Lệnh động viên của ông Putin đánh vào ngay điểm yếu của nền kinh tế Nga
Hai điểm yếu kinh tế
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã phát lệnh động viên, triệu tập thêm 300.000 quân nhân dự bị cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Theo lệnh này thì cứ 1 trong 100 công nhân sẽ phải ra mặt trận - ngay tại thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, chứng tỏ nền kinh tế đang rất cần người lao động.
Cùng lúc, rất nhiều công dân Nga đang tìm đường tháo chạy khỏi đất nước. Kết hợp cả hai yếu tố, thị trường lao động của Nga rõ ràng là không có đủ người để thay thế những quân nhân sắp phải ra chiến trường.
Hơn nữa, lệnh động viên của ông chủ Điện Kremlin nhiều khả năng sẽ làm phức tạp thêm tình hình tài chính vốn đã eo hẹp của người dân Nga, khiến gia đình của các quân nhân không có tiền để chi tiêu.
Chia sẻ với Bloomberg, nhà kinh tế Sofya Donets của hãng tài chính Renaissance Capital nhận định: “Quyết định động viên của Moscow đang gây ra một cú sốc tiêu cực và mạnh mẽ đến tâm lý người tiêu dùng Nga”.
“Chúng ta sẽ thấy người Nga bắt đầu từ chối mua các món hàng không cần thiết và nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm sâu”, bà Donets dự đoán. Theo vị chuyên gia, cú sốc này sẽ khiến GDP của Nga thu hẹp thêm 0,5 điểm % trong năm nay.
Bloomberg Economics cũng tin rằng việc triệu tập quân nhân sẽ đẩy nhanh đà giảm tốc kinh tế của Nga và thúc đẩy lạm phát lên cao hơn. Nhà kinh tế Alexander Isakov cảnh báo: “Tệ hơn là, tác động nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm 5 năm nữa”.
Trái với dự đoán của nhiều người, nền kinh tế Nga chống chịu tương đối tốt trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Song, Moscow vẫn dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm 3% trong năm nay và 1% trong năm tới, lạm phát cũng cao vượt mục tiêu.
Loạt động thái của Điện Kremlin vào tuần trước khiến các nhà kinh tế phải vật lộn để bắt kịp. Ông Dmitry Polevoy của Locko Invest đã công bố một báo cáo mới, trong đó đánh giá xem việc áp đặt thiết quân luật - điều mà Moscow khẳng định chưa nghĩ đến, có thể có ý nghĩa gì với nền kinh tế và thị trường tài chính.
Bên cạnh rủi ro đẩy nền kinh tế nội địa vào suy thoái sâu hơn và gây ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính công, ông Polevoy cho rằng có khả năng nhà nước Nga sẽ tiếp quản các doanh nghiệp tư nhân và áp dụng nhiều tỷ giá hối đoái.
Chật vật xoay xở
Hiện tại, nhiều công ty đang gắng sức ngăn nhân viên nhập ngũ. Chính phủ có cấp miễn trừ cho một số vị trí trọng yếu nhưng cơ chế để xin miễn trừ lại khá bất cập bởi ông Putin thông báo lệnh triệu tập một cách rất vội vàng.
Hiệp hội doanh nghiệp chính tại Nga đầu tuần này đã gửi đơn đề nghị chính phủ mở rộng danh sách miễn trừ vì văn bản ban đầu không liệt kê nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng của nền kinh tế.
Các hãng tư vấn cũng gấp rút đưa ra lời khuyên nhằm giúp doanh nghiệp bảo vệ nhân sự của họ. Một số công ty khuyến khích nhân viên nên làm việc tại nhà vào những ngày mà lệnh quân dịch được gửi đến văn phòng.
Bà Natalya Zubarevich, chuyên gia kinh tế tại Đại học Tổng hợp Moscow, cho biết: “Các nhà chức trách đã bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề”. Bà nói, hầu hết những người được triệu tập có thể đến từ các vùng nông thôn, gián tiếp đánh vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng của Nga.
Các công ty công nghệ cao - ban đầu được hứa rằng nhân viên của họ sẽ không phải ra chiến trường, phát hiện ra rằng nhiều người đang bị cuốn vào vòng xoáy chiến sự. Một số công ty phải thuê máy bay để giải cứu nhân viên bị ảnh hưởng, báo Kommersant đưa tin.
Cùng lúc, hàng chục nghìn người Nga đang cố gắng tháo chạy khỏi đất nước, tạo thành những hàng dài hàng km ở biên giới và kéo giá vé máy bay phi mã. Trong bối cảnh công chúng lo ngại Điện Kremlin sẽ đóng cửa biên giới, giới chức trách chỉ nói rằng chính phủ chưa đưa ra quyết định nào.
Theo bà Zubarevich, về lâu dài, lệnh động viên và số người chết cũng như thương vong trong chiến sự sẽ gia tăng, qua đó khiến lực lượng trong độ tuổi lao động của Nga vốn đã eo hẹp càng thêm sụt giảm. Bà còn cảnh báo: “Vấn đề chính không phải là mất đi nhân công, mà là chảy máu chất xám”.