Quyết định xả kho dự trữ dầu của ông Biden đặt Mỹ vào thế khó trong tương lai
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của Mỹ đã sụt giảm thêm 8,4 triệu thùng vào năm ngoái, xuống chỉ còn 434,1 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1984.
Vào ngày 25/2/2022, kho dự trữ này chứa 580 thùng dầu thô. Nói cách khác, Mỹ đã bán ra 1/4 SPR chỉ trong vòng hơn 6 tháng.
Trong lịch sử hình thành của kho dự trữ dầu chiến lược, gần như dầu chỉ được tích tụ thêm, và rút ra một cách rất nhỏ giọt, chứ chưa từng được bán đi với tốc độ như hiện nay.
Ảnh hưởng dài hạn
Sputnik dẫn lời Tiến sĩ Mamdouh G Salameh, một nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng toàn cầu: “Trong ngắn hạn, mức sụt giảm này sẽ không gây tổn hại tới an ninh năng lượng của Mỹ, bởi Washington dự kiến sẽ bù đắp lượng dầu đã bán ra bằng cách mua vào ở mức giá cao hơn”.
“Nhưng trong dài hạn, [động thái này] có thể ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ ngoại giao xấu đi giữa một bên là Nga, Trung Quốc và bên kia là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến xung đột Ukraine và Đảo Đài Loan”, ông nói.
Một yếu tố khác, theo ông Salameh, là việc năng lực sản xuất dầu của thế giới đang ngày càng giảm, bao gồm cả OPEC+.
Tổng cộng, Mỹ đã bán ra 240 triệu thùng dầu từ kho dự trữ. Các số liệu mới nhất của Bộ Năng lượng "nhấn mạnh sự suy thoái lâu dài của an ninh năng lượng của Mỹ và sự thất bại trong việc mở kho SPR nhằm ngăn chặn đà tăng của giá dầu thô”, ông cho biết.
“Mỹ ngày càng nhập khẩu nhiều dâu thô và thực tế là ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã không còn có nhiều ảnh hưởng”, nhà kinh tế dầu mỏ quốc tế nói thêm.
Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ có bốn cơ sở, tại vịnh Mexico, bang Texas và Louisiana. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc mở kho dầu SPR có thể xảy ra trong 4 trường hợp: giải phóng khẩn cấp, bán thử nghiệm, thỏa thuận trao đổi và bán hàng không khẩn cấp.
SPR được lập ra vào tháng 12/1975 sau lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt đối với Washington. Lệnh cấm vận đã ngăn Mỹ nhập khẩu dầu từ các quốc gia OPEC, và bắt đầu một loạt các đợt cắt giảm sản lượng làm tăng giá dầu thô trên thế giới.
Theo Tiến sĩ Salameh, dự trữ khẩn cấp hiện tại của Mỹ có thể trụ được từ 21 đến 47 ngày, tùy theo mức tiêu thụ.
Ông Tom Luongo, một nhà bình luận tài chính và chính trị, lập luận: “Nếu chính quyền Tổng thống Biden có ý định đối đầu trên hai mặt trận với cả Nga (đang diễn ra) và Trung Quốc trong tương lai, thì SPR rất quan trọng”.
“SPR dành cho những trường hợp khẩn cấp, để có nguồn dự trữ cần thiết nhằm ứng phó với tình trạng thiếu nhiên liệu”, ông cho hay.
“Rõ ràng, nguồn cung năng lượng chiến lược của một quốc gia không nên được quản lý theo nguyên tắc sản xuất tức thời (just-in-time)". “Just-in-time” là nguyên tắc quản lý logistics hiện đại, giúp giảm chi phí và hàng tồn kho vì chỉ khi nào có người đặt mua thì hàng mới được sản xuất. Theo ông Luongo, rút cạn SPR bây giờ là "quyết định chiến lược hoàn toàn sai lầm của chính quyền Biden”.
Không chỉ đang mở kho dự với tốc độ kỷ lục, loại dầu đang được bán ra cũng đang khiến an ninh năng lượng Mỹ gặp nguy hiểm.
Theo Bloomberg, nhìn chung, SPR có hai loại dầu thô: ngọt và chua, khác nhau về hàm lượng lưu huỳnh có trong dầu. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ được thiết kế để ưu tiên nhận dầu chua, có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn. Dầu chua thường được Nga, đa số Trung Đông và Venezuela sản xuất.
Bởi vậy, trong một năm vừa qua, 85% dầu từ kho dự trữ chiến lược được bán ra là dầu chua. Lọc dầu đang là một trong những nút thắt lớn nhất trong thị trường dầu khí nên việc làm hài lòng các nhà máy của Mỹ mang yếu tố quyết định.
