EU tạm hoãn kế hoạch áp giá trần với dầu Nga, nới lỏng trừng phạt than, phân bón
Kế hoạch áp giá trần rơi vào bế tắc
Theo Bloomberg, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa thể đạt được một thỏa thuận nhằm áp giá trần lên dầu thô của Nga. Nhiều khả năng vấn đề này sẽ được lùi lại cho đến khi một gói trừng phạt mới được thông qua.
Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhóm họp để thoả thuận về biện pháp trên nhưng vấp phải sự phản đối của đảo Síp (Cyprus) và Hungary. Thông thường, các biện pháp trừng phạt của EU yêu cầu sự nhất trí của tất cả các thành viên.
Các nước trong khối có thể sẽ thúc đẩy một thỏa thuận sơ bộ trước cuộc họp không chính thức của giới lãnh đạo EU tại Praha (Cộng hoà Czech) vào ngày 6/10.
Việc EU áp đặt giá trần với dầu Nga sẽ giúp khối đồng hành cũng Mỹ trong nỗ lực ổn định giá dầu thô và đánh vào doanh thu của Moscow. Nhóm G7 đã đạt được một thỏa thuận về giá trần vào đầu tháng 9.
Đề xuất của EU vẫn đang được hoàn thiện, bao gồm mức giá mà các đồng minh sẽ áp đặt cho dầu thô của Nga. Việc áp giá trần này phải có hiệu lực trước ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của toàn khối chính thức được triển khai.
EU đang cố gắng đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "động viên một phần" vào tuần trước và bắt đầu tổ chức "cuộc trưng cầu dân ý" nhằm sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Một số biện pháp cấm vận khác đang được thảo luận bao gồm kiểm soát nhập khẩu kim cương và cấm một số sản phẩm thép của Nga. Ngoài ra, 27 quốc gia thành viên cũng gần như ủng hộ đề xuất hạn chế xuất khẩu các linh kiện điện tử được sử dụng trong vũ khí sang Nga.
Họ cho rằng việc hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Moscow với linh kiện được sử dụng trong vũ khí chống lại Ukraine sẽ là một trong những công cụ hiệu quả nhất để kiềm chế quân đội Nga, đặc biệt là khi Moscow cần thêm vũ khí cho 300.000 binh sĩ mới.
Sự đoàn kết của châu Âu
Hồi tháng 6, 27 quốc gia thuộc khối kinh tế chung đã dành nhiều tuần tranh luận về các điều khoản liên quan đến biện pháp cấm vận dầu mỏ hiện tại, bao gồm cấm nhập khẩu dầu qua đường biển, miễn trừ dầu giao qua đường ống và cấm cung cấp các dịch vụ, chẳng hạn như bảo hiểm cho hàng hóa của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ đã đề nghị châu Âu nới lỏng các cấm vận trên do lo ngại giá dầu thế giới sẽ tăng vọt. Đồng thời, mức độ hiệu quả của giá trần vẫn chưa được chứng minh, khi mà những khách hàng lớn nhất của Nga, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ vẫn từ chối tham gia.
Các quan chức Mỹ lập luận rằng giá trần có thể hoạt động ngay cả khi những người mua không tham gia liên minh. Những khách hàng này có thể sử dụng cơ sở giá trần làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Moscow để được giá tốt hơn.
Tuy nhiên, việc áp giá trần sẽ yêu cầu các nước thành viên EU đặt lợi ích quốc gia sang một bên, vì sự đoàn kết của châu Âu.
Các nước EU đã giành được miễn trừ đối với dầu vận chuyển qua đường ống muốn đảm bảo về nguồn cung năng lượng, trong khi những quốc gia nhập khẩu qua đường biển muốn thông qua cơ chế trừng phạt để cân bằng sân chơi.
Các quốc gia vận tải biển, chẳng hạn như Hy Lạp, Đảo Síp và Malta lại muốn bảo vệ ngành công nghiệp của mình khỏi những biện pháp trừng phạt.
Cú “quay xe” với than
Trước đó, vào ngày 20/9, EU đã sửa đổi lệnh trừng phạt, cho phép các nước được tự do vận chuyển than của Nga hơn. Động thái này đã gây thêm bất ổn cho thị trường bảo hiểm cũng như làm dấy lên hoài nghi về lệnh trừng phạt dầu mỏ sắp tới.
Cụ thể, vào tuần trước, EU đã công bố hướng dẫn mới cho phép việc vận chuyển than và phân bón tới các quốc gia ngoài khối, với lý do lo ngại về an ninh lương thực và năng lượng. Ba Lan và các nước Baltic đã chỉ trích quyết định trên của EU trong cuộc họp giữa các bộ trưởng châu Âu.
Bộ Ngoại giao Latvia cho biết các điều chỉnh của EC gây ngạc nhiên và không có sự phối hợp với các quốc gia thành viên. Phía Latvia xác nhận rằng một số quốc gia đã nêu vấn đề tại một cuộc họp cấp bộ trưởng, yêu cầu xem xét lại quy định, đặc biệt là đối với các mặt hàng không liên quan đến an ninh lương thực.
Người phát ngôn của EC - ông Daniel Ferrie cho biết: “EU hoàn toàn không muốn để các lệnh trừng phạt của khối ảnh hưởng quá mức đến hoạt động thương mại của những mặt hàng mà các nước thứ ba trên toàn cầu cần”.
Các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm và chủ tàu cũng đã ngạc nhiên bởi vào tháng 8, EU đã cấm hoàn toàn việc vận chuyển các chuyến hàng than của Nga.
Quyết định sửa đổi lệnh trừng phạt đối với than của EU có thể sẽ ảnh hướng tới dầu mỏ. EU đã áp đặt lệnh trừng phạt tương tự với dầu thô và nhiên liệu của Nga, dự kiến lần lượt có hiệu lực vào tháng 12 và tháng 2/2023.
Ông Mike Salthouse, Giám đốc cấp cao của công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hải The North of England P&I Association, cho biết: “Nếu EU tiếp tục triển khai các biện pháp trừng phạt và áp giá trần theo cách này, [ngành bảo hiểm] sẽ gặp khó”.
“Biện pháp trừng phạt hiệu quả là những biện pháp mà mọi người đều hiểu và tuân thủ, cũng như nhất quán và rõ ràng. Lập trường của EU với than và phân bón đi ngược lại với [quy tắc trên]”, ông nói.
Tuy nhiên, khi điều chỉnh quy định về than, EC cũng nhấn mạnh: “Các nhà khai thác EU vẫn bị cấm cung cấp bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển sản phẩm dầu mỏ đến các nước thứ ba, đặc biệt là thông qua các tuyến hàng hải”.