|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Áp giá trần dầu Nga, phương Tây có đạt được kỳ vọng?

15:41 | 17/09/2022
Chia sẻ
Chuyên gia Bill O'Grady của công ty tư vấn Confluence Investment, có trụ sở tại Mỹ nhận định trong khi G7 đưa ra viễn cảnh giá dầu giảm, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang mua dầu với mức giá rẻ hơn.

Ngày 2/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí thông qua quyết định áp giá trần đối với dầu Nga: bắt đầu từ ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm tinh chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo động thái chưa từng có tiền lệ này chưa chắc đã mang lại hiệu quả như phương Tây kỳ vọng.

Cơ chế áp giá trần và phản ứng của Nga

Tuyên bố chung của G7 nêu rõ các nước thành viên khối này đang hướng tới việc thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, đồng thời hối thúc tất cả các nước có ý định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn. Theo tuyên bố, G7 đặt mục tiêu triển khai biện pháp này theo cùng lộ trình với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.

Theo cơ chế áp giá trần, dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành, nhằm hạn chế lợi nhuận của “xứ Bạch dương”, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na). Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, tỷ lệ chiết khấu, tính riêng đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, có thể được điều chỉnh thường xuyên. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gần đây cho biết Bộ này đang tìm cách thiết kế một cơ chế đơn giản để áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Phản ứng trước kế hoạch trên, Nga cảnh báo sẽ có "các biện pháp đáp trả" kế hoạch của G7. Trong một phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các ý kiến kêu gọi thực hiện áp giá trần đối với năng lượng của Nga, đồng thời khẳng định sẽ chấm dứt các hợp đồng cung cấp năng lượng nếu điều này xảy ra.

Phương Tây áp giá trần dầu Nga. (Ảnh: Financial Times).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov khẳng định Nga sẽ tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang châu Á nhằm đối phó với kế hoạch của G7. Ngoài ra, Bộ trưởng Shulginov nhận định nhiều khả năng châu Âu sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027. Theo ông, giá giao ngay hiện nay cho thấy việc độc lập với nguồn cung khí đốt của Nga "không hề đơn giản". Mùa Đông sắp tới sẽ là minh chứng thực tế cho việc từ bỏ hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga. Châu Âu khó có thể dựa vào đối tác nào ngoài Mỹ, quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Thứ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cảnh báo kế hoạch của G7 về việc áp giá trần dầu mỏ của Nga sẽ gây ra tình trạng "mất ổn định" trên thị trường toàn cầu.

Nhà sản xuất khí đốt lớn nhất tại Nga là tập đoàn Gazprom đã thông báo ngừng vô thời hạn việc cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Việc Nga đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt có nguy cơ đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông năm nay.

Cảnh báo của nhà phân tích

Các thành viên của G7 gồm Anh, Canada (Ca-na-đa), Pháp, Đức, Italy (I-ta-li-a), Nhật Bản và Mỹ đã hạn chế hoặc đình chỉ việc mua xăng dầu của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý để kế hoạch của G7 phát huy hiệu quả, các nước khác sẽ phải tham gia - đặc biệt là một số khách hàng quan trọng nhất của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc.

Chuyên gia Bill O'Grady của công ty tư vấn Confluence Investment, có trụ sở tại Mỹ nhận định trong khi G7 đưa ra viễn cảnh giá dầu giảm, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang mua dầu với mức giá rẻ hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia John Kilduff của công ty tư vấn đầu tư Again Capital, có trụ sở tại Mỹ cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia kế hoạch của G7, khi những nước này đã không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo chuyên gia Kilduff, Nga sẽ tiếp tục cung ứng nhiên liệu sang ba nước trên.

Theo nhật báo Le Figaro (Pháp), ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến trong các cuộc tranh luận công khai cho rằng: các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, không những không làm suy yếu nền kinh tế của đất nước này mà ngược lại, còn làm cho Nga được củng cố hơn.

Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở ở Phần Lan, cho biết doanh thu từ việc xuất khẩu năng lượng của Nga trong 6 tháng qua đạt mức rất cao, lên tới 158 tỷ USD, trong đó 50% số tiền này đến từ các nước EU.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, trước khi xung đột Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm 2021, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

Theo CREA, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao đồng nghĩa với doanh thu hiện tại của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, cho dù lượng xuất khẩu giảm. CREA cho biết xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã đóng góp khoảng 43 tỷ USD cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã khiến hàng hóa nhập khẩu của Nga sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất trong nước của nước này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng 60%, giúp bù đắp cho sự sụt giảm lượng xuất khẩu.

Trà My

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.