|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Canada có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới nhưng sản lượng khai thác mãi lẹt đẹt, vì sao?

14:32 | 05/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, ngành công nghiệp dầu khí của Canada phải đối mặt với một loạt thách thức, từ chi phí sản xuất, vị trí địa lý cho tới rủi ro môi trường.

Dầu mỏ có sức mạnh thay đổi cả một quốc gia. Chỉ 100 năm trước, Trung Đông chẳng có gì ngoài sa mạc khô cằn nhưng ngày nay, những quốc gia tại đây thậm chí còn hiện đại hơn nhiều nước châu Âu.Tuy nhiên, không phải đất nước nào cũng hưởng lợi từ nguồn dự trữ dầu dồi dào.

Canada có sản lượng dầu lớn thứ 3 thế giới, cao hơn Nga và Mỹ.

Canada đang ngồi trên khoảng 170 tỷ thùng dầu, là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới. Trữ lượng dầu thô của Canada gấp hơn hai lần so với Nga và gần 5 lần so với Mỹ.

Thế nhưng, sản lượng dầu của Canada chỉ đứng thứ 4 trên thế giới, thua xa ba người dẫn dầu là Mỹ, Arab Saudi và Nga. Vậy tại sao Canada không sản xuất thêm nhiều dầu hơn? 

Sản lượng dầu của Canada chỉ bằng 1/3 Mỹ và 1/2 Nga, Arab Saudi.

Chi phí sản xuất

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với Canada là chi phí sản xuất. Có nhiều loại dầu khác nhau và chi phí để khai thác cũng chênh lệch rất lớn. Dầu trên đất liền tại Trung Đông là một trong những loại dầu thô dễ khai thác và tinh chế nhất. 

Theo Yale Climate Connections, khác với dầu thô thông thường ở dạng lỏng, dầu của Canada nằm lẫn với cát, đất sét và nước, hay còn gọi là “cát dầu”. Loại dầu thô này không thể được bơm lên bằng những giếng dầu thông thường, mà phải sử dụng công nghệ khai thác phức tạp hơn rất nhiều.

Quá trình khai thác cát dầu rất phức tạp.

Với những mỏ cát dầu lộ thiên trên đất liền, hỗn hợp cát và dầu sẽ được đào lên, sau đó xử lý với nước nóng để tách ra bitumen (một dạng dầu thô nặng, đặc và nhớt} . Với những mỏ dầu ở sâu, quá trình khai thác thậm chí còn phức tạp hơn. Hơi nước sẽ được bơm xuống giếng để đẩy bitumen lên trên.

Sau đó, bitumen có thể được chuyển thành dầu thông thường giúp vận chuyển thuận lợi hơn bằng cách pha loãng với dầu thô nhẹ hoặc khí ngưng tụ. Do sự phức tạp trong quá trình khai thác và tinh chế, sản xuất dầu cát đắt đỏ hơn nhiều so với giếng dầu thông thường.

Không chỉ có quy trình khai thác khó khăn, giá nhân công của Canada cũng đắt đỏ hơn nhiều so với các quốc gia như Arab Saudi hay Nga. Mức thu nhập trung bình của người lao động tại thủ phủ dầu mỏ Alberta, Canada là 75.000 CAD/năm (tương đương 51.000 USD/năm).

Trong khi đó, một người lao động trung bình tại Arab Saudi chỉ kiếm được khoảng 31.000 USD/năm. Hay nói cách khác, Arab Saudi có thể thuê được gần 2 người lao động với giá bằng một nhân công tại Canada.

Cát dầu là loại dầu có chi phí sản xuất cao nhất.

Những yếu tố trên khiến giá dầu tại Canada thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Giá hòa vốn của một thùng dầu tại Canada lên tới 74 USD, trong khi người Trung Đông chỉ cần bán dầu trên khoảng 30 USD/thùng là đã có lãi.

Trong 20 năm gần đây, chỉ có 6 năm giá dầu vượt mức hòa vốn của Canada. Bởi vậy, mặc dù có trữ lượng dầu lớn thứ ba trên thế giới, Canada khó trở thành cường quốc về nhiên liệu hóa thạch.

Vị trí địa lý

Địa lý Trung Đông thật sự hoàn hảo để phục vụ thị trường dầu toàn cầu. Phía bên trái là châu Á với những cường quốc tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đi lên phía trên là châu Âu, và bên phải là châu Phi.

Hơn nữa, Trung Đông còn nằm gần tuyến vận tải tấp nập qua kênh đào Suez, có khả năng tiếp cận Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và cả Biển Đen. Việc nằm ở cửa ngõ giữa cả ba lục địa Á, Âu, Phi giúp Trung Đông xây dựng một lợi thế lớn về mạng lưới vận tải trên đường ống, đường bộ, đường sắt và đường biển.

Canada không nằm gần bất cứ tuyến vận chuyển dầu lớn nào, trong khi Trung Đông là trung tâm của dầu mỏ thế giới.

