|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Nga gồng mình chống chịu lệnh trừng phạt và chi phí quân sự

21:13 | 16/09/2022
Chia sẻ
Theo hãng tin CNN, có những dấu hiệu mới chứng tỏ kinh tế Nga đang chịu sức ép, khi giá năng lượng giảm và chi phí cho cuộc chiến tại Ukraine ngày càng tốn kém.

Thặng dư ngân sách tan biến

Số liệu mới đây từ Bộ Tài chính Nga cho thấy thặng dư ngân sách của Nga gần như “biến mất” trong mùa hè, khi giảm từ 1.370 tỷ ruble (23 tỷ USD) vào cuối tháng 7 xuống 137 tỷ ruble (2,3 tỷ USD) vào cuối tháng 8.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách cũng chịu sức ép. Thông thường, dầu mỏ là mặt hàng đem lại nguồn thu lớn hơn khí đốt tự nhiên. Song, việc giá dầu Brent giảm khoảng 25% kể từ mức đỉnh hồi đầu tháng 6 là một “cú sốc” lớn đối với Nga, ngay cả trước khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và G7 thông báo kế hoạch áp giá trần khí đốt vào tháng 12.

Dù giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu vẫn ở mức rất cao, song theo tập đoàn Gazprom, lượng khí đốt Nga bán sang EU và Anh đã giảm 49% kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, ông Janis Kluge, cộng sự cấp cao tại Viện các vấn đề an ninh và quốc tế Đức (GIISA) nhấn mạnh chi ngân sách của Nga tăng vọt, do chi phí quân sự và giải pháp ứng phó để bảo vệ nền kinh tế trước lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo ông Kluge, số liệu từ Chính phủ Nga cho thấy ngân sách nước này đang thâm hụt và Điện Kremlin đang ngày càng khoét rộng lỗ hổng tài chính khi chi tiêu quốc phòng gia tăng.

Trả lời phỏng vấn hãng CNN, ông Kluge lưu ý Nga lên kế hoạch chi 3.500 tỷ ruble cho quốc phòng trong cả năm nay, song mức chi thực tế đã vượt con số này trong tháng 9.

Nhật báo kinh doanh Vedomosti (Nga) ngày 14/9 đã trích một nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết Bộ Tài chính đã đề nghị các cơ quan chính phủ cắt giảm chi tiêu 10% vào năm 2023. Tuy nhiên, theo Vedomosti, chi tiêu cho hoạt động quân sự sẽ tiếp tục tăng.

Theo tạp chí Financial Times, kinh tế Nga đang đối mặt với vô vàn khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một nửa dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của nước này đã bị đóng băng, một số ngân hàng hàng đầu không còn nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế và dầu Urals đang bán với giá chiết khấu khoảng 20 USD/thùng so với giá quốc tế do các lệnh trừng phạt.

Gần 1.000 doanh nghiệp nước ngoài, vốn đóng góp 40% GDP của Nga, đã cắt giảm hoạt động.

Giá dầu thô của Nga thấp hơn giá dầu quốc tế khoảng 20 USD/thùng.

Những tín hiệu khả quan

Bất chấp những vấn đề trên, kinh tế Nga đã thích ứng tốt hơn dự kiến. Các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nhằm kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất đã giúp ổn định đồng ruble. Đà tăng cao hơn của giá dầu thế giới cũng giúp bù đắp cho mức giá chiết khấu.

Doanh số bán nhiêu liệu cho Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng đã thay thế sự sụt giảm xuất khẩu sang EU. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sản lượng dầu của Nga trong tháng 7 giảm chưa đến 3% so với mức trước khi xung đột với Ukraine bùng phát.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn chưa rời khỏi Nga hoàn toàn hoặc đã bán lại cho một bên khác và hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì. Trao đổi thương mại gia tăng với các thị trường mới nổi lớn, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng tạo ra một điểm tựa khác.

Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến kinh tế nước này sẽ thu hẹp khoảng 4-6% trong năm nay. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức giảm 6%, thấp hơn mức ước tính giảm 8,5% hồi tháng 4.

 Kinh tế Nga có nguy cơ suy giảm 6% trong năm 2022, theo IMF.

Nguy cơ dài hạn

Theo Financial Times, các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể khiến kinh tế Nga sụp đổ ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, các biện pháp này là một “sợi dây thòng lọng” ngày càng siết chặt đối với Nga.

Tạp chí trên cho rằng tác động lớn nhất đối với Nga có thể không phải là mất đi thị trường năng lượng phương Tây mà là công nghệ và linh kiện – những thứ mà Bắc Kinh hoặc những nước khác không thể thay thế hoàn toàn. Điều này sẽ cản trở các ngành sản xuất, khai thác tài nguyên thiên nhiên, cũng như tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.

Nhìn lại lịch sử, chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Liên Xô sau cuộc chiến tại Afghanistan năm 1979 đã kìm hãm sự phát triển của Liên Xô và làm trầm trọng thêm tình trạng tụt hậu về công nghệ. Sự kết hợp của vấn đề này cùng với đà giảm của giá năng lượng đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu sắc vào cuối những năm 1980.

Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ lập luận cho rằng nền kinh tế nước này đang gặp rắc rối. Ông Putin khẳng định chiến lược chiến tranh kinh tế chớp nhoáng của phương Tây đã thất bại và Nga vẫn tự tin để đương đầu với những sức ép từ bên ngoài.

Tại hội nghị diễn ra tại Uzbekistan ngày 15/9, ông Putin đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thống kê cho thấy quan hệ trao đổi thương mại song phương đã bùng nổ trong 6 tháng qua, khi Nga tìm kiếm những thị trường mới cho mặt hàng năng lượng và các nhà xuất khẩu Trung Quốc thế chỗ các doanh nghiệp phương Tây tại Nga.

Trà My