Bloomberg: Tài liệu mật của Moscow cảnh báo về thiệt hại trầm trọng với kinh tế Nga
Bloomberg trích dẫn một báo cáo nội bộ tiết lộ Nga có thể sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái lâu dài và sâu hơn khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lan rộng. Tài liệu trên là kết quả của nhiều tháng làm việc bởi các quan chức và và chuyên gia Nga nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự cô lập kinh tế do cuộc xung đột Ukraine.
Bức tranh triển vọng kinh tế của Nga trong nghiên cứu này tồi tệ hơn nhiều so với những tuyên bố lạc quan của các quan chức trước công chúng. Theo Bloomberg báo cáo trên được soạn thảo cho một cuộc họp kín của các quan chức Nga cấp cao vào ngày 30/8.
Hai trong số ba kịch bản trong báo cáo cho thấy tốc độ suy giảm kinh tế sẽ nhanh hơn trong năm tới. Nền kinh tế Nga sẽ chỉ trở lại mức trước xung đột vào cuối thập kỷ này hoặc thậm chí muộn hơn.
Trong kịch bản “quán tính”, nền kinh tế chạm đáy vào năm tới với mức suy giảm 8,3% so với 2021. Trong kịch bản “căng thẳng”, vào năm 2024, quy mô kinh tế sẽ mất đi 11,9% so với năm ngoái.
Tất cả kịch bản đều cho thấy áp lực của các lệnh trừng phạt sẽ ngày càng gia tăng, với ngày càng nhiều quốc gia đối đầu với Moscow. Báo cáo cho biết việc châu Âu quay lưng lại với dầu và khí đốt của Nga sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng phục vụ thị trường trong nước của Điện Kremlin.
Ngoài các lệnh cấm vận tác động tới 1/4 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo cho biết Nga đang phải đối mặt với “sự bao vây” gây “ảnh hưởng tới mọi loại hình giao thông vận tải”, càng làm cô lập thêm nền kinh tế.
Những hạn chế về công nghệ và tài chính cũng đang tạo nhiều áp lực. Báo cáo ước tính khoảng 200.000 chuyên gia công nghệ có thể sẽ rời khỏi Nga vào năm 2025.
Tuy nhiên, trước công chúng, các quan chức Nga khẳng định ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt ít hơn nhiều so với lo ngại ban đầu, với khả năng nền kinh tế thu hẹp ít hơn 3% vào năm 2022 và thậm chí còn thấp hơn nữa vào năm tiếp theo.
Các nhà kinh tế nước ngoài cũng đã điều chỉnh triển vọng trong năm nay, đảo ngược những dự đoán ban đầu về một cuộc suy thoái sâu khi mà nền kinh tê Nga chống chịu áp lực tốt hơn dự tính.
Xuất khẩu đình đốn
Báo cáo mật của chính phủ Nga kêu gọi một loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và giảm bớt tác động của những lệnh trừng phạt nhằm đưa nền kinh tế phục hồi như trước xung đột vào năm 2024 và tăng trưởng ổn định sau đó.
Tuy nhiên, những biện pháp này tương tự như những gì mà Nga đã giới thiệu trong thập kỷ qua, khi tăng trưởng vẫn bị đình đốn ngay cả khi không có lệnh trừng phạt.
Báo cáo cảnh báo trong một đến hai năm tới, “sản lượng của một loạt lĩnh vực định hướng xuất khẩu sẽ giảm”, từ dầu khí đến kim loại, hóa chất và gỗ. Mặc dù có khả năng phục hồi trong những năm sau đó, nhưng “những lĩnh vực này sẽ không còn là động lực của nền kinh tế”.
Theo báo cáo, việc cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu, thị trường xuất khẩu chính của Nga, có thể gây thiệt hại tới 400 tỷ ruble (6,6 tỷ USD) mỗi năm. Ngay cả trong trung hạn, Moscow cũng không thể bù đắp hoàn toàn doanh số đã mất bằng những thị trường xuất khẩu mới.
