|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin cáo buộc phương Tây làm nổ đường ống dẫn khí đốt dưới biển

16:44 | 01/10/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/9 đổ lỗi cho Mỹ và đồng minh phương Tây đã phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 ở đáy biển Baltic, khiến cho an ninh năng lượng của châu Âu thêm bấp bênh.

Tổng thống Nga đổ lỗi cho phương Tây phá hoại đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức, chạy dưới đáy biển Baltic.

Cáo buộc của Tổng thống Nga 

Trong bài phát biểu nhân sự kiện sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine vào Liên bang Nga hôm 30/9, Tổng thống Putin đã cáo buộc phương Tây phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga dù ông không đưa ra bằng chứng nào. Trước đó, chính phủ Nga đã tuyên bố Mỹ là nước hưởng lợi từ các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng của châu Âu.

“Các lệnh cấm vận vẫn chưa đủ cho bọn Anglo-Saxon, thế là bọn chúng chuyển sang phá hoại”, ông Putin tuyên bố. “Khó tin nhưng thật, bọn chúng đã tổ chức các vụ nổ trên những đường ống dẫn khí quốc tế Nord Stream”. Anglo-Saxon là từ để chỉ các nước gồm các nước gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia.

“Bọn chúng đã bắt đầu phá hủy hạ tầng năng lượng toàn châu Âu”, ông Putin nói thêm. “Ai được hưởng lợi từ vụ việc này đã quá rõ ràng. Tất nhiên, kẻ được hưởng lợi chính là thủ phạm”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc cho rằng Mỹ là nước được lợi khi các đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu bị phá hỏng vì lục địa già sẽ buộc phải giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga trong tương lai và chuyển sang tiêu thụ khí hóa lỏng của Mỹ.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức châu Âu đã khẳng định việc đường ống Nord Stream bị rò rỉ là kết quả của hành động phá hoại, tuy nhiên cả Mỹ và châu Âu đều không cáo buộc đích danh ai là thủ phạm. Mỹ đã phủ nhận mọi cáo buộc về việc mình đứng sau vụ phá hoại. Các nhà địa chấn học ghi nhận một số vụ nổ đã xảy ra ở khu vực rò rỉ khí.

Các chấm đỏ là vị trí vỡ đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2. (Nguồn: ENTSOG, cơ quan hàng hải Đan Mạch và Thụy Điển, Reuters).

Nguy cơ môi trường, khí hậu

Đường ống Nord Stream 1 cung cấp khí đốt cho châu Âu kể từ năm 2011 nhưng đã bị Nga ngừng hoạt động vào cuối tháng 8/2022 khi căng thẳng với phương Tây lên cao. Moscow lấy lý do là các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho Nga không thể bảo trì được hệ thống máy móc cần thiết để vận hành Nord Stream 1.

Đường ống Nord Stream 2 chạy song song với Nord Stream 1 và được hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Nord Stream 2 chưa bao giờ hoạt động chính thức do phía Đức không đồng ý cấp phép. Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, tương lai của Nord Stream 2 càng trở nên mịt mù.

Tuy cả hai đường ống hiện nay đều không hoạt động nhưng cả hai đều có áp suất và chứa đầy khí đốt. Sau khi Nord Stream 1 và 2 bị hư hỏng hôm 26 và 27/9, lượng khí methane (mê-tan, CH4) trong hai đường ống này đã thoát ra ngoài trên Biển Baltic.

Theo Cơ quan năng lượng của Đan Mạch, khí đốt trong Nord Stream 1 sẽ tiếp tục thoát ra đến ngày 2/10 mới hết, còn Nord Stream 2 sẽ nhả ra khí đốt cho tới ngày 1/10.

Khí đốt thoát ra từ một đoạn đường ống Nord Stream 2 bị hư hại trong vùng kinh tế của Thụy Điển trên Biển Baltic, ảnh chụp ngày 28/9/2022. (Ảnh: Cảnh sát Biển Thụy Điển, Reuters).  

Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra nguyên nhân của việc Nord Stream 1 và 2 bị vỡ ở khu vực gần Đan Mạch và Thụy Điển.

Dựa vào hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học đã nhận thấy một đám mây khí methane khổng lồ trên Biển Baltic. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) hôm 30/9 cho biết việc các đường ống Nord Stream bị vỡ là sự kiện giải phóng nhiều khí methane nhất từng được ghi nhận.

Methane là khí có khả năng gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 80 lần CO2 trong 20 năm đầu tiên được xả vào bầu khí quyển. Vì vậy, sự cố của Nord Stream sẽ làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu trong những năm tới.

Khí tự nhiên thoát ra từ đường ống Nord Stream dưới đáy Biển Baltic, ảnh chụp ngày 30/9/2022 từ máy bay quân sự Đan Mạch. (Ảnh: Ban Chỉ huy Quốc phòng Đan Mạch, Reuters).

Đức Quyền

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.