|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu lo xảy ra thêm các vụ phá hoại sau sự cố đường ống khí đốt của Nga

23:02 | 01/10/2022
Chia sẻ
Sự cố trên đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 đã khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tăng cường biện pháp bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là về năng lượng.

Đường ống cho dự án Nord Stream 2 dưới Biển Baltic nhưng không được sử dụng đến, đang nằm ở cảng Mukran, Đức, ngày 30/9/2022. (Ảnh: Reuters).

Hôm 26 và 27/9, các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 giữa Nga và Đức được phát hiện đang rò rỉ lượng nhiên liệu methane (mê-tan, CH4) khổng lồ. Hai đường ống dài hơn 1.200 km này đều đang không hoạt động nhưng đều chứa đầy khí đốt ở trong.

Theo Carnegie Endowment, khoảng 500 triệu mét khối khí đốt đã và đang thoát ra từ hai đường ống này. Nord Stream 2 dự kiến sẽ giải phóng hết khí vào ngày 1/10, còn Nord Stream 1 phải đến ngày 2/10 mới hết.

Quá trình sửa chữa hai đường ống có thể tốn cả năm với chi phí lên tới hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ USD. Cả Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều cho rằng sự cố này là một hành động phá hoại có chủ đích.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng phương Tây đứng đằng sau vụ tấn công. Mỹ bác bỏ cáo cuộc này nhưng không nói cụ thể ai đã gây ra vụ phá hoại.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp tại thủ đô Prague của Cộng hòa Séc vào ngày 7/10. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU sẽ thảo luận về an ninh của các cơ sở hạ tầng trọng yếu sau vụ đường ống Nord Stream 1 và 2 bị hư hại.

"Hành động phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2 là một mối đe dọa đối với EU. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo an toàn cho các hạ tầng trọng yếu. Các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn luận về vấn đề này tại cuộc họp sắp tới tại Prague", ông Charles Michel viết trong một dòng tweet sau khi nói chuyện với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. 

Các nước châu Âu đề cao cảnh giác

Italy, nước từng sớm giảm sử dụng nhiên liệu của Nga, đã tăng cường giám sát và kiểm soát trên biển đối với các đường ống đưa khí đốt tới nước này từ phía nam và đông.

Theo Reuters, các đường ống này bao gồm TransMed kết nối Algeria với đảo Sicily, đường ống Trans Adriatic Pipeline (TAP) chạy từ Azerbaijan tới Apulia, và đường ống GreenStream từ Libya tới đảo Sicily.

Ngoài ra, chính phủ tại Rome cũng nâng mức cảnh báo đối với đường ống Trans Austria Gas (TAG) đưa nhiên liệu từ các nước Bắc Âu tới phía đông bắc Italy.

Nhà vận hành lưới điện của Ba Lan ngày 30/9 đã thông báo tiến hành các đợt kiểm tra đối với đường dây cáp tải điện từ Thụy Điển chạy qua các đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic.

Sự chú ý cũng đang hướng về phía Baltic Pipe, dự án đường ống khí đốt mới được hoàn thành trong tuần này. Baltic Pipe được coi là một đối thủ cạnh tranh với bộ đôi Nord Stream và dự kiến sẽ đưa nhiên liệu từ Na Uy qua Biển Baltic để tới Đan Mạch, Ba Lan cũng như người dùng cuối ở các nước láng giềng từ ngày 1/10.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dẫn thông tin từ Baltic Pipeline cho biết: “Rủi ro đối với dòng chảy khí đốt trong ngắn hạn đã tăng lên đáng kể do lo ngại những hành vi phá hoại tương tự có thể xảy ra với những đường ống nhập khẩu khí đốt thiết yếu”.

“Khả năng các vụ phá hoại tiếp theo xảy ra tại những cơ sở hạ tầng thiết yếu là một rủi ro ngày càng lớn, đồng thời làm tăng nguy cơ khiến cuộc chiến hiện nay thành một cuộc xung đột với quy mô lớn hơn trong khu vực”, Fitch Solution nhận xét.

Na Uy, một đối thủ lớn của Nga trên thị trường cung cấp khí đốt, sẽ triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở dầu khí trước những hành động phá hoại có thể xảy ra sau khi phát hiện máy bay không người lái không rõ nguồn gốc trong tháng 9.

Anh, Pháp và Đức đều sẽ hỗ trợ Na Uy. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, quan chức năng lượng Đức đã kêu gọi tăng cường bảo vệ những hạ tầng năng lượng quan trọng nhất.

Trong tương lai gần, các đường ống Nord Stream sẽ không thể cung cấp khí đốt cho châu Âu, một phần do căng thẳng địa chính trị với Nga và một phần khác do quá trình sửa chữa sau sự cố. Các nước châu Âu đang phải chạy đôn chạy đáo để tìm đủ nguồn cung năng lượng và giữ cho giá cả không tăng phi mã.

Khí đốt thoát ra từ một đoạn đường ống Nord Stream 2 bị hư hại trong vùng kinh tế của Thụy Điển trên Biển Baltic, ảnh chụp ngày 28/9/2022. (Ảnh: Cảnh sát Biển Thụy Điển, Reuters). 

Hôm 30/9, EU đã đồng ý áp thuế đối với khoản lợi nhuận khổng lồ của các doanh nghiệp năng lượng để có nguồn tiền hỗ trợ người dân và các công ty chịu thiệt hại vì giá nhiên liệu cao. Các thành viên của EU cũng đã bắt đầu thảo luận về việc áp dụng một mức giá trần với khí đốt. 

Tại Hà Lan, người dân đã bắt đầu tích trữ củi và than, hạn chế dùng khí đốt để tiết kiệm chi phí sưởi ấm. Ba Lan và Cộng hòa Séc đã yêu cầu Ủy ban châu Âu hồi sinh một dự án đường ống dẫn khí kết nối hai nước. 

Các nhà quản lý lưới điện ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia đều đã đề xuất đưa thêm khí đốt mà Azerbaijan đã cam kết tới châu Âu. 

Đức Quyền