Tổng thống Putin ra lệnh 'sửa sai' khi hàng trăm nghìn người Nga chạy ra nước ngoài
Những sai sót của lệnh động viên
Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội của Nga đã đưa tin về các trường hợp gửi giấy gọi nhập ngũ đối với cả người già, sinh viên hay thậm chí cả người bệnh.
Trong một cuộc họp với hội đồng an ninh được phát sóng trên truyền hình Nga, ông Putin nói: “Việc huy động nhân lực cho quân đội đang đặt ra nhiều vấn đề và chúng tôi sẽ phải sửa chữa tất cả những sai sót, đồng thời đảm bảo không để xảy ra một lần nữa”.
Tổng thống Putin cho biết những trường hợp như cha của những gia đình đông con, người mắc bệnh hiểm nghèo hay người già sẽ được miễn gọi nhập ngũ.
Ông Putin nói: “Nếu sai sót xảy ra, cần phải sửa chữa và những người bị triệu tập mà không có lý do chính đáng sẽ được về nhà”.
Thông báo của Nga hôm 21/9 về đợt huy động quần chúng đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai đã vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ chính thức của Điện Kremlin. Đây là điều chưa từng xảy ra tại Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách đây 7 tháng.
Ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận về một số sai sót trong việc gửi giấy triệu tập và vấn đề đang được chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng sửa chữa.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow dự định chỉ huy động 300.000 người. Song, một báo cáo của tờ Novaya Gazeta Europe (Nga) tiết lộ lệnh động viên của Putin có thể huy động đến 1 triệu người. Sau đó, Điện Kremlin đã phủ nhận thông tin này.
Làn sóng phản đối lệnh động viên đã dẫn tới các cuộc biểu tình và những chuyến bay đưa hàng nghìn nam giới rời khỏi “xứ bạch dương”.
Làn sóng di cư
Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, đã ra chỉ thị cho chính phủ giúp đỡ hàng chục nghìn người Nga nhập cảnh vào nước này, sau đợt huy động quần chúng tham gia quân đội của Tổng thống Putin.
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết gần 100.000 người Nga đã di cư sang Kazakhstan kể từ ngày 21/9. Ông Tokayev nói: “Phần lớn họ phải ra đi vì tình thế tuyệt vọng và chúng tôi phải chăm sóc và đảm bảo an toàn cho họ.”
Trong bối cảnh Kazakhstan miễn thị thực đối với công dân Nga, số lượng người Nga đổ vào quốc gia Trung Á này tăng theo từng phút. Theo các nhà hoạt động giám sát biên giới, hàng nghìn ô tô và xe buýt bị mắc kẹt tại 10 cửa khẩu biên giới và thời gian chờ đợi tăng từ ba giờ đến ba ngày.
Các khách sạn, nhà nghỉ và nhà ở tư nhân ở miền bắc Kazakhstan chật cứng khách đến mức chủ một rạp chiếu phim ở thành phố biên giới Oral đã gây xôn xao khi cho những người Nga vô gia cư tá túc miễn phí.
Mặc dù Kazakhstan là quốc gia có tỷ lệ dân số gốc Nga lớn nhất Trung Á, hầu hết những người Nga di cư đều coi nước này là nơi trú ẩn tạm thời cho đến khi tìm được vé máy bay đến các quốc gia khác.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế số lượng các hãng hàng không hoạt động tại Nga và giá vé đã tăng chóng mặt.
Quan chức phụ trách vấn đề di cư của Kazakhstan, Aslan Atalykov, cho biết các sân bay của nước này là một trong những lý do khiến người Nga đổ xô đến.
Trang Orda.kz trích số liệu của Bộ Nội vụ cho biết hơn 66% trong số 100.000 người mới đến đã rời đi và chỉ khoảng 8.000 người nhận được mã số thuế cần thiết để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký tạm trú.
Ngoài Kazakhstan, người Nga cũng di cư đến Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất Trung Á nằm ở phía nam Kazakhstan, song họ gặp nhiều khó khăn để tìm chỗ ở.
Trả lời phỏng vấn Al Jazeera, một giám đốc phụ trách quảng cáo tại Uzbekistan cho biết: “Tôi đã phải chuyển đến ở nhà bố mẹ vì có hai gia đình sống trong căn hộ của tôi”.
Các chuyên gia nhận định lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Á đang phải đón tiếp nhiều công dân Nga có tư tưởng chống đối. Song, rất khó để dự đoán tình trạng này sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Á và Nga như thế nào.
Theo ông Temur Umarov, chuyên gia của tổ chức tư vấn Carnegie Politika, những tác động về kinh tế trong dài hạn cũng khó xác định. Trả lời Al Jazeera, ông nói: “Những người Nga mới di cư đến có thể là cơ hội ngắn hạn để thúc đẩy các chỉ số kinh tế, song về lâu dài, họ là một gánh nặng, vì không rõ họ sẽ thích nghi như thế nào, có tìm được việc làm mà không trở nên phụ thuộc hay không”.