|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed tăng lãi suất làm người nghèo khổ sở gấp bội

14:27 | 22/09/2022
Chia sẻ
Trong 6 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng một công cụ truyền thống là tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng vọt của lạm phát do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine. Người nghèo vừa khổ vì lạm phát, vừa khó khăn vì chính sách chống lạm phát của ngân hàng trung ương.

Fed đã nâng lãi suất 5 lần liên tiếp trong 6 tháng qua.

Lý thuyết màu xám

Về lý thuyết kinh tế, lạm phát tăng là do thừa cầu. Vì vậy, giải pháp để giảm giá hàng hóa là tăng chi phí đi vay. Lý giải cho phương pháp này khá đơn giản: nếu người tiêu dùng phải trả lãi vay cao hơn, họ sẽ trì hoãn mua ô tô, mua nhà và ít chi tiêu các khoản lớn. Theo đó, các doanh nghiệp cần ít nhân viên hơn để sản xuất hàng hóa, khiến người lao động khó đòi tăng lương.

Theo học thuyết về Đường Phillips (đường mô tả mối quan hệ thực nghiệm giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi của tiền lương hoặc lạm phát), nỗi đau ngắn hạn của người tiêu dùng và sự chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong một vài tháng hoặc thậm chí một vài năm, sẽ là những nhân tố giúp hạ nhiệt lạm phát.

Những người ủng hộ mô hình này cho rằng lợi ích dài hạn đi kèm với giá cả ổn định sẽ giúp bù đắp nỗi đau ngắn hạn của người lao động.

Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong vài năm qua đã cho thấy rằng khi một một hiện tượng “thiên nga đen” như đại dịch COVID-19 xảy ra, giá hàng hóa trên toàn thế giới đã tăng lên do một loạt vấn đề trong cả sản xuất lẫn vận chuyển hàng hóa. (Thiên nga đen là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế).

Ví dụ, người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn cho một chiếc xe, song lý do không phải là do có quá nhiều người mua, mà vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng, với sự thiếu hụt linh kiện và tắc nghẽn trong vận chuyển. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương như Fed chỉ có hiệu quả tốt khi lạm phát là do nhu cầu quá lớn, không phát huy tác dụng khi giá cả tăng do vấn đề chuỗi cung ứng.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, người tiêu dùng ở một quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa như Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương, khi giá tăng đột biến do chính sách chống chống dịch tại Trung Quốc gây ra thiếu hụt nguồn cung.

Theo trang truthout.org, tăng lãi suất là một giải pháp cực kỳ vụng về để giải quyết vấn đề. Cuối cùng nhu cầu sẽ bị hạn chế khi chi phí vay gia tăng, qua đó, làm giảm lạm phát. Song trước khi đạt được mục tiêu này, người dân có thể chịu nhiều đau đớn và nỗi đau này sẽ không được chia sẻ đồng đều.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại châu Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người nghèo trở thành nạn nhân

Khi thị trường lao động vẫn thắt chặt, những lao động có kỹ năng và trình độ học vấn cao hơn có thể bù đắp sự sụt giảm sức mua do lạm phát thông qua đàm phán tăng lương, thưởng và các khoản thù lao khác.

Kết quả là vòng xoáy lạm phát sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dân nghèo, có ít tiền tiết kiệm và không có mấy quyền lực trong việc đàm phán tăng lương. Đáng chú ý, những người có thu nhập thấp ở các nước nghèo phía nam bán cầu phải đối mặt với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi chính phủ khu vực này thiếu sức ảnh hưởng để can thiệp vào thị trường năng lượng và thực phẩm hay giảm gánh nặng cho người nghèo hơn thông qua chương trình trợ giá.

Lạm phát tại Argentina đã vọt lên 80%, tại Lebanon là 116% và tại Sri Lanka lên hơn 60%, so với chỉ 5,7% một năm trước.

Tuần trước, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo rằng có tới 345 triệu người trên toàn thế giới - gấp 50 lần số người chết vì COVID-19 cho đến nay - có thể đối mặt với nạn đói do giá lương thực và nguồn cung thực phẩm gia tăng.

Số liệu này cho thấy tỷ lệ người đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2020. Theo WFP, cuộc chiến tại Ukraine đã dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, lúa mì, đậu nành và các mặt hàng chủ lực khác trên thị trường toàn cầu và đẩy 70 triệu người vào nguy cơ đói ăn và khoảng 50 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Cảnh báo của LHQ đáng lẽ phải trở thành tâm điểm trên toàn cầu, song vấn đề này chỉ đơn giản trở thành một câu chuyện bên lề. Trang truthout.org nhấn mạnh người nghèo ở bất kỳ nơi nào trên Trái đất đều phải gánh hậu quả thiếu cân xứng do tác động của các chính sách chung. Họ vừa chịu gánh nặng của vòng xoáy lạm phát vừa phải gánh thêm các chính sách “gây sốc và kinh hoàng” để kiểm soát lạm phát.

Lãi suất quỹ liên bang hiện nay đã vượt mức trước dịch COVID-19, tương đương đầu năm 2008.

Giải pháp thực tế

Có những ý tưởng được đưa ra để giải quyết lạm phát theo cách công bằng hơn. Tuần trước, Trung tâm Tiến bộ Mỹ đã công bố một báo cáo nêu chi tiết cách thức củng cố chuỗi cung ứng để giảm sự gián đoạn và kiềm chế giá.

Các tác giả báo cáo kêu gọi tăng cường phân phối vắc xin COVID-19; mở rộng hệ thống trông trẻ để cha mẹ trở lại làm việc; gia tăng lượng người nhập cư tại các nước như Mỹ để lấp đầy những công việc đang bị bỏ trống; và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn tình trạng trục lợi của doanh nghiệp do đà tăng giá hàng hóa sau cuộc chiến tại Ukraine.

Các tác giả của báo cáo trên cho rằng cách tiếp cận của Fed, nhằm giảm nhu cầu mà không nhấn chìm nền kinh tế vào một cuộc suy thoái, không có khả năng phát huy hiệu quả. Họ cảnh báo nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, “cuộc hạ cánh” của nền kinh tế có thể cực kỳ khó khăn và đau đớn khi chiến lược này có nguy cơ phá hủy cả thị trường nhà đất, việc làm và gây tổn thương nhiều nhất cho người nghèo. Các tác giả nhấn mạnh những nhà hoạch định chính sách nên xây dựng một chính sách kinh tế tập trung vào giải quyết các vấn đề về nguồn cung.

Trà My