Ông Biden mất mặt vì công du Trung Đông mà sản lượng dầu chỉ tăng nhỏ giọt
Theo New York Post, chuyến công du tới Arab Saudi của Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 7 được các nhà phân tích cho là đã thất bại sau khi vào hôm 3/8, OPEC+ tuyên bố chỉ tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày từ tháng 9. Con số này chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu năng lượng khổng lồ của Mỹ và thế giới.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vừa đồng thuận với một trong những mức tăng sản lượng thấp nhất trong lịch sử. Chính quyền Tổng thống Biden từng kỳ vọng rằng chuyến thăm tới Arab Saudi và cuộc gặp Thái tử Mohammad bin Salman có thể khiến OPEC+ nâng sản lượng nhiều hơn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào năm 2021, trung bình mỗi ngày, nước Mỹ tiêu thụ khoảng 19,78 triệu thùng dầu.
Hay nói cách khác, mức tăng hôm 3/8 vừa qua chỉ đủ để nền kinh tế số một thế giới sử dụng trong vòng từ 7 tới 7,5 phút. Trên phạm vi toàn cầu, động thái của OPEC+ chỉ giúp nguồn cung dầu tăng lên 0,1%.
"Một cái tát vào mặt"
Vào năm 2019, ông từng hứa sẽ coi Thái tử bin Salman như “kẻ bị ruồng bỏ” do những cáo buộc rằng Thái tử chính là người đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Thế nhưng hôm 15/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ lại có một cú “đấm tay” với nhà lãnh đạo của vương quốc dầu mỏ tại Jeddah. Trong nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, ông Biden đã phải đi ngược lại tuyên bố của mình trước đây.
Mặc cho những nỗ lực ngoại giao của ông Biden, mức tăng hôm 3/8 vừa qua chưa bằng 1/6 so với cam kết đưa thêm 648.000 thùng dầu vào thị trường hồi tháng 6 của OPEC+.
Trong tuyên bố của mình, OPEC+ thừa nhận rằng “phải sử dụng công suất dự phòng một cách cẩn thận để đối mặt với những gián đoạn thiếu nguồn cung nghiêm trọng”.
Các nhà phân tích cho rằng thông báo của OPEC+ đồng nghĩa với thất bại của Tổng thống Mỹ. “[Thông báo này] như một cái tát vào mặt chính quyền Tổng thống Biden”, ông Matt Smith, một nhà phân tích tại Kpler nói với CNN. “Chuyến thăm, và cuộc gặp gỡ với Thái tử đều không có tác dụng”.
Ông Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group cho biết: "OPEC+ đã tăng sản lượng ở mức tối thiểu. Thị trường coi động thái này gần như một sự cự tuyệt [với nỗ lực của Mỹ]. Quyết định này hoàn toàn mang tính biểu tượng”.
Trong những tuần vừa qua, giá xăng đã giảm chút ít, từ mức 1,27 USD/lít xuống chỉ còn 1,1 USD/lít vào hôm 3/8. Tuy nhiên, giá xăng hiện tại vẫn cao hơn một năm trước khoảng gần 0,38 USD/lít.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc xung đột tại Ukraine và nhu cầu tăng cao có thể dễ dàng đảo ngược xu thế này.
Ông Robert Yawger, Phó Chủ tịch phụ trách hợp đồng tương lai năng lượng tại công ty chứng khoán Mizuho Securities cũng đồng ý với ông Smith: “Phải nói là, tôi khá bất ngờ khi OPEC+ chỉ nâng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày”.
Washington bào chữa
Hôm 3/8, Nhà Trắng thừa nhận rằng thông báo của OPEC+ sẽ không ảnh hưởng lớn tới giá xăng. Khi được hỏi về việc liệu người Mỹ có thể kỳ vọng rằng giá xăng sẽ giảm mạnh trong tương lai hay không, ông Amos Hochstein, cố vấn năng lượng hàng đầu của Washington cho biết câu trả lời là “không”.
Tháng trước, ông Hochsten từng “khá tự tin” vào việc OPEC+ sẽ tăng đáng kể sản lượng sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Biden.
Đến ngày 3/8, ông Hochstein lại tuyên bố động thái của OPEC+ là một “bước đi đúng hướng”, nhưng từ chối trả lời về việc liệu ông Biden có thất vọng về kết quả này hay không.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre lại khăng khăng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể được coi là một sự thành công. Bà lập luận rằng Arab Saudi đã mở không phận đối với máy bay của Israel và Riyadh tiếp tục tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc nội chiến Yemen.
“Chúng tôi nghĩ rằng chuyến đi này hoàn xứng đáng”, bà cho biết.
Khi được phóng viên hỏi về việc liệu Tổng thống Biden có “thu được những gì mong muốn” từ chuyến công du hay không, Thư ký báo chí sử dụng biểu đồ cho thấy giá xăng đã giảm kể từ mức đỉnh hồi giữa tháng 6.
“Mức tăng vừa qua của OPEC+ chỉ là trong vòng một tháng”, bà Jean-Pierre nói. “Nhưng Tổng thống sẽ tiếp tục làm việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giảm giá xăng và cân bằng cung cầu dầu mỏ”.
Nỗi lo suy thoái
CNN cho rằng, có những lý do chính đáng để OPEC+ quyết định không nghe theo lời kêu gọi tăng sản lượng của Tổng thống Biden.
Nỗi lo suy thoái đã bùng lên trong những tuần gây đây, gây lo ngại trên thị trường dầu mỏ về việc Mỹ sẽ không còn nhiều nhu cầu. Hôm 1/8, giá dầu tại Mỹ rớt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 tháng qua. Tương tự như vậy, giá xăng tại Mỹ cũng đã sụt giảm đáng kể.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều nghi ngại liên quan đến khả năng tăng công suất của OPEC+. Nhóm các nhà sản xuất này đã liên tục không đạt mục tiêu sản lượng, đặt ra câu hỏi về việc còn bao nhiêu công suất dự phòng tại các nước ngoài Arab Saudi và UAE.
Ông Yawger của Mizuho Securities nói: “Tôi nghĩ rằng OPEC+không còn khả năng nâng sản lượng”.
Bất kể lý do đằng sau mức tăng đáng thất vọng của OPEC+ là gì đi chăng nữa, thật khó để tưởng tượng rằng Tổng thống Biden đã đạt được những gì mình mong muốn sau khi phải miễn cưỡng ngồi lại với Thái tử bin Salman.