kinh tế Nga cú hích bất ngờ

10:36 | 16/09/2022
Chia sẻ
Các nhà kinh tế cho biết sản lượng vũ khí quốc phòng có thể đang giúp Nga bù đắp sự suy giảm của một số ngành công nghiệp khác, xoa dịu tác động từ các lệnh trừng phạt.

 

Nga có thể sẽ cần sản xuất thêm đạn dược để đối phó với cuộc phản công của Ukraine. (Ảnh: AFP). 

Chiến dịch quân sự tại Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin có vẻ đang thúc đẩy sản lượng công nghiệp của Nga, giúp nền kinh tế tránh được các dự báo tồi tệ nhất trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn đang có hiệu lực. 

Sự bí mật xung quanh việc sản xuất khí tài quân sự của Nga cũng không thể che giấu được cú hích mà lĩnh vực này đang bắt đầu tạo ra cho nền kinh tế, Bloomberg nhận xét.

Sản lượng “kim loại thành phẩm” – thuật ngữ chỉ nhiều loại sản phẩm bên cạnh dao kéo như vũ khí, bom và đạn dược – tăng vọt gần 30% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Còn trong những tháng liền trước, khoản mục này liên tục ghi nhận sự sụt giảm lớn.

Khoản mục riêng biệt khác có tên gọi “các phương tiện và thiết bị khác” cũng báo cáo mức tăng đáng kể. Được liệt kê vào danh mục này không chỉ bao gồm những sản phẩm thông thường như xe đạp mà còn cả tàu thuyền, máy bay và áo giáp quân đội.

Bà Tatiana Orlova, nhà kinh tế thuộc tổ chức Oxford Economics, đánh giá: “Nếu không nhờ cuộc chiến tại Ukraine, dữ liệu sản xuất của Nga sẽ yếu hơn nhiều”.  

Dù vậy, tổng sản lượng của các nhà máy Nga trong tháng 7 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. 

Thất bại của Nga trước cuộc phản công của Ukraine trong tháng này sẽ thôi thúc Moscow huy động thêm nguồn lực để phục vụ cho chiến sự. Nhiều khả năng chiến dịch quân sự của Nga sẽ không thể kết thúc trong năm nay mà kéo dài sang những năm tới.

Tuy nhiên, cú hích kinh tế từ ngành công nghiệp quốc phòng khó có thể tồn tại lâu dài, đặc biệt là nếu Nga thiếu nhân lực trong khi cỗ máy quân sự của nước này bị thiếu hụt các máy móc và công nghệ cần thiết do các lệnh trừng phạt của phương Tây.  

Sự bế tắc xoay quanh những chuyến hàng năng lượng tới châu Âu – thị trường chính của Nga - cũng đe dọa khiến doanh thu của nước này sụt giảm. Moscow đã cho ngừng hầu hết nguồn cung khí đốt tới châu Âu và bán dầu thô với giá rẻ cho những nước khác.

Thích nghi

Sau khi tấn công Ukraine hồi tháng 2, Nga đã nhanh chóng dựng lên các lớp phòng vệ tài chính để chống đỡ cú sốc tới nền kinh tế. Nhưng việc chuyển đổi để các ngành công nghiệp thích ứng với thời chiến có lẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Tháng 7, nhằm hỗ trợ quân đội, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật cho phép chính phủ tăng quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp. Moscow có thể buộc những công ty này điều hướng hoạt động sản xuất theo nhu cầu quân sự hoặc làm việc thêm giờ.

Nhà kinh tế Orlova nhận xét: "Dữ liệu tháng 7 xác nhận rằng sự gia tăng các đơn đặt hàng của nhà nước dành cho tổ hợp công nghiệp-quân sự đã hỗ trợ ngành chế tạo của Nga. Trong vài tháng gần đây, dữ liệu sản lượng công nghiệp của Nga có vẻ tốt đến mức khó tin”.

Dữ liệu công nghiệp có thể cho thấy Nga đang bắt đầu đối phó tốt hơn với sự gián đoạn nặng nề mà các lệnh trừng phạt gây ra. Hồi tháng 5, Mỹ tuyên bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước này đã khiến hai nhà máy xe tăng lớn của Nga ngừng hoạt động.

Nhưng tin tức từ báo chí địa phương lại cho thấy một trong hai nhà máy đó – Uralvagonzavod – lại đang đẩy mạnh hoạt động. Các lao động thuộc bộ phận sản xuất quốc phòng ở đó đã chuyển sang làm 12 giờ một ngày và có thể tình nguyện làm ca 8 giờ vào các ngày thứ Bảy.

Việc đưa ra đánh giá chính xác về nền kinh tế Nga đã trở nên khó khăn hơn sau khi chính phủ ngừng công bố một số chỉ tiêu quan trọng. Nga cũng không còn tiết lộ dữ liệu hàng tháng phân tách số tiền được chi cho các khoản mục ngân sách khác nhau, bao gồm quốc phòng.

Sức ép

Tuy nhiên, Nga sẽ gặp trở ngại trong việc tự đáp ứng nhu cầu khí tài quân sự, đặc biệt là nếu xung đột với Ukraine biến thành một cuộc chiến tiêu hao. Mỹ nói Nga đã phải nhập khẩu máy bay không người lái của Iran và muốn mua hàng triệu tên lửa và đạn pháo từ Triều Tiên để đấu với Ukraine.

 

Ngân sách của Nga cũng có thể gặp căng thẳng. Ông Janis Kluge, nhà phân tích kinh tế Nga tại Viện Quốc tế và An ninh Đức, ước tính chi tiêu cho quốc phòng của Nga trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng tới 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Một quan chức cấp cao đã nói rằng ngân sách thu mua quốc phòng của Nga có thể tăng tối đa 700 tỷ ruble (tương đương 11 tỷ USD) trong năm nay. Tổng chi tiêu quân đội của Nga trong năm 2021 ước tính vào khoảng 65,9 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách tháng 7 của chính phủ Nga tương đương 8,4% GDP hàng tháng, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2020. Thặng dư ngân sách của Nga cũng giảm rõ rệt trong tháng 8.

Ông Alexandra Osmolovskaya-Suslina, nhà kinh tế độc lập người Nga nhìn nhận: “Chúng ta khó có thể tính toán được là chi tiêu quân sự có thể hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp trong bao lâu, vì Nga không còn công bố dữ liệu. Ước đoán của tôi là một năm hoặc lâu hơn”.  

Giang