Ông Alexander Isakov, nhà kinh tế Nga, cho biết: “Với khả năng tiếp cận các công nghệ phương Tây ngày càng giảm, làn sóng thoái vốn của các công ty nước ngoài và khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra mạnh mẽ, tăng trưởng tiềm năng của Nga sẽ giảm xuống còn 0,5% -1,0% trong thập kỷ tới”.
“Sau đó, tốc độ sẽ giảm dần, xuống chỉ còn 0% vào năm 2050. Nga cũng sẽ ngày càng dễ bị tổn thương do giá hàng hóa toàn cầu giảm”, ông nói.
Ảnh hưởng tới ngành dầu khí
Mất đi các thị trường truyền thống sẽ khiến sản lượng bị cắt giảm, đe dọa tới mục tiêu của Điện Kremlin trong việc mở rộng sản xuất khí đốt trong nước, báo cáo cho biết.
Việc thiếu công nghệ cần thiết có thể ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng những nhà máy hóa lỏng khí tự nhiên mới.
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm nay. Việc mất đi thị trường châu Âu, chiếm khoảng 55% xuất khẩu dầu của Moscow, có thể dẫn đến việc cắt giảm mạnh sản lượng và khiến thị trường trong nước thiếu nhiên liệu.
Đồng thời, báo cáo cũng cho biết các nhà sản xuất kim loại đang mất 5,7 tỷ USD mỗi năm từ các lệnh trừng phạt.
Moscow có thể sẽ trở thành “nhà cung ứng linh hoạt” trên thị trường toàn cầu, khi mà nhu cầu với sản phẩm của nước này sẽ biến mất trước tiên khi kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Những yếu tố trên có thể khiến đồng ruble lao dốc và lạm phát tăng vọt.
Về phía nhập khẩu, “rủi ro ngắn hạn chính là việc ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu”. Báo cáo cũng cho biết về lâu dài, việc không có khả năng sửa chữa các thiết bị nhập khẩu có thể hạn chế vĩnh viễn khả năng tăng trưởng.
“Hàng nhập khẩu trọng yếu”
Báo cáo cho biết: “[Nga] không có nhà cung cấp thay thế nào cho một số mặt hàng nhập khẩu trọng yếu”.
Ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy Điện Kremlin tuyên bố đã nỗ lực thay thế nguồn cung từ nước ngoài, nhưng sự phụ thuộc vào một số đầu vào chính có thể buộc người Nga phải giảm tiêu thụ thực phẩm.
Những hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây có thể khiến Nga tụt hậu một hoặc hai thế hệ so với các tiêu chuẩn hiện tại vì nước này buộc phải dựa vào các giải pháp thay thế kém tiên tiến hơn từ Trung Quốc và Đông Nam Á.
Báo cáo cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt cũng sẽ buộc chính phủ phải điều chỉnh một loạt các mục tiêu phát triển mà Tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra trước xung đột, bao gồm cả thúc đẩy tăng trưởng dân số và tuổi thọ.
Trên cơ sở từng ngành, bản báo cáo nêu chi tiết về phạm vi ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt:
Nông nghiệp: 99% gia cầm và 30% bò sữa Hà Lan phụ thuộc vào nhập khẩu. Hạt giống cho các mặt hàng chủ lực như củ cải đường và khoai tây chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào, tương tự với thức ăn cho cá và amino acid.
Hàng không: 95% lượng hành khách được vận chuyển trên các máy bay do nước ngoài sản xuất. Việc không được tiếp cận với các phụ tùng nhập khẩu thay thế có thể khiến đội bay bị thu hẹp.
Chế tạo máy: Chỉ 30% công cụ máy móc là do Nga sản xuất và ngành công nghiệp trong nước không có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Dược phẩm: Khoảng 80% sản xuất trong nước dựa vào nguyên liệu nhập khẩu.
Giao thông vận tải: Các hạn chế của Liên minh châu Âu đã khiến chi phí vận chuyển đường bộ tăng gấp ba lần.
Truyền thông và công nghệ thông tin: Nga có thể thiếu hụt thẻ SIM vào năm 2025, trong khi lĩnh vực viễn thông của quốc gia này có thể tụt hậu 5 năm so với những người đứng đầu 2022.