|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành dầu đá phiến của Mỹ muốn cứu châu Âu nhưng không làm nổi

17:41 | 15/09/2022
Chia sẻ
Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã cảnh báo việc không thể cứu châu Âu khỏi khỏi khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này giữa những mối lo ngại cho rằng giá dầu có thể quay lại trên 100 USD/thùng khi Nga giảm xuất khẩu.

'Lực bất tòng tâm'

Theo Financial Times, mặc dù thị trường dầu đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây, nhưng xu hướng này có thể nhanh chóng đảo chiều khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu ÂU (EU) có hiệu lực vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng lệnh cấm của EU “có thể khiến giá dầu nhảy vọt”.

Các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến  của Mỹ đang nắm giữ trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, có thể giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo cho biết những công ty này sẽ không thể tăng nguồn cung đủ nhanh để giúp giảm thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông.

Tốc độ tăng của số giếng dầu đá phiến đang chứng lại.

“Mỹ sẽ không thể bơm thêm nhiều. Sản lượng của chúng tôi chỉ có vậy”, ông Wil VanLoh, người đứng đầu của Quantum Energy Partners, một trong những nhà đầu tư dầu đá phiến lớn nhất. “Sẽ không có sự trợ giúp nào cả”, ông VanLoh nói thêm. “Cả về khí đốt lẫn dầu mỏ”.

Mỹ đã tăng cường xuất khẩu dầu mỏ và khí hóa lỏng (LNG) do hưởng lợi từ giá cao tại châu Âu, nhưng hiện nay cũng đã đến giới hạn, vị giám đốc này cho biết.

Ông cảnh báo rằng nguồn cung dầu sẽ thấp hơn so với dự báo của chính phủ khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm nay.

Khi được hỏi về triển vọng về một đợt tăng sản lượng lớn của ngành dầu đá phiến Mỹ, ông Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources cho biết: “Tôi không kỳ vọng khả năng đó”.

“Chúng tôi không tăng cường thêm các giếng khoan, và cũng không có doanh nghiệp nào khoan thêm cả”, ông Sheffield, người đang quản lý một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ. Ông cho rằng giá dầu thô có thể tăng lên hơn 120 USD/thùng vào mùa đông năm nay nếu nguồn cung bị thắt chặt.

Hôm 14/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh số dầu từ Nga có thể giảm tới gần 20% nếu lệnh cấm nhập khẩu của EU có hiệu lực. Giá dầu Brent đã tăng 1% lên mức 94 USD/thùng sau thông tin này.

Sản lượng dầu đá phiến tăng trong thập kỷ qua đã biến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, với sản lượng trước dịch COVID đạt 13 triệu thùng/ngày, tương ứng với hơn 10% nhu cầu toàn thế giới, theo EIA.

Tuy nhiên tính đến tuần trước, sản lượng của Mỹ đã phục hồi đến 12,1 triệu thùng/ngày sau một đợt sụt giảm lớn khi giá dầu suy sụp trong đại dịch COVID.

Những lo ngại về việc nguồn cung dầu đá phiến xuất hiện cùng lúc với thông tin OPEC sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng.

Năng suất của các giếng dầu đang sụt giảm cũng là một thách thức khác.

Mặc dù các công ty siêu lớn như Chevron và ExxonMobil, cũng như một số công ty tư nhân, đang tăng cường hoạt động khoan, nhưng tổng số giàn khoan đang hoạt động không biến động trong những tuần gần đây và năng suất mỗi giếng sụt giảm.

Nhà đầu tư không muốn tăng trưởng

Ông Ben Dell, Giám đốc điều hành của Kimmeridge Energy cho biết các nhà đầu tư của ngành công nghiệp đá phiến ở Phố Wall sẽ không ủng hộ cho việc tăng mạnh sản lượng. Phố Wall thích mô hình sản xuất với sản lượng thấp và lợi nhuận cao.

Ông nói: “Các nhà đầu tư thường không muốn các công ty đá phiến theo đuổi mô hình tăng trưởng. Nguồn vốn sẵn có là cực kỳ hạn chế".

Ông Matt Gallagher, người đứng đầu công ty khoan dầu Greenlake Energy Ventures, cho biết sự gia tăng nguồn cung vừa phải từ Mỹ trong những tháng tới sẽ “không thay đổi mọi thứ ở quy mô thế giới”. 

Chính phủ Mỹ đã đấu tranh trong nhiều tháng để giảm giá dầu thô và giá xăng, vốn đã đạt mức cao kỷ lục vào đầu năm nay và khiến chính quyền của Tổng thống Biden gặp trở ngại trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Tổng thống Biden đang nỗ lực hạ giá xăng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Nhà Trắng đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến tăng nguồn cung, trong khi Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm mô tả đất nước đang ở trong tình trạng “chiến tranh”. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ đang làm việc với các đồng minh G7 để đưa ra các biện pháp miễn trừ cho mặt hàng dầu của Nga nhằm tránh cú sốc về nguồn cung.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.