|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lệnh 'động viên một phần' của ông Putin: Nước đi gây phản tác dụng

16:32 | 26/09/2022
Chia sẻ
Lệnh "động viên một phần" của ông Putin có thể là nước đi gây phản tác dụng. Lính dự bị không được đào tạo bài bản và thiếu thiện chí có thể cản trở nỗ lực của Nga trong việc khẳng định lại quyền kiểm soát tại chiến trường Ukraine.

Dấu hiệu đuối sức từ Nga

Ngày 21/9, thông qua đài truyền hình nhà nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát lệnh “động viên một phần”, triệu tập thêm 300.000 quân nhân dự bị cho cuộc chiến tại nước láng giềng Ukraine.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu làm rõ rằng chỉ những người từng là quân nhân chuyên nghiệp mới được điều động, trong khi sinh viên và những người từng là lính nghĩa vụ thì không cần tập trung.

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng lệnh động viên là dấu hiệu của sự yếu kém, cho thấy Moscow đang muốn câu giờ cho đội quân đang đuối sức cũng như để xoa dịu làn sóng phản đối trong nước do cuộc chiến đang diễn tiến quá chậm.

Theo thống kê của phương Tây, gần 7 kể từ khi xung đột nổ ra, ước tính khoảng 40.000 đến 80.000 binh sĩ Nga đã chết, bị thương hoặc đào ngũ. Khoảng 6.200 phương tiện quân sự - trong số những trang bị tân tiến nhất của Nga, đã bị phá huỷ hoặc bỏ lại trên chiến trường.

Thiết bị quân sự của Nga bị phá hủy ở làng Husarivka, không xa thành phố Balakliya ở vùng Kharkiv (Ukraine). (Ảnh: Getty Images). 

Trong một đoạn tweet, ông Mike Martin - giảng viên cấp cao tại khoa nghiên cứu chiến tranh tại trường King’s College (London), đánh giá: “Động thái điều động binh sĩ của Nga sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì”.

Trước truyền thông, phát ngôn viên John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng con số 300.000 lính là “rất lớn”, nhưng đó “rõ ràng là dấu hiệu cho thấy ông Putin đang đuối sức”.

Theo Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có cùng nhận xét. Ông nói: “Bài phát biểu của ông Putin là một bước leo thang nhưng cũng không gây ngạc nhiên. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. NATO sẽ bình tâm và tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

“Lời động viên của Tổng thống Putin chứng tỏ rằng cuộc chiến đang không đi đúng hướng kế hoạch của ông ta. Nhà lãnh đạo Nga đã có nước đi cực kỳ sai lầm”, vị tổng thư ký tiếp tục.

Tại sao dễ phản tác dụng?

Diễn biến sắp tới phần lớn phụ thuộc vào quy mô và tốc độ điều động binh sĩ của Moscow. Song, các cuộc biểu tình phản đối công khai, trốn tránh quân dịch và tháo chạy khỏi Nga mới đây cho thấy ông Putin khó mà huy động đủ 300.000 binh sĩ.

Cuối tuần qua, nhiều người đàn ông Nga và gia đình đã ồ ạt đổ về khu vực biên giới nước này khi công chúng liên tục đồn đoán rằng Điện Kremlin có thể cấm nam giới trong độ tuổi nhập ngũ rời khỏi đất nước, theo Bloomberg.

Đồng thời, chuyến bay đến các nước vẫn tiếp nhận công dân Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Serbia, Azerbaijan và Israel đã cháy vé. Giá vé đi từ Moscow đắt gấp 9 - 10 lần so với lúc bình thường.  

Hãng tin CNBC dẫn ước tính của nhóm hoạt động vì nhân quyền OVD-Info cho biết khoảng 1.307 người đã bị tạm giữ ở 39 thành phố trên khắp nước Nga vào sáng ngày 22/9 vì tham gia biểu tình phản đối lệnh động viên của ông Putin.

Trước hết, đó chỉ mới là khó khăn ở bước huy động binh sĩ. Kể cả khi chính quyền Moscow tập trung đủ 300.000 binh lính, khâu huấn luyện sẽ còn gian nan, vất vả hơn nhiều, các chiến lược gia quân sự trao đổi với Forbes.

Sau lệnh điều động của Tổng thống Vladimir Putin, nhiều người đàn ông Nga và gia đình đang đổ về biên giới để chạy sang các nước khác. (Ảnh: AP).

