|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc khủng hoảng tiếp theo của thị trường năng lượng: Thiếu tàu chở dầu

21:01 | 15/09/2022
Chia sẻ
Thế giới rõ ràng đang rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi nhiều nước mải mê với giá dầu thô hay khí đốt cao kỷ lục, thì một vấn đề khác đang lộ diện: vấn nạn thiếu tàu chở dầu.

Sắp thiếu tàu chở dầu

Thế giới đang bước vào giai đoạn thiếu hụt năng lượng và một khía cạnh của cuộc khủng hoảng có vẻ đang bị bỏ qua, đó chính là khâu vận chuyển năng lượng.

Nhu cầu đối với tàu chở dầu đã tăng mạnh kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) giáng đòn trừng phạt vào Nga vào mùa xuân năm nay. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô và nhiên liệu của Nga có hiệu lực.

Một con tàu chở dầu trên biển. (Ảnh: Reuters).

Bloomberg mới đây đưa tin, các công ty vận tải biển đang phải chật vật thuê thêm tàu chở dầu trước khi EU bắt đầu thực thi cấm vận đối với dầu thô của Nga từ đầu tháng 12 năm nay và đối với nhiên liệu hai tháng sau đó.

Các tàu nói trên sẽ đóng vai trò rất quan trọng, giúp vận chuyển sản phẩm dầu mỏ của Nga đến các thị trường không phải châu Âu, vì EU sẽ không mua hàng nữa, mặc dù hiện tại các nước trong khối vẫn đang đẩy mạnh tích trữ nhiên liệu của Nga trước thềm lệnh cấm.

Cuộc chiến tại Ukraine và phản ứng của phương Tây với chiến sự đã làm sống dậy thị trường tàu chở dầu toàn cầu, và cùng với đó là chi phí vận chuyển nhiên liệu hoá thạch, oilprice.com nhận thấy.

Kể từ khi Nga động binh vào cuối tháng 2, nhu cầu đối với tàu chở dầu đã bật tăng đáng kể và thị trường khó có thể đảo chiều trong tương lai gần, đặc biệt là do nguồn cung khá hạn chế, nhà phân tích Tor Svelland của Svelland Capital cho hay.

Trong vài năm qua, các hãng xuất xưởng rất ít tàu chở dầu mới và đây không phải là điều mà ngành công nghiệp đóng tàu có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nguồn cung tàu có thể sẽ tiếp tục eo hẹp, từ đó kéo chi phí vận chuyển dầu và nhiên liệu lên cao hơn.

Quả thực, vào đầu tháng 8, Bloomberg đã từng một lần đưa tin rằng thị trường tàu chở dầu toàn cầu đang chứng kiến nhu cầu mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ.

Trích dẫn dữ liệu từ nền tảng Clarkson Research Services, Bloomberg cho biết lợi nhuận trung bình cho một tàu chở dầu trong 14 tuần tính đến ngày 8/8 đã vọt lên trên 40.000 USD/ngày - mức cao nhất kể từ năm 1997.

Con số hiện tại có thể còn cao hơn và sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu về nhiên liệu vượt xa nguồn cung trong những tháng tới.

 

Thị trường năng lượng vốn đã bị siết chặt, nhưng với lệnh cấm vận sắp sửa có hiệu lực của EU, tình hình sẽ ngày càng phức tạp hơn. Khi đó, các hãng vận tải sẽ cạnh tranh gay gắt để thuê mướn tàu chở dầu.

Công ty vận tải biển Đan Mạch Torm nhận định: “Lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ tháng 2/2023 sẽ kích hoạt một đợt điều chỉnh mới trong hệ thống thương mại dầu mỏ quốc tế”.

Sự điều chỉnh này sẽ không chỉ liên quan tới nhu cầu đối với tàu chở dầu đến các địa điểm ngoài châu Âu, mà thị trường còn cần thêm tàu để cung cấp nhiên liệu cho châu Âu từ các nhà cung ứng không phải Nga.

Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đang nhập khẩu dầu thô của Nga, sau đó chế biến thành nhiên liệu và xuất khẩu chúng ra nước ngoài, có thể trở thành nhà cung ứng của EU trong tương lai gần.

Thêm cơn đau đầu khác

Bên cạnh sự thắt chặt trên thị trường tàu chở dầu, các xu hướng mới cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá nhiên liệu. Thị trường nhiên liệu toàn cầu cũng đang chịu các nút thắt về cung - cầu và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong những năm tới.

Trích dẫn nghiên cứu của S&P, Reuters cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do công suất lọc dầu trên khắp thế giới đang sụt giảm kỷ lục - mất khoảng 3,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2022.

Trong khi công suất lọc dầu bị thu hẹp, nhu cầu nhiên liệu lại tăng thêm 5,6 triệu thùng/ngày - tạo ra cách biệt lớn giữa cung và cầu.

Theo nghiên cứu của S&P, nếu không xảy ra sự cố nào, công suất lọc dầu toàn cầu có thể nhích thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2023.

Song, oilprice.com cho rằng việc bổ sung công suất lọc dầu có thể sẽ gặp trở ngại vì các nhà máy đang nghi ngại về quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nếu giới chức thế giới thúc đẩy cuộc chuyển đổi, các nhà máy mới có thể trở thành tài sản không được sử dụng, hao phí rất nhiều tiền đầu tư.

Trong tình huống đó, tương lai của người tiêu dùng sẽ rất bấp bênh vì giá cả hoặc nguồn cung nhiên liệu sẽ bị hạn chế. Khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, Nga sẽ chuyển sang các khách hàng mới ở châu Á, châu Phi và theo Bloomberg là cả châu Mỹ Latin.

Bản thân EU sẽ phải nhập khẩu nhiên liệu từ các thị trường như Trung Đông, Mỹ và như đã lưu ý - Ấn Độ và Trung Quốc.

Do tình hình nguồn cung eo hẹp, chắc chắn giá nhiên liệu sẽ leo thang. Lúc đó, một số nước có thể học theo những gì Trung Quốc đang làm với khí hoá lỏng của Nga: bán lại cho châu Âu với giá cao hơn.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ đang gặp những khó khăn riêng khi tồn kho nhiên liệu - đặc biệt là sản phẩm chưng cất, dầu diesel và nhiên liệu máy bay, đều xuống thấp.

Như vậy, Mỹ khó có thể nhiệt tình giúp đỡ châu Âu bằng cách xuất khẩu thêm nhiều nhiên liệu sang lục địa già, đơn giản là vì họ không có đủ nguồn cung. Điều này có thể khiến giá nhiên liệu lên cao hơn nữa trong mùa đông năm nay.

Khả Nhân