|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do EU đột ngột cứng rắn với Hungary - đồng minh thân cận bậc nhất của Nga

12:13 | 22/09/2022
Chia sẻ
Từ lâu Liên minh châu Âu (EU) đã lo ngại về điều mà họ gọi là sự xói mòn của nhà nước pháp quyền tại Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orban - đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trong một cuộc họp báo. (Ảnh: TTXVN)

Vào tháng 4, sau khi ông Orban giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ tư tại quê nhà, EU đã khởi động cuộc điều tra có thể tước đi khoản tài trợ trị giá hàng tỷ euro dành cho Hungary.

Động thái này diễn ra giữa bối cảnh EU coi việc thay đổi đường hướng của ông Orban là vấn đề then chốt để củng cố nền dân chủ và sự thống nhất của khối, đặc biệt là trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo hãng tin Bloomberg, nếu EU thất bại, sự phân cực trong khối này sẽ gia tăng hoặc thậm chí kịch bản Hungary rút khỏi EU cũng sẽ được đặt ra.

Ông Orban được đánh giá là nhà lãnh đạo EU thân cận nhất với Nga ngay cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hungary đã yêu cầu các quyền miễn trừ trừng phạt từ EU để gia tăng nhập khẩu khí đốt của Nga.

Trong một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ EU nhất trí rằng Hungary không còn là một "nền dân chủ toàn diện”. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá quốc gia này là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trong khối 27 quốc gia EU.

Nỗ lực chấn chỉnh của EU

Để gia nhập khối thương mại lớn nhất thế giới, các chính phủ buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn dân chủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, EU có rất ít công cụ sẵn sàng để đối phó với các thành viên tỏ ra “ương bướng” sau khi gia nhập.

Theo hãng tin Bloomberg, EU đã có hành động pháp lý, nhưng ông Orban luôn tìm ra cách để “thoát thân”. Bên cạnh đó, một số chính trị gia như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đứng ra bảo vệ ông Orban. Theo bà Merkel, việc thúc ép quá mức có thể khiến Hungary nối gót Anh trong quyết định rời EU. Hơn nữa, ông Orban cũng có các đồng minh quan trọng tại Ba Lan, Pháp và Italy.

Năm 2018, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để tiến hành một cuộc điều tra pháp quyền chống lại Hungary trước nguy cơ rõ ràng về sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ của khối. Một quy trình pháp lý mới được thông qua vào năm 2020 cho phép EU có thể cắt nguồn tài trợ khi lợi ích tài chính bị tổn hại. Vào cuối tháng 4, Ủy ban châu Âu (EC) cũng kích hoạt cái gọi là cơ chế có điều kiện đối với Hungary.

Cuộc điều tra của EU có liên quan đến cả vấn đề dân chủ lẫn tham nhũng, song quy mô điều tra bị giới hạn do lo ngại về những tác động tiêu cực đối với ngân sách của EU và lợi ích tài chính của khối.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, ngày 18/9, EC đã đề xuất đình chỉ khoản tài trợ trị giá 7,5 tỷ euro (7,5 tỷ USD) dành cho Hungary do lo ngại tham nhũng. Ngoài ra, Hungary vẫn đang chờ EC phê duyệt kế hoạch phục hồi sau đại dịch để mở đường cho gói hỗ trợ 5,8 tỷ euro. Nếu kế hoạch phục hồi không được thực hiện vào cuối năm nay, nước này có thể mất 70% số tiền tài trợ.

Hãng Bloomberg cho rằng hiện nay vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi liệu EU có cắt nguồn tài trợ cho Hungary hay không khi các nước thành viên EU phải bỏ phiếu về đề xuất. Các quan chức sẽ có một tháng để đưa ra quyết định và thời hạn này có thể kéo dài thành hai tháng.

Điều quan trọng là quyết định ngừng cấp tài chính cho Hungary cần sự chấp thuận của ít nhất 15 nước (tương đương 65% trong số 27 quốc gia thành viên). EU cho biết Hungary đã đạt được tiến bộ trong các biện pháp được đề xuất và sẽ báo cáo lại vào ngày 19/11.

Hungary có GDP năm 2021 khoảng 185 tỷ USD, trong khi con số của Việt Nam là 366 tỷ USD.

Phản ứng của Hungary 

Chính phủ Hungary cho biết sẽ thực hiện tất cả các biện pháp đã đề xuất trong cuộc đàm phán với lãnh đạo EU. Do đó nước này sẽ không có nguy cơ bị giảm tài trợ. Các biện pháp bao gồm thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới và sửa đổi luật để minh bạch hơn hoạt động mua sắm công.

Nhiều người thuộc phe đối lập tại Hungary đã tỏ ý hoài nghi về khả năng EU sẽ thúc ép thực hiện những thay đổi thực sự. Các nhà đầu tư cũng lờ đi những “đe dọa” của EU với Hungary khi trên thị trường, đồng forint lên giá so với đồng euro một ngày sau động thái của EU.

Về kịch bản rời EU, ông Orban đã bày tỏ quan điểm muốn giữ Hungary ở lại EU khi nền kinh tế định hướng xuất khẩu của nước này phụ thuộc nặng nề vào khả năng lưu thông tự do của hàng hóa và dịch vụ. Quá trình “ly hôn” đầy trắc trở giữa Anh và EU cũng cho thấy những khó khăn đối với cả hai phía. Ngoài ra, cuộc xung đột tại nước láng giềng Ukraine đã khiến người Hungary cảm nhận được sự an toàn khi là thành viên của EU.

Dù vậy, rất khó để ông Orban sẵn sàng tháo gỡ những thay đổi pháp lý trong thập kỷ qua và phát động một chiến dịch chống tham nhũng triệt để. Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga năm ngoái cho biết, nếu EU tiếp tục chỉ trích, Hungary có thể xem xét lại tư cách thành viên vào cuối thập kỷ, khi nước này dự kiến sẽ trở thành nước đóng góp ròng cho ngân sách của khối.

Trà My