Trong khi đó, Canada lại nằm ở một vị trí biệt lập. Ngoài Mỹ thì xung quanh Canada không còn người mua lớn nào khác. Để bán dầu sang thị trường quốc tế, Ottawa chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là đường biển. Và tất nhiên, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng lên do khoảng cách địa lý.

Hệ thống đường ống của Canada cũng tương đối kém phát triển. Quốc gia này gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển dầu từ Alberta tới các cảng biển ở British Columbia để xuất sang thị trường châu Á.

Mỹ là nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, bởi vậy, ngành công nghiệp hóa dầu của Canada được đảm bảo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, vì là người mua lớn duy nhất, Washington nắm trong tay quyền lực mặc cả rất lớn.

Ngoài Mỹ, không có nhiều quốc gia sẵn sàng mua dầu của Canada do hàm lượng lưu huỳnh cao, không thích hợp với hệ thống lọc dầu sẵn có. 

Theo CBC, một thùng dầu Western Canada Select (WCS) thường được chiết khấu từ 10 đến 15 USD, thậm chí có lúc hơn 20 USD. Tính theo mức chiết khấu này, giá hòa vốn của Canada bị đẩy lên đến 84-94 USD/thùng, khiến cho việc sản xuất có lãi rất khó khăn.

Hiểm họa mội trường

Ngoài những bất lợi về chi phí sản xuất và vị trí địa lý, ngành dầu khí Canada còn phải chống lại các nhà bảo vệ mọi trường. Quá trình khai thác và tinh chế cát dầu thành dầu thô rất tốn thời gian, chi phí, sử dụng nhiều nước và năng lượng cũng như giải phóng những phụ phẩm độc hại cho môi trường.

Theo Yale Climate Connections, hoạt động khai thác cát dầu tầng mặt chỉ thu về gấp 8 lần năng lượng bỏ ra. Khai thác cát dầu ở tầng sâu, vốn mang lại đa số sản lượng, thậm chí còn chỉ thu lại được 3,2 đến 5,4 lần năng lượng đã tiêu hao.

Những con số trên chưa bao gồm công đoạn tinh chế và vận chuyển. Để so sánh thì hoạt động khai thác dầu thông thường mang lại từ 10 đến 20 lần năng lượng bỏ ra. Một nghiên cứu cho thấy quá trình khai thác và tinh chế cát dầu sản sinh gấp hai lần lượng khí nhà kính so với những loại dầu thô khác ở Bắc Mỹ.

Hoạt động khai thác cát dầu phát hủy rừng, tạo ra những vùng đất chết và tạo ra những ao hồ độc hại. (Ảnh: Michael Kodas). 

Theo tạp chí National Geographic, quá trình khai thác cát dầu cũng làm cạn kiệt nguồn nước sạch, và tạo ra những ao hồ khổng lồ chứa nhiều chất độc hại. Những ao hồ này chứa đủ lượng nước để lấp đầy 500.000 bể bơi Olympic và đôi khi còn chảy vào sông Athabasca gần đó.

Một nghiên cứu cho thấy mưa axit do hoạt động khai thác cát dầu có thể sẽ ảnh hưởng tới vùng đất có diện tích gần bằng nước Đức. Động thực vật cũng như con người xung quanh khu vực khai thác cát dầu đang gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe.

Các nhà bảo vệ mội trường đã ngăn cản việc mở rộng cơ sở hạ tầng đường ống vận chuyển dầu từ Alberta đến bờ biển British Columbia. Kể từ năm 1961, dự án này đã xảy ra tới 84 vụ tràn dầu.

Vụ tràn dầu năm 2011 là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại Alberta. (Ảnh: Ian Jackson/Canadian Press).

Cơ hội 

Bất chấp tất cả những trở ngại này, có thể Canada sẽ có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp dầu khí trong những năm tới nhờ vào Nga. Cuộc xung đột Ukraine là một trong những lý do chính khiến giá dầu tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng và duy trì trong vài tháng trước. 

Giá dầu Brent từ đầu năm nay đã luôn trên ngưỡng hòa vốn của Canada.

Phần lớn châu Âu vẫn chưa từ bỏ dầu của Nga. Nhưng đến cuối năm 2022, khi lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực, châu lục già sẽ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Hai ứng cử viên sáng giá thường được nhắc đến là Iran và Venezuela. Tuy nhiên, những quốc gia này đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như là đồng minh thân cận với Nga.

Theo Bloomberg, sản lượng dầu của Canada sẽ không đủ để thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Moscow. Nhưng xung đột địa chính trị hiện nay có thể được xem như một cú hích cho ngành công nghiệp dầu khí, với điều kiện cần là Canada phải xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường ống và đội tàu trên biển. 

Băng tan ở Bắc Cực cũng có thể được coi như một phước lành đối với Canada, giúp khai thông những tuyến vận tải mới.

Tuy nhiên, Canada là một trong những nền kinh tế lớn, có thu nhập bình quân cũng như chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Người dân quốc gia này cũng đặc biệt yêu môi trường, vì vậy, Ottawa có thể sẽ không mạo hiểm chỉ vì doanh thu từ dầu mỏ. 

Minh Quang