Điều đáng nói là chỉ 60% dầu trong kho dự trữ của Mỹ là dầu chua, theo Bộ Năng lượng. Mỹ đang bán loại dầu mà mình sử dụng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dầu ngọt.
Theo dự đoán của OilX, vào cuối tháng 10, dự trữ dầu chua của Mỹ chỉ còn 179 triệu thùng. Trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 10/2022, Mỹ có thể sẽ bán khoảng 180-190 triệu thùng dầu thô chua từ kho dự trữ.
Hiệu quả nhất thời
Giá năng lượng của Mỹ bắt đầu tăng nhiều tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Ông Salameh giải thích: “Với nhu cầu dầu toàn cầu gia tăng và năng lực sản xuất dự phòng toàn cầu bị thu hẹp, giá dầu thô đã bắt đầu tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2014”.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API) Mike Sommers nói với Fox News vào tháng 11/2021 rằng các chính sách của Tổng thống Biden là yếu tố chính làm tăng chi phí xăng dầu.
API cho rằng nguyên nhân xăng tăng giá là do ông Biden ngăn chặn việc bán xăng dầu ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực (ANWR), hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada, đồng thời hạn chế việc cho thuê và cấp phép trên các vùng đất liên bang.
- TIN LIÊN QUAN
-
Canada có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới nhưng sản lượng khai thác mãi lẹt đẹt, vì sao? 05/09/2022 - 14:32
Các chính sách nói trên là một phần trong sáng kiến về biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden nhằm đạt “phát thải ròng bằng không” vào năm 2050.
Tổng thống Mỹ nhiều lần thúc giục các nhà sản xuất xăng dầu trong nước và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng cường sản xuất nhưng đều vô ích.
Các nhà sản xuất Mỹ cho rằng việc tăng cường khai thác dầu sẽ mất thời gian. Thành viên hàng đầu của OPEC, Arab Saudi, tuyên bố vào ngày 16/7 rằng điều duy nhất Riyadh có thể làm là tăng sản lượng dầu thô từ 10 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày nhưng vào năm 2027.
"Đà tăng giá nhiên liệu có tác động bất lợi đến sự nghiệp chính trị, nên Tổng thống Biden đã cho phép giải phóng một lượng lớn dầu thô từ SPR để kiềm chế giá”, ông Salameh nói.
Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 với mức tín nhiệm tương đối thấp, một phần nguyên nhân do lạm phát cao kỷ lục.
Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính Mỹ, việc Mỹ mở kho dự trữ dầu chiến lược có thể khiến giá xăng giảm từ 0,13 cho tới 0,31 USD/gallon (0,034-0,082 USD/lít). Nếu có sự hợp tác của IEA, mức giá có thể giảm sâu hơn, từ 0,17 đến 0,42 USD/gallon (0,045-0,11 USD/lít).
Mức giảm này chắc chắn có tác động tích cực tới lạm phát, khiến cho giá cả tiêu dùng tại Mỹ trong những tháng gần đây có xu hướng tăng chậm dần, cùng với đó là mức tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden cải thiện hơn.
Tuy nhiên, trong tương lai, cạn kiệt nguồn dự trữ chiến lược sẽ đẩy Mỹ vào thế vô cùng bất lợi. Ông Loungo cho biết: "Mỹ sẽ là người nhập khẩu dầu lớn trong những tháng tiếp theo. Và rõ ràng là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khẳng định Mỹ dự kiến sẽ mua dầu với giá thấp hơn giá thị trường".
"Tuy nhiên, do chênh lệch cung cầu trên thị trường trong tương lai, mong muốn mua được dầu giá rẻ hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trường hợp duy nhất mà bà Yellen có thể áp 'giá trần' là khi nền kinh tế suy thoái sâu", ông nói.
"Thật không may là [các đợt mở kho dự trữ] hầu như không có bất kỳ tác động nào đến giá cả", ông Salameh nhấn mạnh. "Quyết định này được đưa ra vào thời điểm thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ở trạng thái tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2014, nhu cầu rất mạnh và năng lực sản xuất dự phòng đang thu hẹp do thiếu đầu tư. Trong những năm tới, chắc chắn giá dầu sẽ có chiều hướng tăng".
Khi buộc phải mua vào để bù đắp cho SPR, quyền lực đàm phán của Mỹ có thể sẽ thấp đi. Canada là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất sang Mỹ. Vì là người mua lớn duy nhất, Washington đã ép Ottawa chiết khấu tương đối cao, khoảng 20 USD/thùng.
Tuy nhiên trong tình thế bắt buộc, vị thế này có thể bị đảo ngược, buộc Mỹ phải trả nhiều hơn để có được những thùng dầu của Canada.