|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ và đồng minh chưa viện trợ thêm vũ khí tối tân cho Ukraine vì ngại đụng độ Nga?

18:10 | 02/10/2022
Chia sẻ
Quân đội Ukraine đang phản công và cần thêm vũ khí mạnh hơn để tạo lợi thế trên chiến trường. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ các đồng minh sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.

Lời kêu gọi khẩn thiết của Ukraine

Quân đội Ukraine đang tiến hành các cuộc phản công. Kiev đã đề nghị đồng minh cung cấp vũ khí mạnh hơn để nước này giành ưu thế trước Nga. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đồng minh sẽ đẩy mạnh các cam kết viện trợ cho Ukraine.

Ở diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã leo thang căng thẳng bằng bài phát biểu ngày 21/9. Trên truyền hình, ông chủ Điện Kremlin đã phát lệnh động viên một phần, triệu tập thêm 300.000 binh lính; đồng thời đe doạ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sau đó, Moscow còn tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine. Ngày 27/9, truyền thông Nga thông báo, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy hơn 96% cư dân ở 4 vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ủng hộ việc sáp nhập.

Các binh sĩ Ukraine đã tìm thấy một lượng lớn đạn dược thuộc về quân đội Nga sau khi Nga rút khỏi làng Nova Husarivka, Kharkiv, ghi nhận ngày 21/9. (Ảnh: Getty Images).

Dù các nước đồng minh đã gửi không ít vũ khí cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra vào cuối tháng 2, họ vẫn tránh cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa nhất, máy bay chiến đấu và xe tăng tiêu chuẩn NATO.

Giờ đây, Kiev lo sợ rằng bất chấp sự đảm bảo của Mỹ và châu Âu, những lời đe doạ của ông Putin có thể khiến các đồng minh chùn bước và không gửi thêm vũ khí cho Ukraine, bởi có lẽ họ e ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Ngoài ra, trong bối cảnh Moscow đang tuyển thêm tới 300.000 tân binh, cơ hội để Kiev giành được chiến thắng đột phá và nhanh chóng trong đợt phản công hiện tại có thể sẽ đóng lại, Bloomberg nhận định thêm.

Gần đây, trên Twitter, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Ukraine, từng kêu gọi: “Phản ứng phù hợp nhất trước động thái leo thang của Nga là [phương Tây hãy cung cấp thêm] các hệ thống HIMARS, ATACMS, Abrams và Leopards [cho Ukraine]”.

Cuối tuần trước, phát biểu trên kênh CBS, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã một lần nữa vận động đồng minh cung cấp thêm nhiều hệ thống tên lửa phóng, pháo, phòng không và xe tăng để Kiev giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng.

Sự chần chừ của phương Tây

Theo một quan chức cấp cao của châu Âu, chắc chắn nguồn vũ khí viện trợ cho Ukraine sẽ không tăng mạnh hay có sự thay đổi lớn về chủng loại, bởi vì Mỹ đang thận trọng và kho dự trữ của châu Âu thì đang ở mức thấp.

Ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận xét: “Tất nhiên, phương Tây sẽ thận trọng hơn. Song, họ cần phải đưa ra quyết định bởi vì Putin sẽ dùng trò đe doạ hạt nhân miễn là ông ta thấy chiêu này vẫn có tác dụng răn đe”.

Vị cựu bộ trưởng nhấn mạnh: “Các đồng minh của Ukraine cần phải cho Putin thấy rằng chúng ta sẽ đáp trả một cách vô cùng nghiêm túc và hệ thống của ông ta sẽ sụp đổ ngay lập tức”.

 

Mỹ đang xem xét yêu cầu của chính quyền ông Zelensky. Một quan chức Lầu Năm Góc đầu tháng 9 nói Washington có thể viện trợ thêm máy bay không người lái Grey Eagle được trang bị tên lửa Hellfire.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden rất cảnh giác với việc cung cấp máy bay chiến đấu vì sợ rằng làm như vậy sẽ khiến NATO bị kéo vào xung đột.

Ngoài ra, Washington cũng lập luận rằng các loại vũ khí công nghệ cao như xe tăng Abrams mẫu mới nhất sẽ cần quá trình đào tạo và bảo dưỡng chuyên sâu. Không rõ Kiev có yêu cầu được hỗ trợ mẫu mới này hay không.

Bloomberg dẫn lời 4 quan chức châu Âu khác cho hay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ các nước trong khu vực sẽ cung cấp cho Kiev một loạt vũ khí hạng nặng mới.

Các nguồn tin đã đề cập cụ thể tới xe tăng Leopard của Đức, bởi vì nhiều thành viên NATO như Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ứng viên Phần Lan đang sử dụng loại này.

Tuy nhiên, các nước nói trên chỉ có thể chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine khi có sự cho phép của Berlin. Một nguồn thạo tin khác của Bloomberg nói rằng chưa nước nào yêu cầu chính phủ Đức cho phép xuất khẩu xe tăng Leopard đến Ukraine.

Dù vậy, Ukraine cũng đã nhận được một số xe tăng khác. Tuy nhiên, chúng chủ yếu là các mẫu thiết kế từ thời Liên Xô.

Ba Lan - từ đầu cuộc chiến đến nay đã gửi cho Ukraine hơn 250 chiếc xe tăng, đang chờ Mỹ giao thêm 116 chiếc Abrams M1A1 vào đầu năm tới để đảm bảo nhu cầu trong nước, trước khi viện trợ thêm cho Kiev.

Trong trường hợp của Italy, vấn đề thiếu hụt ngân sách và cuộc bầu cử gây tranh cãi gần đây đã đẩy Ukraine xuống phía sau trong danh sách các ưu tiên của chính phủ. Theo hai nguồn tin, lượng vũ khí mà Italy gửi đến Ukraine đã chững lại kể từ tháng 7.

Trước thế bế tắc hiện tại, nguồn vũ khí viện trợ cho Ukraine đã từng rất ấn tượng, Bloomberg nhận xét. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã chi khoảng 15,1 tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Đức, thường bị chỉ trích là hành động quá chậm chạp, thông báo đã viện trợ quân sự 734 triệu euro (tương đương 711 triệu USD) cho Ukraine kể từ đầu năm đến ngày 19/9. Hệ thống phòng không di động Gepard của Đức đã giúp Ukraine thực hiện các cuộc phản công thành công ở khu vực phía bắc Kharkiv (Kharkov).

Yên Khê

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.