Ông Martin của King’s College nói phải “mất nhiều tháng để biến dân thường thành binh lính”. Hơn nữa, những quân đoàn mới đó sẽ thiếu cả người hướng dẫn, đơn vị tiếp nhận và trang bị vũ khí cần thiết để tham gia chiến đấu.

Nga có thể đang giúp Ukraine khi tự làm xáo trộn đội quân của mình và đẩy binh lính chưa thành thục ra chiến trường. Binh sĩ còn nơn nớt kinh nghiệm, thiếu ý chí chiến đấu có thể sẽ nhanh chóng đầu hàng Ukraine, đào ngũ hoặc tử trận.

Forbes dẫn lời các nhà phân tích cho hay, trên thực tế, quân đội Nga đã không còn đào tạo tân binh theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi cử họ ra mặt trận như trước kia.

Mùa hè năm nay, khi Điện Kremlin lần đầu tiên cố gắng thành lập các đơn vị mới để thay thế cho một phần trong khoảng 50.000 binh sĩ thương vong trong cuộc chiến, các học viện chỉ được huấn luyện khoảng 30 ngày.

Vài tháng sau, Nga thậm chí còn tuyệt vọng hơn. Wagner Group - một công ty đánh thuê đang phục vụ cho Moscow, gần đây đã kêu gọi tình nguyện viên từ các nhà tù của Nga và chỉ huấn luyện trong vài ngày ngắn ngủi.

Như dự đoán của các chuyên gia, một số cựu tù nhân chưa qua đào tạo đã nhanh chóng đầu hàng Ukraine. Bây giờ, hãy thử tưởng tượng liệu một người Nga trẻ tuổi, có thể chưa bao giờ muốn cầm súng chiến đấu, có thể trụ vững trên chiến trường hay không.

Ngoài ra, việc động viên và huấn luyện sẽ làm cạn kiệt ngân khố của chính phủ liên bang, ngay thời điểm nền kinh tế Nga phải phụ thuộc nhiều vào việc bán dầu khí cho các khách hàng mới ở châu Á, trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt nặng tay.

 

Canh bạc chính trị của ông Putin

Lệnh động viên của Tổng thống Putin cũng rất rủi ro về mặt chính trị, Washington Post nhận xét. Tính chất “một phần” của cuộc huy động có nguy cơ khiến những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tại Nga tức giận. Họ có thể coi ông Putin là một kẻ vô tích sự.

Mặt khác, lệnh động viên cũng có thể làm gia tăng sự phản đối từ những người cho đến nay vẫn tương đối im lặng về cuộc chiến. Làn sóng biểu tình phản đối trên cả nước là một bằng chứng cụ thể.

Vậy, ông Putin có nên lo lắng hay không? Các nhà lãnh đạo Nga hiếm khi bị lật đổ sau thất bại quân sự. Quả thực, kể từ năm 1800, Nga đã thua 17 trong 49 cuộc chiến mà nước này tham gia, nhưng các đối thủ trong nước chỉ loại bỏ được hai nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, những xu hướng chống đối ngầm này rất đáng lưu tâm, đặc biệt là nếu ông chủ Điện Kremlin quyết định mở rộng quy mô xã hội của những người lính được huy động, giáo sư Jason Lyall của Đại học Dartmouth (Mỹ) nhấn mạnh.

Đến nay, lực lượng chiến đấu chính tại Ukraine không phải là người Nga hoặc chủ yếu là những người Nga nghèo khó đến từ những vùng hẻo lánh thay vì các thành phố nhộn nhịp như Moscow hay St. Peterburg.

Nếu ông Putin muốn tuyển thêm quân từ các vùng thành thị hiện đại, điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội trong công chúng - mà đây rõ ràng là việc ông Putin không hề muốn xảy ra.

Ở kịch bản khác, trong khi Nga bận rộn xây dựng lại quân dội, các nhà lãnh đạo Ukraine có thể tăng cường nỗ lực để giành lại các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng. Và lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin có thể khuyến khích các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí tiên tiến cho Ukraine.

Suy cho cùng, việc động viên quân sự nhiều khả năng sẽ không mang lại cho Nga bất kỳ chiến thắng thực sự nào, mà chỉ làm lộ ra những điểm yếu của nước này và làm gia tăng thiệt hại về người và của trong những tháng tới.

Yên Khê

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.